NEWSCSAGA news

Thông báo mời tư vấn biên soạn tài liệu. "Cẩm nang hòa giải cơ sở các vụ việc bạo lực gia đình"

16/12/2013 08:36:30 222
Không phải ngẫu nhiên, hòa giải cơ sở là biện pháp pháp lý đầu tiên được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định khi xử lý một vụ việc bạo lực gia đình. Là một dân tộc vốn coi trọng truyền thống nhân văn, đặt “cái tình” lên trên “cái lý”, nên trong rấ

Thông báo mời tư vấn biên soạn tài liệu. "Cẩm nang hòa giải cơ sở các vụ việc bạo lực gia đình"

1. Bối cảnh:

Không phải ngẫu nhiên, hòa giải cơ sở là biện pháp pháp lý đầu tiên được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định khi xử lý một vụ việc bạo lực gia đình. Là một dân tộc vốn coi trọng truyền thống nhân văn, đặt “cái tình” lên trên “cái lý”, nên trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống ở Việt Nam, biện pháp hòa giải ở cơ sở là một hoạt động được chú trọng để giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư1. Chính vì vậy, trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại Việt Nam, hòa giải là phương thức được sử dụng nhiều nhất, bất kể là nông thôn hay thành phố. Có đến 61% các vụ việc bạo lực gia đình tại Việt Nam được xử lý bằng biện pháp hòa giải

Dù được sử dụng với tần suất cao và là dịch vụ pháp lý đầu tiên mà người phụ nữ bị bạo lực gia đình được quyền tiếp cận trước khi tìm kiếm những sự trợ giúp pháp lý cao hơn, nhưng một nghiên cứu của UNODC (2011) đã cho biết, 66% nạn nhân được hòa giải không hài lòng với kết quả hòa giải. Rõ ràng, biện pháp hòa giải trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình đang ẩn chứa nhiều vấn đề.

Hòa giải đi hòa giải lại, bất kể tính chất vụ việc thế nào

« Tôi đã lấy anh được 20 năm mà anh thường xuyên uống rượu và hành hạ tôi, các anh chị trong tổ hòa giải cũng khuyên tôi cố nín nhịn để xây dựng hạnh phúc gia đình, vì con cái mà hy sinh, bản thân tôi cũng thấy nếu không vì con cái thì tôi bỏ ảnh từ lâu rồi (Nữ- nạn nhân BLGĐ)3

Lời tâm sự của những người phụ nữ được hưởng dịch vụ hỗ trợ có lẽ phần nào phản ánh quan điểm hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình. Ngoài ra, chính những thành viên trong tổ hòa giải cũng chia sẻ: “Thường hòa giải trên quan điểm: vì hạnh phúc gia đình mỗi người nhịn đi một tý. Phân tích cho chồng, phân tích cho vợ. Thường là khuyên vợ phải nhịn chồng, phải khéo léo, không làm chồng mất mặt… Phụ nữ có trách nhiệm chăm sóc, vun vén cho chồng con”4

Quan điểm hòa giải này vô hình chung đẩy người phụ nữ phải chấp nhận, phải cam chịu tình trạng bạo lực để bảo toàn sự toàn vẹn gia đình và bảo vệ trẻ em cho dù mức độ các vụ bạo lực như thế nào chăng nữa, cho dù biện pháp hòa giải diễn ra nhiều lần. Cách cung cấp dịch vụ pháp lý này đang vi phạm nguyên tắc “tôn trọng sự tự nguyện tiến hành hòa giải của các bên” được quy định trong điều 12, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong đa số các trường hợp chồng bạo lực vợ, cách thức hoà giải hiện nay thường chưa hiệu quả và còn có thể gây nguy hiểm cho người phụ nữ. Việc hòa giải thường là giải quyết vấn đề dựa trên nguyên tắc “trọng tình cảm”,”thấu tình đạt lý, dựa trên phương diện tình cảm, nghiêng về tình”5. Như vậy, với các quan niệm hiện nay trong can thiệp bạo lực gia đình thì lợi ích của chính người phụ nữ chưa được đặt ưu tiên một cách trực tiếp.

Một vấn đề nữa là quy trình hòa giải thường không được tuân thủ nghiêm ngặt. Hầu hết các cán bộ không ghi biên bản về tiến trình, nội dung hòa giải, đặc biệt là ở cấp thôn (CCHIP, CSAGA, 2012). Điều này cho thấy, căn cứ cho việc báo cáo về hoạt động can thiệp trường hợp bạo lực giới chưa được rõ ràng, có thể gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ sau này của vụ việc bạo lực gia đình.

Tính chất “trong lũy tre làng”

Một số ý kiến trong nghiên cứu của Gencomnet (2010) cho rằng, nếu hòa giải mà dẫn đến ly hôn là hoạt động không hiệu quả, là sự “thất bại” của tổ hòa giải. Sự thất bại ấy có thể ảnh hưởng tới thành tích hoạt động, trong các báo cáo cuối năm về số lượng các vụ việc thành công tại cơ sở. Bởi lẽ vậy mà rất nhiều vụ việc bạo lực gia đình được xử lý với tiêu chí “trong lũy tre làng” tức là trong khuôn khổ của thôn, hạn chế đưa ra cấp xã, và các cấp cao hơn vì như thế có thể sẽ ảnh hưởng tới thành tích chung của xã.

Thiếu kỹ năng và các công cụ hỗ trợ

Người làm công tác hòa giải cơ sở đối với các vụ việc bạo lực gia đình không chỉ bao gồm các ban ngành chức năng tại địa phương, còn có thêm một thành phần quan trọng, đó là gia đình, dòng họ. Họ là những người nhiệt huyết với công tác xã hội, nhưng chưa được đào tạo, chủ yếu do dân tín nhiệm bầu ra, giải quyết công việc dựa vào kinh nghiệm sống. Bởi vậy, những khó khăn thường được nhắc đến trong hoạt động hòa giải cơ sở là thiếu kỹ năng (hòa giải, tư vấn và truyền thông), người tham gia hòa giải chưa nắm vững nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cán bộ hòa giải phải kiêm nhiệm và hoạt động tự nguyện không có lương…

Giải quyết các vụ bạo lực gia đình là một vấn đề khó và nhạy cảm, vì đây là vấn đề của các thành viên trong gia đình, những người vốn có mối quan hệ huyết thống hoặc gắn bó kéo dài, phức tạp. Trong bối cảnh của một xã hội còn mang nặng tư tưởng Nho giáo như ở Việt Nam, bản thân những người làm công tác hỗ trợ pháp lý ở tuyến cơ sở còn mang nhiều định kiến giới, chưa đủ nhạy cảm giới để xử lý, giải quyết vụ việc hoặc đánh giá để chuyển tuyến. Họ cũng cần được cung cấp các kỹ năng và các công cụ để hỗ trợ cho công việc, để tránh những hạn chế như đã nói ở trên. Việc nâng cao quyền năng cho phụ nữ, giúp phụ nữ tiếp cận được với những dịch vụ pháp lý đúng và đầy đủ thì cần phải bắt đầu từ những “lũy tre làng”, bắt đầu từ những người cung cấp dịch vụ tại cơ sở - cấp thôn/xã

Chính vì lẽ đó, trong khuôn khổ dự án “Cải thiện chất lượng hòa giải cơ sở các vụ việc bạo lực gia đình – tiếp cận dưới góc nhìn nhạy cảm giới và quyền phụ nữ” được Quỹ JIFF tài trợ, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) mong muốn hợp tác với 2 chuyên gia xây dựng Cẩm nang hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình.

2. Mục đích tài liệu

Hướng dẫn cán bộ hòa giải cơ sở những bước cơ bản để hòa giải một vụ việc bạo lực gia đình, làm thế nào để nhận ra đâu là một vụ việc có khả năng hòa giải, nguyên tắc trong hòa giải bạo lực gia đình, hướng dẫn cách làm việc với nạn nhân bị bạo lực có nhạy cảm giới, làm thế nào để huy động sự tham gia của hệ thống hỗ trợ cấp thôn/xã, chuyển tuyến nạn nhân và kết nối dịch vụ, cách xử lý trong những tình huống điển hình...

Hướng dẫn các hòa giải viên cơ sở tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn có nhạy cảm giới và tôn trọng quyền phụ nữ khi hòa giải cơ sở các vụ việc về bạo lực gia đình.

3. Nhiệm vụ của mỗi bên

3.1.Đối với CSAGA

- Đóng góp ý kiến với nhà tư vấn trong quá trình xây dựng tài liệu

- Cung cấp các tài liệu liên quan cho nhà tư vấn

3.2. Đối với tư vấn

- Xây dựng khung và hoàn thiện tài liệu

- Chia sẻ, thảo luận và thống nhất với CSAGA trong quá trình xây dựng tài liệu

- Tham gia hội thảo công bố tài liệu (nếu có)

- Chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung xây dựng

4. Kết quả mong đợi đối với tư vấn

- 01 khung tài liệu

- 01 cuốn tài liệu hoàn thiện cuối cùng

- Tập huấn/đào tạo lại cho cán bộ cơ sở về tài liệu và cách sử dụng tài liệu

- Thực địa, nắm bắt ý kiến của người sử dụng để chỉnh sửa tài liệu cuối cùng

5. Thời gian làm việc và ngân sách

- Thời gian được phân bổ như sau (cho 2 tư vấn):

STT

Các hoạt động

Số ngày

1

Xây dựng khung tài liệu

2 ngày

2

Phát triển nội dung cẩm nang theo phần khung đã được duyệt

16 ngày

3

Chuẩn bị bài giảng và thực hiện tập huấn cho cán bộ cơ sở

19 ngày

4

Đi thực địa, lấy ý kiến

6 ngày

5

Điều hành Hội thảo lấy ý kiến cuối cùng

2 ngày

6

Điều chỉnh/hoàn thiện tài liệu

4 ngày

Tổng cộng

49 ngày

- Ngân sách dành cho 2 tư vấn: 98.000.000 đồng (đã bao gồm cả thuế TNCN theo quy định của Bộ tài chính)

6. Yêu cầu đối với tư vấn:

- Có trình độ thạc sĩ trở lên với ngành khoa học xã hội và luật

- Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển cộng đồng (đặc biệt trong lĩnh vực Bình đẳng giới, Phòng, chống bạo lực gia đình)

- Có khả năng làm việc với nhiều bên cùng tham gia

7. Hồ sơ

- Sơ yếu lý lịch

- Khung tài liệu

- Kế hoạch thực hiện chi tiết

- Kinh phí dự kiến

Đề nghị nhóm tư vấn gửi hồ sơ trước ngày 20/12/2014 theo địa chỉ:

Vũ Xuân Thái – Cán bộ dự án CSAGA

Địa chỉ: Nhà A9, đường Cốm Vòng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: xuanthai@csaga.org.vn - Tel: 04.3791.0014 (máy lẻ 31)


1 Dự thảo Luật hòa giải ở cơ sở được Quốc hội Việt Nam cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 11/2012

2 Nghiên cứu về chất lượng dịch vụ tư pháp hình sự hiện nay dành cho nạn nhân bạo lực gia đình ở Việt Nam. UNODC – 2011

3 Đánh giá việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam. Gencomnet, CGFED, - 2010. Phỏng vấn sâu nạn nhân bạo lực gia đình

4 Phỏng vấn sâu cán bộ nữ tại Yên Bái trong Đánh giá việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam. Gencomnet, CGFED, - 2010

5 Báo cáo đánh giá nhu cầu dự án “Thúc đẩy trách nhiệm xã hội nhằm giải quyết vấn đề bạo lực giới tại Bắc Ninh, Hà Nam và Hưng Yên”. CCHIP, CSAGA - 2012