NEWSCSAGA news
Tổng kết và trao giải thi viết "Nói không với bạo lực gia đình": Để bạo lực không còn đất sống
Tổng kết và trao giải thi viết "Nói không với bạo lực gia đình": Để bạo lực không còn đất sống
Cuộc thi viết báo "Nói không với bạo lực gia đình" được tổng kết và trao giải vào ngày 11/8.
Đây là một cuộc thi có quy mô lớn, nhận được sự tham gia hưởng ứng của nhiều cơ quan báo chí.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, tất cả các tác phẩm gửi về đều có chất lượng tốt, tương đối đồng đều, thể hiện sự tuyển chọn đầy trách nhiệm từ các cấp Hội Nhà báo và cơ quan báo chí.
Cuộc thi viết báo "Nói không với bạo lực gia đình" đã nhận được
hơn 1.500 bài dự thi. Ảnh: Chí Cường
Hơn 1.500 bài dự thi
Cuộc thi viết báo "Nói không với bạo lực gia đình" do Báo GĐ&XH tổ chức, với sự chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) và Cơ quan Phòng chống ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) tài trợ. Sau khi phát động, đã có 1.536 bài từ 43 cơ quan báo chí gửi về dự thi. Sơ khảo vòng một, các báo đã tuyển chọn 295 bài có chất lượng cao nhất gửi về Ban tổ chức để tham gia sơ khảo vòng hai.
Các cơ quan báo chí bao gồm báo in, báo điện tử, báo phát thanh; nhiều chi hội, liên chi hội nhà báo lớn như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Vietnamnet, VnExpress, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong; nhiều chi hội thuộc khối báo chí viết về gia đình như: Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ TPHCM, Gia đình Việt Nam và các chi hội nhà báo thuộc khối nội chính như: An ninh Thủ đô, Công an TPHCM... đều nhiệt tình hưởng ứng cuộc thi.
Hội Nhà báo Việt Nam đã gửi công văn tới hơn 150 Hội Nhà báo địa phương và các Liên chi hội, Chi hội nhà báo trong toàn quốc để phát động cuộc thi. Đồng thời, thông báo tới các trường đại học, cao đẳng có ngành báo chí trong cả nước khuyến khích sinh viên hưởng ứng cuộc thi. Từ cuộc thi này, nhiều đơn vị báo chí đã mở các buổi sinh hoạt nghiệp vụ thiết thực, hấp dẫn. Nhiều tờ báo mở chuyên mục Phòng, chống bạo lực gia đình. Các cơ quan báo chí đã lựa chọn trong hàng ngàn tác phẩm báo chí viết về chủ đề bạo lực gia đình được đăng tải trong khoảng thời gian từ 1/8/2009 đến 15/11/2011 gửi tới Ban tổ chức cuộc thi. Tất cả các tác phẩm gửi về đều có chất lượng tốt, thể hiện sự tuyển chọn đầy trách nhiệm từ các cấp Hội Nhà báo và cơ quan báo chí.
Hội đồng chấm sơ khảo vòng 2 gồm 6 thành viên là Tổng Biên tập các cơ quan báo chí Trung ương, các chuyên gia về giới và bạo lực gia đình đã nhất trí tuyển chọn 53 tác phẩm báo chí có chất lượng cao nhất vào chung khảo. Hội đồng chấm chung khảo gồm 7 thành viên do nhà báo Trần Mai Hưởng - Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng chấm chung khảo đã nhất trí tuyển chọn 15 tác phẩm báo chí để trao giải thưởng. Hội đồng chấm chung khảo đánh giá cao chất lượng chuyên môn báo chí và hiệu quả tuyên truyền về đề tài phòng chống bạo lực gia đình của các tác phẩm báo chí đoạt giải.
Trách nhiệm của nhà báo trước thực trạng xã hội
Theo đánh giá của Ban tổ chức, thành công của cuộc thi là kết quả cụ thể của những chỉ đạo có tầm, thiết thực của Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục DS - KHHGĐ và sự tài trợ của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC). Thành công còn nhờ sự đóng góp hiệu quả, có trách nhiệm của các Liên chi hội, Chi hội nhà báo trong cả nước, đặc biệt là khả năng chuyên môn của những người cầm bút.
Những tác phẩm đoạt giải thể hiện rõ trách nhiệm của các nhà báo trước thực trạng xã hội đang ẩn chứa trong từng gia đình. Điều đó thể hiện rõ ràng trong tác phẩm đoạt giải nhất: Báo GĐ&XH phối hợp với Công an Hà Nội giải cứu bé gái 4 tuổi khỏi "địa ngục trần gian". Phóng viên Thu Trang (Thùy Chi), với sự dấn thân, lòng dũng cảm, tinh thần không khoan nhượng trước cái ác với sự chỉ đạo của Ban Biên tập đã làm một cuộc điều tra sau khi nhận được tin báo của bạn đọc. Khi đã có đầy đủ tư liệu, phóng viên Thùy Chi đã thông báo cho Công an phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để phối hợp giải thoát cháu bé khỏi một gia đình với người mẹ ruột bị tù vì buôn bán ma túy, một người cha đã chối bỏ em, một gã "bố hờ" tàn ác. 12 bài viết gây nhức nhối dư luận đã đạt được kết thúc có hậu: Em bé được trở về trong vòng tay của bà ngoại và hiện đã có một cuộc sống hạnh phúc; gã bố hờ tàn ác bị pháp luật trừng trị. Không dừng lại ở đó, vụ việc khiến các cơ quan chức năng cũng rút ra những vấn đề về quản lý nhà nước.
Hơn một năm sau khi được giải thoát (tháng 3/2010), bé Hồng Anh -
nhân vật trong loạt bài "Giải cứu bé gái 4 tuổi khỏi địa ngục trần gian" của phóng viên Thùy Chi đã
rũ bỏ được ký ức hãi hùng. Cháu đã biết đọc và viết các chữ cái... Ảnh: TL
Loạt bài "Bạo hành gia đình: Chuyện kể của người trong cuộc" của tác giả Lan Phương (Báo Tuổi Trẻ TP HCM) cũng có sự gắn kết rất chặt chẽ với bạn đọc. Lần theo những bức thư, nhà báo đã gặp để nghe chính một số nạn nhân bạo hành gia đình kể lại những câu chuyện đầy nước mắt. 2 kỳ báo, 2 câu chuyện cảm động đã cho thấy bạo lực gia đình đã đẩy những phận người vào tăm tối. Trong loạt bài này, nhà báo không chỉ là người phản ánh các vấn đề xã hội mà còn là chỗ dựa tin cậy cho những người tưởng như không còn biết kêu cứu cùng ai, giúp họ bớt đi nỗi cô đơn, có được niềm tin vào cuộc sống.
Trong tác phẩm "Phía sau sự im lặng... Alo-938666 xin nghe ..." của nhà báo Hồng Quyên (Đài Tiếng nói Việt Nam) xen trong lời dẫn của tác giả là tiếng khóc, là lời kể đau xé lòng của những phụ nữ đang rên xiết trong bạo lực gia đình. Bài viết đã thẳng thắn lên tiếng: Khi nào chúng ta còn đổ lỗi cho nạn nhân thì khi ấy việc phòng chống bạo lực gia đình còn gặp khó khăn. Nếu từng người biết đau lòng, biết nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi cho bất kỳ một thứ chung chung nào khác, thì khi ấy mới có thể phòng chống bạo lực gia đình.
Qua những tác phẩm báo chí dự thi, người đọc như được đánh thức trong sâu thẳm lương tri tình cảm vợ chồng, cha con; căm phẫn với những hành vi bạo lực có thể lồ lộ qua những trận đòn hay tinh vi, ẩn sâu trong việc bạo hành tinh thần, thậm chí cả bạo hành tình dục... Cũng qua các tác phẩm dự thi, người đọc tin tưởng rằng, với các bộ luật, Nghị định trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình; sự tích cực của hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, của những con người tâm huyết, công tác phòng chống bạo lực gia đình sẽ đạt hiệu quả cao, các hiện tượng tiêu cực trong gia đình sẽ mất dần đất sống.
Danh sách các tác giả đoạt giải Giải Nhất: 2 giải (trị giá 15.000.000đ/giải). * Nguyễn Thu Trang (Thùy Chi) và Trần Tuấn Linh (Báo GĐ&XH) với loạt bài: "Giải cứu bé gái 4 tuổi khỏi địa ngục trần gian". * Lan Phương (Báo Tuổi trẻ TP HCM) với loạt bài: "Bạo hành gia đình: Chuyện kể của người trong cuộc" (2 kỳ). Giải Nhì: 1 giải (trị giá 10.000.000đ/giải). * Diệu Linh (Báo Phụ nữ Thủ đô) với loạt bài: "Bạo lực gia đình: Cuộc chiến không có người chiến thắng" (3 kỳ). Giải Ba: 5 giải (trị giá 5.000.000đ/giải). * Hải Anh (Báo Tuổi trẻ Thủ đô) với loạt bài "Nhức nhối bạo lực gia đình" (3 kỳ). * Nguyễn Hồng Quyên (Diễn đàn các vấn đề xã hội, Hệ VOV2 Đài TNVN) với tác phẩm: "Phía sau sự im lặng…Alo-938666 xin nghe". * Nhóm tác giả Thái Văn - Quỳnh Liên - Thạch Hương (Báo Phụ nữ Việt Nam) với loạt bài "Nhân chứng bạo lực lên tiếng" (3 kỳ). * Xuân Hoa (Báo Pháp Luật Việt Nam) với tác phẩm "Sóng ngầm phá tan gia đình". * Nguyễn Huy (Báo Tiền Phong) với loạt bài "Đối thoại với những ông chồng cá biệt". Giải Tư: 7 giải (trị giá 3.000.000đ/giải). * Hồ Hà (giadinh.net.vn) với loạt bài: "Cứu cánh của nhiều số phận"; "Vùng dậy sau gần 20 năm bị bạo hành". * Nguyễn Phúc Anh (Báo Gia đình Việt Nam) với tác phẩm: "Cùng chia sẻ để vượt qua nỗi đau bạo hành". * Võ Thị Thủy (Lâm Thanh - Báo GĐ&XH) với loạt bài: "Nói không với BLGĐ": Chồng đánh, chính quyền bảo… nhịn; Tâm sự của người vợ bị chồng đánh". * Nhóm tác giả Lương Ngọc Huy- Nguyễn Thu Hiền (Báo CA TP HCM) với loạt phóng sự "Bạo hành trong gia đình" (3 kỳ). * Ngô Xuân Lộc (Báo Giáo dục Thời đại) với tác phẩm: "Bạo lực gia đình: Nỗi khổ không chỉ của người phụ nữ". * Trần Thị Hồng Oanh (Báo Yên Bái) với tác phẩm: "Người chiến sỹ trên mặt trận phòng chống bạo lực gia đình". * Nhóm tác giả Kim Chi - Hồng Ánh - Kim Loan (Đài PT-TH Phú Yên) với tác phẩm: "Bạo lực gia đình - nỗi đau con trẻ". |
Theo GĐ&XH