NEWSCSAGA news

Nhà tạm lánh và dich vụ tái hòa nhập cho nạn nhân bị buôn bán trở về: Cách tiếp cận và khuyến nghị

08/08/2017 04:50:03 223
Việt Nam hiện hiện là quốc gia có nhiều phụ nữ và trẻ em, nam giới bị buôn bán nhằm mục đích bóc lột. Từ năm đến năm 2009, Bộ LĐTBXH đã ghi nhận được 1586 vụ buôn bán người, 2888 tội phạm bị bắt và 4008 người đã được coi là nạn nhân (MOLISA 2012). Trong

Bối cảnh

Việt Nam hiện hiện là quốc gia có nhiều phụ nữ và trẻ em, nam giới bị buôn bán nhằm mục đích bóc lột. Từ năm đến năm 2009, Bộ LĐTBXH đã ghi nhận được 1586 vụ buôn bán người, 2888 tội phạm bị bắt và 4008 người đã được coi là nạn nhân (MOLISA 2012). Trong năm 2015, có 407 trường hợp buôn bán người đã được báo cáo, liên quan đến 655 kẻ buôn người và hơn 1000 nạn nhân. Số liệu gần đây cho thấy từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2017 đã xảy ra 2487 vụ buôn bán người ( Thời sự VTV1)1.

Xu hướng trong nước hiện nay cho thấy buôn bán người ngày càng gia tăng với đối tượng chính bị nhắm tới là phụ nữ và trẻ em gái đến từ các vùng nông thôn, miền núi nghèo. Phụ nữ và các cô gái trẻ bị buôn bán phải hứng chiệu nhiều loại bạo lực trên cơ sở giới do bị ep buộc, dụ dỗ, bắt cóc và ép làm gái mại dâm, nô lệ tình dục, nô lệ kiểu hiện đại. Đối với nhiều phụ nữ nghèo vùng nông thôn, họ chấp nhận những rủi ro khi quyết định di cử để tìm việc hoặc kết hôn với mong muốn và hy vọng có một cuộc sống hoặc công việc tốt hơn cho mình và gia đình Họ hy vọng rằng di cư ra thành phố hoặc tới nước ngoài, thông qua việc làm hoặc kết hôn sẽ giúp họ có được việc làm lương cao hơn hoặc tìm được một người hỗ trợ cho họ lâu dài. Những phụ nữ bị dụ dỗ bởi lời hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn và luôn mong chờ cơ hội thoát nghèo có thể không biết đến thực tế của nạn buôn người và nguy cơ mình có thể bị buôn bán. Tuy vậy, họ bị rơi vào bẫy buôn bán và trở thành nạn nhân của bóc lột lao động và tình dục. Những nạn nhân bị buôn bán trở về sau khi được giải cứu hoặc trốn thoát thường phải vật lộn với nhiều khó khăn trong cuộc sống do trước đó họ đã bị xâm hại về thể chất và tinh thần nghiêm trọng.

Báo cáo của các tổ chức phi chính phủ cho thấy, phần lớn các nạn nhân khi trở về thường gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập, chịu các di chứng của bạo lực, bệnh tật, khủng hoảng tâm lý, vấn đề pháp lý, nhất là những nạn nhân không có giấy tờ tùy. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nạn nhân bị buôn bán trở về dễ có nguy cơ bị buôn bán trở lại do sự kỳ thị xã hội, bệnh tật họ mắc phải trong quá trình bị buôn bán và bóc lột tình dục, và tâm lý lo sợ bị xử phạt do những hành vi bất hợp pháp mà họ có thể đã làm. Hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập thông qua mô hình nhà tạm lánh đã và đang được cho là một giải pháp đáp ứng yeeuc cầu thực tiễn về tái hòa nhập cho nạn nhân bị buôn. Dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng được quỹ Châu Á đưa ra là : "Cung cấp các chương trình toàn diện nhằm tái hoà nhập nạn nhân buôn người vào xã hội, bao gồm thông qua chủ động phòng ngừa kỳ thị, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khoẻ và bằng cách áp dụng các biện pháp hợp tác với người không - các tổ chức chính phủ cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội, y tế và tâm lý cho nạn nhân "(Asia Foundation 2005).

Nhà tạm lánh – Ngôi nhà bình yên ( Peace House Shelter) cho những nạn nhân bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN), một tổ chức chính trị xã hội hoạt động vì quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, đã đi tiên phong trong nỗ lực giảm bớt nạn buôn người dài hạn bằng cách thúc đẩy một xã hội công bằng hơn và bình đẳng giới. HLHPN nhấn mạnh sự cần thiết phải có những hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua mô hình nhà tạm lánh, góp phần phục hồi các tổn thương về thể chất tinh thần của các nạn nhân trong tái hòa nhập cộng đồng và làm giảm nguy cơ họ bị tái buôn bán.

Tại Việt Nam, Nhà tạm lánh (NTL) - được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD), một đơn vị của HLHPN, chính thức thành lập vào năm 2007 tại Hà Nội. Mục đích của NTL là hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân của nạn buôn người. NTL cũng cung cấp một gói dịch vụ toàn diện, bao gồm: đảm bảo an toàn tính mạng, cung cấp nơi ăn, ở, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, hỗ trợ tâm lý, trợ giúp pháp lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề và hỗ trợ sau khi tái hòa nhập.

Tác động lớn nhất của NTL đó là mô hình đầu tiên được xây dựng, cung cấp dịch vụ tái hòa nhập toàn diện cho nạn nhân bị buôn bán trở về. NTL cung cấp chỗ ở phù hợp an toàn, nơi mà nạn nhân bị có thể tiếp cận và hưởng lợi từ các dịch vụ tái hòa nhập cộng đồng một cách dài hạn. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có mô hình tương tự nào khác ở Hà Nội mà phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán trở về có thể nhận được các dịch vụ toàn diện để phục hồi và tái hòa nhập như vậy. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh chung là cách tiếp cận về tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán vẫn chỉ là ngắn hạn và dịch vụ mang tính đại trà, không có các dịch vụ cần thiết giải quyết các yêu cầu đặc thù đối với nạn nhân bị buôn bán. Với cách tiếp cận này, nỗ lực tái hòa nhập không được thiết kế cho từng cá nhân bị buôn bán trở về dựa trên sự khác nhau từ nhu cầu, trải nghiệm và mong muốn của mỗi cá nhân họ. NTL đã phục vụ hàng trăm phụ nữ và trẻ em là nạn nhân buôn bán trở về thuộc 17 nhóm dân tộc thiểu số đến từ 39 tỉnh trên cả nước. Với sự hỗ trợ toàn diện, NTL cung cấp môi trường thích hợp để phụ nữ nhận ra rằng họ không còn là “nạn nhân”, đồng thời hỗ trợ họ trong việc phát triển và lên kế hoạch cho tương lai.

NTL, cùng với các mạng lưới nhà ở hỗ trợ khác tại Việt Nam, đã góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong trong hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân. NTL giúp nâng cao nhận thức của xã hội vê bạo lực gia đình trên cơ sở giới thể hiện trong nạn buôn bán người. NTL cũng là bằng chứng cho thấy phụ nữ có thể trở thành đại diện trong việc chống lại nạn buôn người. Hội LHPN đã có những tác động đáng kể đến mạng lưới tái hòa nhập toàn quốc của nạn nhân bị buôn bán trở về. Mối liên kết chặt chẽ giữa Hội LHPN và nhiều bên liên quan đã mang lại những thay đổi tích cực nhằm hỗ trợ việc hoàn thiện luật pháp quốc gia trong việc chống lại nạn buôn người. Sự phát triển của hệ thống chuyển gửi không những được hưởng lợi từ điều này mà còn tạo điều kiện cho Hội LHPN Việt Nam xây dựng mối quan hệ chiến lược trong mạng lưới phòng ngừa buôn bán người trong cả nước.

Tuy nhiên, tác động của việc tái hòa nhập cộng đồng đối với các phụ nữ bị buôn bán trở về vẫn còn hạn chế trong một số khía cạnh như: số người mà dịch vụ có thể đáp ứng, cách tiếp cận trong đào tạo nghề, hay tính thống nhất trong hoạt động hỗ trợ tái hoà nhập và cơ chế hợp tác. Bên cạnh đó, NTL chỉ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị buôn bán qua biên giới quốc gia, trong khi nạn nhân bị buôn bán trong nước cũng chiếm con số đáng kể nhưng chưa thuộc đối tượng được hỗ trợ. Dịch vụ dạy nghè cho các nạn nhân còn thiếu vì các lựa chọn về việc làm ở các khu vực truyền thống không thực sự phù hợp với thị trường lao động và nhu cầu của nạn nhân cũng như mức lương từ các việc này rất thấp. Việc thiếu cơ chế theo dõi những nạn nhân đã trở về quê làm cho quá trình tái hòa nhập trở nên kém bền vững hơn. Sự hợp tác giữa NTL và chính quyền địa phương đã không được chính thức thành lập để hỗ trợ tốt hơn cho người trở về.

Khuyến nghị

Việc NTL đã và đang được nâng cấp và cùng với đó là mở rộng các dịch vụ, nhân rộng mô hình tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Hội LHPN và Chính phủ là một tín hiệu đáng mừng. Để nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, cần có những đầu tư:

Về đào tạo nghề: Cần có đánh giá định kỳ về hiệu quả của việc đào tạo nghề cho những nạn nhân. Cách tiếp cận về hỗ trợ đào tạo nghề cần tính đến đến nhu cầu của phụ nữ và dựa trên phân tích nhu cầu thực tế của thị trường lao động địa phương. Các nghề nghiệp cần đào tạo nên mở rộng ra ngoài các công việc truyền thống ( như cắt tóc, gội đầu, nấu ăn, phục vụ bàn), trong trường hợp đó cần tăng cường ngân sách để cung cấp cho các nạn nhân các khóa học chất lượng tốt hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ cần được đào tạo chuyên nghiệp và nhân viên xã hội phải hiểu rõ hơn về thị trường lao động nói chung của các tỉnh tương ứng mà các nạn nhân sẽ trở lại.

Về chăm sóc sức khoẻ và trợ giúp tâm lý: cần phải tập huấn một cách kỹ càng để giải quyết những khoảng trống trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần và tâm lý. Những hỗ trợ như vậy là rất cần thiết đối với phụ nữ bị buôn bán, tuy vậy lại không có hoặc không đủ ở hầu hết các tỉnh khi phụ nữ trở về với cộng đồng của mình. Mạng lưới hỗ trợ tâm lý và xã hội vững chắc đòi hỏi sự phối kết hợp làm việc tích cực giữa đơn vị tư vấn của CWD, nhân viên nhà ở và các chuyên gia khác có thẩm quyền về tâm lý, những người sẽ làm việc với chương trình tư vấn cho người dân.

Vì không có các mô hình NTL tương tự ở các vùng miền Bắc và miền Trung, Hội LHPN nên xem xét bắt đầu phát triển mô hình ở các vùng này. Cụ thể, NTL cần xây dựng tại các điểm nguồn chính dọc theo biên giới Trung Quốc (như Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh) và ở biên giới Lào (như tỉnh Nghệ An) do các tỉnh này có mức độ buôn bán cao nhất theo như Bộ LĐTBXH (MOLISA, 2012, trang 34). Trong khi ở phía Nam, thành phố Cần Thơ đã có một trung tâm tạm lánh, Hội LHPN cũng phải xem xét khả năng mở một NTL thí điểm khác cho vùng phía Nam. Việc xây dựng các khu tạm lánh ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình (miền Bắc Việt Nam) và vùng cao nguyên như tỉnh Đắk Lắk cũng hết sức quan trọng. Điều này là do các khu vực này có số lượng lớn người được vận chuyển đến biên giới và bị buôn bán mặc dù họ không nằm gần biên giới. Tuy nhiên, các hoạt động trong tương lai và nơi tạm trú mới cần được nghiên cứu và thử nghiệm cẩn thận để cung cấp các mô hình thích hợp đáp ứng với các điều kiện và môi trường khác nhau của tỉnh liên quan đến nạn buôn người.

Thêm vào đó, Hội LHPN nên tổng hợp dữ liệu, đưa ra bằng chứng về những kinh nghiệm thành công và thách thức trong công tác chống buôn bán ở Việt Nam để tăng cường sự hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ. Một hệ thống chuyển tuyến và mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ với các tổ chức phi chính phủ là chìa khóa cho thành công cho hoạt động của NTL để phục hồi và tái hòa nhập của nạn nhân. Các bài học kinh nghiệm cần được chia sẻ giữa các cơ quan liên quan và các tổ chức phi chính phủ thông qua các hội nghị, các cuộc họp và các chiến dịch ở cấp quốc gia và khu vực.

Hội LHPN cần phải thiết kế và thực hiện thêm nhiều hoạt động truyền thông / tiếp cận cộng đồng để thu hút người nạn nhân bị buôn bán trở về cũng như những nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ và trẻ em gái. Qua đó giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống buôn bán người. Thực tế vẫn có nhiều nạn nhân đã thoát khỏi sự bóc lột nhờ sự can đảm và quyết tâm của họ nhưng không biết làm thế nào để nhận được sự hỗ trợ. Họ thậm chí không biết làm thế nào để có thể tiếp cận các dịch vụ từ hệ thống của chính quyền hoặc có kiến thức đơn giản về việc dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, dịch vụ NTL có tồn tại. Trong khi đó, NTL không được phụ nữ và cộng đồng biết đến rộng rãi, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa và nông thôn.

Do đó, các kênh thông tin có thể tiếp cận cần phải được phát triển để vận động cho NTL và kêu gọi thêm phụ nữ bị buôn bán tiếp cận dịch vụ. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc cải thiện các chiến dịch tiếp cận và phòng ngừa, thiết lập và tăng cường hợp tác với các phương tiện truyền thông (như đài truyền hình, đài phát thanh và báo), các hội phụ nữ địa phương, chính quyền tỉnh và các cơ quan liên quan cũng như mạng lưới chuyển gửi, mạng lưới N. Chiến dịch truyền thông và tiếp cận cộng đồng của Hội LHPN cần phải có kế hoạch rõ ràng và xây dựng chiến lược về tần suất và phương pháp tiếp cận. Hơn nữa, các nhóm tiếp cận cộng đồng và các nhóm tự lực nên thực hiện các đánh giá rủi ro cho cá nhân họ, sàng lọc sức khoẻ và các dịch vụ y tế nhằm mục đích tiếp cận tốt hơn người bị buôn bán trong cộng đồng của họ, đặc biệt là những phụ nữ đã trở lại mà không có sự hỗ trợ của NTL hay các cơ sở giới thiệu khác và chưa cân nhắc hoặc từ chối sử dụng các dịch vụ y tế.

Hội LHPN cần tích cực tham gia vào quá trình hoạch định chính sách trong đấu tranh phòng chống buôn bán người. Điều quan trọng là Hội LHPN phải tham gia vào tất cả các khía cạnh của quá trình hoạch định chính sách bằng cách gây ảnh hưởng đến việc thiết lập chương trình hành động, xây dựng và thực hiện chính sách cũng như đánh giá chính sách. Điều này có thể được thực hiện thông qua hợp tác với các cơ quan nhà nước để xây dựng luật pháp, kế hoạch hành động, và các hướng dẫn mới cho việc tái hoà nhập và chuẩn hóa các tiêu chuẩn về NTL. Điều đó sẽ mở rộng cơ hội tài trợ để giúp xác định nguồn lực của chính phủ và tăng cường chức năng của các cơ quan nhà nước. Bằng cách tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước, Hôi LHPN Việt Nam sẽ chuẩn bị nhiều hơn nguồn lực cần thiết để thực hiện các chương trình tái hòa nhập.

Nguyễn Thị Hương

1 VTV1 bản tin 7h ngày 29/7/2017