NEWSCSAGA news
Những "giao dịch ngầm " sau những vụ ánv về bạo lực giới và vai trò của truyền thông.
Những "giao dịch ngầm " sau những vụ ánv về bạo lực giới và vai trò của truyền thông.
Bạn đang cầm trên tay một bản tin nóng mà trong đó mang quá nhiều câu hỏi về trách nhiệm, nó cũng có thể mang đến trạng thái cảm xúc khá nặng nề, đau đớn.
Chúng tôi sẽ đề cập trong bản tin này với 2 nội dung:
- Nhạy cảm giới trong các bài báo viết về chủ đề “Các giao dịch ngầm” trong các vụ án về bạo lực giới. Có thể nói đó là một chủ đề rất hẹp nhưng lại bộc lộ rõ nhiều vấn đề trong đó có kiến thức về giới.
- Vai trò của các nhà báo trong việc thúc đẩy thực thi luật phòng chống bạo lực gia đình, luật bình đẳng giới nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các vụ án bạo lực giới.
Theo dõi tin tức gần đây trên các báo, chắc chúng ta sẽ biết đến những vụ việc được phản ánh:
Vụ án thứ nhất:
Thầy giáo hiếp dâm học sinh trong nhà vệ sinh nam, đã thừa nhận hành vi của mình. Sau đó gia đình nạn nhân bãi nại vì thủ phạm đã đền bù 70 triệu.
Trong loạt bài thứ nhất, hầu hết các báo đưa tin thầy giáo này đưa học sinh nữ vào nhà vệ sinh nam quan hệ. Vụ việc được gia đình phát hiện và báo công an. Sau đó, gia đình đã bãi nại vì thầy giáo đến nhà đền 70 triệu. Các bài báo kết thúc ở thông tin này.
Loạt bài thứ 2 các báo đưa tin thầy giáo đền 70 triệu, gia đình bãi nại và cơ quan điều tra công an Cần Thơ xem xét để khởi tố. Một trong những yếu tố được nhấn mạnh trong hầu hết các bài viết là “ nữ sinh đứng im” và cáo buộc của thầy giáo là “ đồng tình” . Yếu tố mất cân bằng quyền lực giữa người bị lạm dụng và người lạm dụng không được nhấn mạnh. Yếu tố vị thành niên cũng không được bài báo nào nhắc đến.
Dưới đây là link của bài viết, quý vị có thể tìm thêm các bài viết bằng cách tìm từ khóa “ 70 triệu đổi sự im lặng” hoặc “ thầy giáo khắc phục hậu quả bằng 70 triệu”.
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thay-quan-he-voi-tro-phu-huynh-xin-bai-nai-cho-thay-843532.htm
http://plo.vn/an-ninh-trat-tu/thay-ga-tinh-tro-roi-bo-70-trieu-mua-su-im-lang-451863.html
Ý kiến của chúng tôi:
Chỉ đưa tin về vụ việc, bài viết sẽ không có sức nặng để cảnh tỉnh. Đưa tin nhờ 70 triệu, được bãi nại mà không có bình luận nào thì thông tin mà người đọc tiếp nhận là: có 70 triệu là tội ác hiếp dâm người vị thành niên sẽ bị bỏ qua. Đưa tin dựa trên miêu tả lời khai của thủ phạm mà không lưu ý đến ý kiến của nạn nhân và cha mẹ nạn nhân là thiếu công bằng và có thể bạn sẽ vô tình tiếp tay cho tội phạm. Nếu có nhạy cảm giới, nhà báo sẽ không bị rơi vào cái bẫy ngầm đổ lỗi cho phụ nữ trong các vụ án hiếp dâm. Xu hướng bênh vực, giải thích cho tội phạm còn ẩn chứa thông tin mang tính định kiến giới: nam giới sẽ không kiềm chế được bản năng tình dục nếu người phụ nữ dễ dãi.
Vụ án thứ hai
Sư hiếp dâm cháu bé 13 tuổi rồi đến 200 triệu.
http://baophapluat.vn/y-kien-ban-doc/nha-su-bi-to-nhieu-lan-hiep-nu-phat-tu-13-tuoi-179680.html
Sau nhiều lần “đàm phán”, thấy nhà sư này có thái độ ăn năn, hối cải, đồng thời cam kết sẽ nguyện tịnh tu theo đạo pháp của nhà Phật; đồng thời xin bồi thường cho nạn nhân 200 triệu đồng để khắc phục hậu qủa do hành vi giao cấu với cháu K. Luật sư K cũng đã mềm lòng trước sự “hối hận” của nhà sư này, cũng như 4 nhà sư của chùa Từ Vân nên đã thuyết phục gia đình nạn nhân bỏ qua vụ kiện, trực tiếp nhận 200 triệu đồng từ tay nhà sư, đồng thời rút đơn tố cáo. Do đó, hồ sơ vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an TP.Cam Ranh thụ lý nhưng phải tạm xếp hồ sơ.”
Bài báo không hề có một cảnh tỉnh nào cho tất cả những người trong cuộc rằng họ đã làm sai pháp luật. Chính họ cũng đã vi phạm luật khi tiếp tay cho tội phạm thông qua việc “mềm lòng” và “ tạm xếp hồ sơ”.
Cùng với bài báo về vụ án thứ nhất, bài báo này một lần nữa cho thấy việc dàn xếp dân sự trong các vụ án hình sự còn xảy ra ở nhiều nơi của ViệtNam, đặc biệt các vụ án bạo lực giới.
Báo chí nên cảnh báo về hiện tượng này với mục đích:
Ngăn chặn các vụ án lạm dụng tình dục khác. Ngăn chặn việc dàn xếp dân sự trong các vụ án hình sự nói chung và về bạo lực giới nói riêng . Nhạy cảm giới và hiểu biết pháp luật sẽ giúp các nhà báo/ bài báo tránh được việc đưa tin chung chung không giúp cho thay đổi thực trạng xấu.
Vụ án thứ ba
“Giao dịch ngầm” sau cái chết bí ẩn của cô dâu mới.
Vietnamnet là tờ báo khởi xướng vụ án này với nhiều tình tiết, chứng cứ thuyết phục. Loạt bài này đưa ra các phỏng vấn những người có nhiều thông tin và thực tế với vụ án, từ người khám nghiệm hiện trường, cơ quan pháp y đến những người thân trong gia đình. Bài báo đưa ra cả một số ảnh, băng ghi âm có giá trị trong vụ việc . Dù chưa có kết luận, nhưng bài viết chắc chắn thúc đẩy những người có trách nhiệm trong việc tìm ra sự thật và tạo dư luận cho việc thúc đẩy các cơ quan hành pháp tại địa phương lật lại sự việc .
Dưới đây là link của bài báo, bạn có thể tìm thêm bài viết bằng google với nhóm từ khóa “ giao dịch ngầm sau cái chết bí ẩn của cô dâu mới”, “ Cái chết bí ẩn của cô dâu mới về nhà chồng”
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/163891/-giao-dich-ngam-sau-cai-chet-bi-an-cua-co-dau-moi.html
Báo chí có thể phát huy tính tiên phong và quyền lực của mình trong việc phát hiện và đưa ra các chứng cứ trong các loạt bài vụ án nói chúng và bạo lực giới nói riêng. Loạt bài viết này sẽ có thêm sức nặng nếu phóng viên tìm hiểu thêm về các dấu hiệu bạo lực gia đình của cặp đôi trong cuộc. Bài báo cũng có thể đưa ra các cảnh tỉnh về bạo lực gia đình và liên hệ trực tiếp đến trường hợp một phụ nữ cùng xã cũng đã bị chết vì bạo lực gia đình trong một vụ án nổi tiếng khác. Những liên hệ này sẽ giúp bài báo thêm sức nặng và là câu hỏi với cơ quan chức năng tại địa phương.
Thông tin thêm: Trên địa bàn cùng xã với nạn nhân trong loạt bài viết này, đã có trường hợp chị Lại Thị Mai bị chết bạo lực gia đình năm 2007. Trong khi đó chính quyền xã thờ ơ, hòa giải thôn theo hướng khuyên 2 người đoàn tụ. Tòa án Phủ lý khi đó đã không xử lý kẻ chủ mưu là người chồng. Phiên tòa phúc thẩm sau khi có can thiệp của báo chí đã xử lại và người chồng bị án tù 14 năm.
Gợi ý của chúng tôi cho các bài viết liên quan đến các vụ án bạo lực giới:
Thể hiện rõ tiếng nói bảo vệ, bênh vực người bị hại thông qua việc đòi lại sự công bằng cho họ. Nêu rõ các khung hình phạt đối với kẻ gây ác, kêu gọi sự công minh của pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật. Đưa thêm nhiều ý kiến, đánh giá của các nhà chuyên môn, những người có chức năng nhiệm vụ trong việc phân tích tính nghiêm trọng của vụ việc, sự nguy hại khi xã hội có những “giao dịch” ngầm đằng sau các vụ án hiếp dâm/bạo lực. Với các vụ án được xử lý chưa thỏa đáng, truyền thông có thể thúc đẩy tính nghiêm minh của pháp luật bằng cách đặt ra các câu hỏi đối với các cơ quan công quyền về việc thực thi luật pháp, giám sát việc thực thi luật pháp. Đối với các “ giao dịch ngầm” nhằm thay đổi sự thật trong các vụ án, báo chí cần thể hiện quan điểm thông qua việc đưa ra những thông tin pháp luật liên quan. Có nhạy cảm giới để tránh việc đổ lỗi cho nạn nhân và vô tình tiếp tay cho tội phạm.
Bằng bản tin nóng ngắn gọn này, chúng tôi muốn gửi thông điệp đến các bạn làm báo: Đừng vô tình tiếp tay cho tội phạm khi bạn cẩu thả với tin tức và bài viết của mình. Báo chí cũng có thể là nơi nhiều người dân trông chờ để hỗ trợ họ tìm lại được công bằng. Và các bài báo có nhạy cảm giới, có kiến thức về giới và bạo lực giới sẽ có sức nặng hơn nhiều với cả người đọc nói chung và cho việc thay đổi những vấn đề bạo lực giới nói riêng. Người dân cũng như những người có trách nhiệm trông chờ điều đó từ các bạn.
Liên hệ:
Xin vui lòng gửi phản hồi hoặc đăng ký nhận bản tin theo địa chỉ:
Anh Lê Xuân Đồng - Cán bộ dự án “Giới và Truyền thông” của CSAGA - OXFAM
Điện thoại: 0977 798 257
Email: xuandong@ csaga.org.vn