NEWSCSAGA news

Vài chia sẻ sau chuyến thăm Lý từ góc nhìn của một người hỗ trợ nạn nhân BLGD

02/07/2013 11:32:30 222
Có lẽ mấy ngày hôm nay, hẳn các bạn đã nghe quá nhiều thông tin trên báo chí về vụ việc của em Lê thị Lý ở thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Rất nhiều độc giả đã chia sẻ suy nghĩ trên các phương tiện thông tin, từ bức xúc, căm phẫn, thương em Lý, lên án hành vi

Vài chia sẻ sau chuyến thăm Lý từ góc nhìn của một người hỗ trợ nạn nhân BLGD

Có lẽ mấy ngày hôm nay, hẳn các bạn đã nghe quá nhiều thông tin trên báo chí về vụ việc của em Lê thị Lý ở thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Rất nhiều độc giả đã chia sẻ suy nghĩ trên các phương tiện thông tin, từ bức xúc, căm phẫn, thương em Lý, lên án hành vi tàn nhẫn, độc ác của Thịnh, …, đến việc phân vân, nghi ngờ, rồi đổ lỗi cho nạn nhân bởi ‘không có lửa làm sao có khói’. Quá nhiều bài báo khác nhau đang làm “nhiễu” dư luận và cũng khá nhiều niềm tin đang bị lung lay.

Chúng tôi không phải là nhà báo muốn khai thác thông tin để viết bài đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Chúng tôi chỉ là những người làm công tác xã hội, đã và đang tham gia hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, đọc câu chuyện của em qua báo chí, cảm thương và mong muốn được giúp em ít nhiều khi em đang lâm vào hoàn cảnh “chẳng ai muốn” thế này. Bởi vậy, chúng tôi thu xếp lên thăm em một buổi sáng đầu tuần.

Ngay đầu khoa bệnh, chúng tôi đã được một chị y tá chỉ dẫn nơi Lý nằm. Có vẻ ở đây ai cũng biết về em. Nhìn từ xa, chúng tôi đã nhận ngay ra Lý trong căn phòng có đến hơn 40 người cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Lý trông xanh xao, hơi gầy, nhưng không giấu được nét đẹp của một cô bé lãng mạn và giàu tình cảm. Lý kể câu chuyện của mình khá rành mạch, và “thuộc’, có vẻ như em đã gặp gỡ và kể câu chuyện với nhiều báo chí thì phải. Có trực tiếp nghe Lý kể mới thấy em yêu chồng và muốn cam chịu mọi chuyện như thế nào để cứu vãn gia đình.

Em nói có nằm mơ, em cũng không tưởng tượng được người em yêu lại đánh đập em như thế. Các chi tiết trong câu chuyện em kể thì cũng không khác là mấy so với những bài báo tố cáo, lên án hành vi của Thịnh mà mọi người đã biết. Hiện giờ, con gái của Lý 4 tuổi (rất xinh xắn) đang ở với mẹ và bà ngoại trong bệnh viện, vì bà nội cháu đã trả lại cháu cho mẹ từ khi bố cháu bị bắt. (Lúc Thịnh chưa bị bắt, bà nội còn tranh nuôi cháu). Thế là buổi tối, 3 mẹ con- bà cháu ngủ trong bệnh viện. Số tiền mọi người đến thăm cho Lý dưỡng thương, hiện giờ chi trả cho bệnh viện vì em vẫn chưa được hưởng chế độ của BHYT theo thông tư số 16 của Bộ y tế.

Mẹ Lý trông khá chân chất. Bác chia sẻ rõ là hoàn cảnh gia đình đang rất bối rối và chưa biết quyết định thế nào. Bác nhận được rất nhiều điện thoại của nhiều báo chí đến khai thác thông tin, nhiều luật sư muốn được hỗ trợ… Gia đình cảm động nhưng thực lòng họ mất niềm tin quá, chưa biết quyết thế nào. Bác cũng nhận được nhiều cú điện thoại, nhiều tin nhắn với nội dung đe dọa “sẽ giết cả nhà” nên cứ sợ luật sư cũng có thể là do người của “bên đó” cử đến cũng nên. Hiện giờ gia đình có 2 nguyện vọng: mong có chỗ ở an toàn cho cả nhà (bao gồm 4 người) tại Vĩnh Yên sau khi Lý xuất viện để tiện lợi cho việc điêu tra; và mong sao Lý được hưởng chế độ của BHYT vì gia đình không có tiền, tài sản của Lý đã bị gia đình chồng giữ hết, chả còn gì nên rất khó khăn.

Trong thời gian ngắn ngủi, chúng tôi chỉ kịp trao đổi với gia đình Lý và tư vấn cho em thử tìm sự trợ giúp của chính quyền và Hội phụ nữ bằng cách làm 1 đơn trình báo với UBND và HPN để xin hỗ trợ nơi ở trú ẩn tạm thời, cũng như xin được xác nhận là nạn nhân của bạo lực gia đình để được hưởng chế độ của BHYT theo đúng thông tư 16 của Bộ Y tế. Chúng tôi cũng nhắc tới sự cần thiết có luật sư để hỗ trợ gia đình về các thủ tục pháp lý trong quá trình tố tụng và giải quyết các thủ tục hành chính khác.

Hơn 12h trưa mới tạm biệt Lý mà chúng tôi cứ băn khoăn mãi. Băn khoăn về các dịch vụ tối thiểu dành cho người bị bạo lực của mình còn thiếu quá. Chính sách có rồi (thông tư 16/BYT) mà vẫn chưa được triển khai, người nạn nhân vẫn đang phải chờ đợi, phải qua rất nhiều các thủ tục khác nữa… Nơi tạm trú an toàn tại địa phương còn thiếu quá, mong đợi này của Lý và gia đình có lẽ sẽ khó mà thực hiện được. Không biết việc gửi đơn mà chúng tôi tư vấn có hiệu quả gì không?... Không đành lòng mang những băn khoăn ấy về Hà Nội, chúng tôi triển khai ngay việc tìm gặp chị Lê Thị Thắm, chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hùng Vương, nơi em Lý sinh sống, để tìm hiểu thêm về sự hỗ trợ của địa phương về trường hợp của em.

Chị Thắm cho chúng tôi biết rất nhiều thông tin xung quanh vụ việc này. Chị Thắm bảo gia đình nhà Lý cũng chưa bao giờ va chạm nên chẳng biết ứng xử thế nào. Vụ việc của Lý được một bác sĩ trong bệnh viện Đa khoa Vĩnh Yên vì quá bức xúc nên đã lên tiếng. HPN và dân cư ở đây cực kì bất bình về vụ việc, người dân xung quanh khu vực Lý sinh sống đã đến vây quanh nhà Thịnh, thậm chí có người còn muốn xông vào đánh nhà chồng Lý. Ở cụm 5, nơi Lý ở, họ đã họp và có 1 biên bản ngay sau khi phát hiện ra vụ việc và gửi lên cấp trên.

HPN địa phương đã vào cuộc từ trước khi báo chí viết bài rầm rộ. Chị Thắm khẳng định là có chuyện gia đình nhà Lý nhận được nhiều điện thoại, tin nhắn “khủng bố” lắm. Có hôm chị ở đó thăm Lý, thấy mẹ Lý nghe điện thoại xong mà mặt mũi tái mét, chân tay run rẩy, nên nhà Lý rất hoang mang phải cầu cứu đến các chị ấy. Dạo đó, buổi tối nào các chị cũng cử người đến với Lý để gia đình yên tâm. HPN tỉnh cũng đã cử người đến thăm và động viên em Lý. Chính chị Thắm đã yêu cầu bên công an bảo vệ và thực tế là công an đã mặc thường phục để bảo vệ gia đình vài hôm.

Trong câu chuyện, chị Thắm cũng cho biết là dân phố họ còn bắt quả tang mẹ chồng Lý phi tang các vật dụng, quần áo của Lý đã bị cắt vụn ra đổ rác đầu phố. Các bác ấy bắt bà Vui, mẹ chồng Lý phải nhặt hết về, có bác còn lôi máy ảnh ra chụp ảnh nữa. Chị Thắm kể là ở khu dân cư, Lý được mọi người yêu mền vì hiền lành, ngoan ngoãn, tiền lương 5 triệu mỗi tháng đều về nộp cho mẹ chồng hết, tiêu cái gì thì lại xin, như đi cắt tóc cũng xin mẹ. Toàn bộ tài sản như ô tô mua bằng tiền Lý gửi về khi đi xuất khẩu lao động đều không đứng tên Lý. Tiền của mẹ đẻ cho khi cưới, Lý cũng gửi mẹ chồng cả. Lý yêu mẹ chồng đến nỗi là trích ra 250.000 đồng từ 1 triệu mẹ đẻ cho để mua 1 lẵng hoa tặng mẹ chồng ngày 20/10 (chính mẹ chồng Lý khoe với chị Thắm thế). Chị Thắm cũng lấy làm lạ là vì sao mẹ chồng Lý lại nói dối nhiều chuyện, mà người dân ở đây ai cũng biết, ví dụ như cái chuyện bà Vui bảo chồng bà chết vì bị cảm, chứ không phải bị ung thư như lời khai của Lý và một số bài báo đã đưa tin, trong khi ông ốm và nằm viện bao nhiêu lâu ở bệnh viện đa khoa thì ai cũng biết cả.

Khi chúng tôi hỏi về Thịnh, chị Thắm nói ngay, Thịnh trông đẹp trai, 2 bằng đại học hẳn hoi mà hành xử như vậy là không chấp nhận được. Chị Thắm đã có lần gặp Thịnh, nói về những tin nhắn đe dọa, nhưng Thịnh chối đây đẩy, rồi còn lấy sinh mạng của mẹ và con gái ra để thề. Thịnh nói chuyện với chị Thắm là vừa ngồi làm việc với anh nọ, anh kia để tỏ rõ sức mạnh của mình. Nhưng chị Thắm cũng “cứng” lắm, chị chia sẻ với chúng tôi, chị sẽ làm một công văn gửi tới bên công an tỉnh và viện kiểm sát nơi đang điều tra về vụ việc để bày tỏ quan điểm của mình và yêu cầu đưa vụ việc về xét xử lưu động tại địa phương. Có như thế mới thỏa lòng mong đợi của người dân Vĩnh Yên vì bất bình trước sự việc và mong chờ vào sự công minh của pháp luật.

Trò chuyện với chị Thắm thật là dễ chịu vì sự cầu thị, chân thành, nhiệt tình và trách nhiệm của chị ẩn chứa trong mỗi câu nói. Giờ thì chúng tôi thấy an tâm phần nào vì Lý đang được nhiều người giúp đỡ. Chị Thắm, HPN địa phương, chủ doanh nghiệp vàng bạc nơi Lý làm, rồi cả Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh cũng vừa ngỏ ý hỗ trợ em. Điều quan trọng hơn hết là quan điểm của chúng tôi khá thống nhất : không chấp nhận bạo lực gia đình, bạo lực trong bất kì hoàn cảnh nào, lý do nào đi nữa cũng là hành vi không thể dung thứ. Có thể có những bài báo, có những cá nhân thông tin về vụ việc này đang vi phạm điều 9 của Luật Phòng chống bạo lực gia đình mà không biết. Xin hãy xem lại Luật!

Nguyễn Thu Thúy – Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Quỹ hỗ trợ khẩn cấp dành cho nạn nhân bạo lực giới