NEWSCSAGA news
Phòng, chống bạo lực gia đình: Từ Luật đến Cuộc sống
Phòng, chống bạo lực gia đình: Từ Luật đến Cuộc sống
(Webphunu.net) - Hội nghị “Thu hẹp khoảng cách từ Luật đến Cuộc sống” chia sẻ những bài học kinh nghiệm và thảo luận các giải pháp thực tế trong việc phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong 2 ngày 27 và 28-9, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị Phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách từ luật đến cuộc sống”.
Hội nghị do Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), và Mạng giới và phát triển cộng đồng (Gencomnet) đồng tổ chức. Hội nghị gồm 3 phiên toàn thể, 5 phiên song song và 1 phiên vệ tinh với sự tham dự của đông đảo các nghiên cứu viên từ các tổ chức phi chính phủ, các trường Đại học; những người làm chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới; các chuyên gia từ các cơ quan chính phủ và cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội ở nhiều địa phương trong cả nước, những người chịu trách nhiệm thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp cơ sở, các trung tâm tư vấn, các nhà tạm lánh dành cho người bị bạo lực gia đình, nhóm thanh niên tình nguyện phòng, chống bạo lực gia đình và đặc biệt là đại diện của các nhóm, câu lạc bộ của phụ nữ bị bạo lực gia đình ở Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam và Nghệ An.Với mục tiêu: Hệ thống hóa các rào cản đối với việc thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở; Chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các mô hình dự án hiệu quả trong phòng, chống bạo lực gia đình; Thúc đẩy tiếp cận bình đẳng giới thực chất và vai trò của nam giới trong phòng, chống bạo lực gia đình; Thúc đẩy vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong giám sát và đánh giá hiệu quả thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Đưa ra các khuyến nghị cụ thể về mô hình can thiệp toàn diện trong phòng, chống bạo lực gia đình và cải thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thực thi Luật.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA nêu rõ: “Hội nghị sẽ là diễn đàn để các nghiên cứu viên, những người thực hiện chương trình, những người trực tiếp triển khai Luật ở cấp cơ sở ngồi lại và thảo luận các phát hiện nghiên cứu, các bài học kinh nghiệm từ các mô hình thử nghiệm hiệu quả trong phòng, chống bạo lực gia đình, và đối thoại với các lãnh đạo trong các bộ, ngành có liên quan, nhằm đưa ra khuyến nghị chung về cải tiến các chính sách liên quan tới phòng, chống bạo lực gia đình, cũng như cơ chế giám sát việc thực thi Luật.”
Các đại biểu quan tâm đến việc giới thiệu và áp dụng rộng rãi khung giám sát đánh giá thực thi luật phòng, chống bạo lực gia đình do CSAGA và DOVIPNET phát triển. Đồng thời, cũng quan tâm đến việc làm sao để các kết quả nghiên cứu này được sử dụng như là bằng chứng tin cậy cho quá trình hoàn thiện và áp dụng luật vào thực tế.