NEWSCSAGA news
Người đồng tính mong không là nhân vật gây cười trên phim ảnh
06/09/2013 10:18:04
222
Người đồng tính mong không là nhân vật gây cười trên phim ảnh
Trong thời gian gần đây, việc xây dựng những nhân vật đồng tính nam trên phim ảnh đã gây bức xúc trong cộng đồng người đồng tính.
LGBT sẽ đấu tranh để không trở thành nhân vật gây cười
LGBT là cụm từ được viết tắt để chỉ người đồng tính, song tính và chuyển giới. Trong cuộc sống, chúng ta thường gọi chung họ là người đồng tính.
Trong vài năm trở lại đây, người đồng tính là chủ đề rất hot trên màn ảnh, như một trào lưu, có nhiều bộ phim nói riêng về thế giới của họ như “Chơi vơi”, “Cảm hứng hoàn hảo”, “Hotboy nổi loạn”, “Nàng men, chàng bóng”… Lẽ ra, được quan tâm như thế, người đồng tính phải vui mới phải, nhưng ngược lại, đa số họ đều bày tỏ sự ức chế, buồn nản vì những gì đã được thể hiện trên màn ảnh. Anh Nhật đến từ tổ chức quốc tế Care bày tỏ: “Mong các anh chị làm nghệ thuật nên tìm hiểu kỹ hơn trước khi làm các tác phẩm văn học, nghệ thuật, nếu không sẽ làm méo mó hình ảnh của người đồng tính”.
Xiềng xích” - một vở kịch đẫm nước mắt về người đồng tính
đã gây xúc động cho người tham dự hội thảo. Ảnh: Hữu Việt
Điều khiến những người đồng tính khó chịu là các phim cứ liên tục khai thác hình ảnh những người đồng tính ẻo lả, chanh chua, với mục đích để gây cười và câu khách là chính. Anh Nguyễn Văn Thuận, một doanh nhân khá thành đạt đến từ TP Hồ Chí Minh, đã công khai mình là người đồng tính từ cách đây 2 năm nói, anh không hề thích thú một chút nào, thậm chí rất khó chịu với nhân vật “chị Hội” (do nam diễn viên Thái Hòa đóng) trong bộ phim ăn khách “Để Mai tính”, bởi với anh, bên ngoài xã hội người đồng tính sống rất bình thường, cử chỉ cũng bình thường, chứ không quá õng ẹo như “chị Hội”. Ngay cả tình yêu của người đồng tính cũng rất đẹp, rất lãng mạn chứ không chỉ có tan nát, đau đớn và rất vớ vẩn như trên phim. Bộ phim dám đưa chuyện tình ái thật nhất của người đồng tính là “Hotboy nổi loạn” thì đưa ra những bi kịch quá kinh khủng về chuyện mại dâm, trong khi mại dâm là thiểu số.
Phim ảnh đã làm quá lên và lấy những hình ảnh thiểu số trong đời sống người đồng tính để mô tả cả thế giới của họ.
Trao đổi trong khuôn khổ hội thảo, nhà văn Nguyễn Đình Tú, người đã từng có hai cuốn tiểu thuyết “Nháp” và “Kín”, trong đó đề cập đến người đồng tính cho rằng: “Trên phim, người ta khai thác một anh chàng làm má mì õng ẹo gọi con này, con kia cũng không phải là bịa, nhưng nó không phải là hình ảnh để chỉ cả giới này”. Và anh cho rằng, về phía mình, cộng đồng LGBT cũng nên có cái nhìn công tâm để thấy rằng đó chỉ là một phần của giới mà người làm nghệ thuật khai thác.
Còn anh Thuận khi được hỏi về vấn đề này đã nhận xét: Sự phiến diện, đi quá sâu vào những góc nhỏ trong đời sống người đồng tính như cách làm của phim ảnh hiện nay sẽ vô tình gây ra những cách nhìn lệch lạc của xã hội về thế giới người đồng tính.
Nhà văn lắng nghe những khao khát của người đồng tính
Khác với những nhận xét về điện ảnh, văn học, sân khấu, hội họa, nhiếp ảnh tuy không phải các thể loại nghệ thuật có sức lan tỏa mạnh, nhưng được người đồng tính nhận định đang như “mưa dầm thấm lâu” vào công chúng với hình ảnh người đồng tính đa dạng, đa chiều và toàn diện hơn. Những nghiên cứu tại hội thảo cho thấy văn học viết về người đồng tính đã có những bước phát triển mạnh mẽ với sự quan tâm của rất nhiều nhà văn nổi tiếng. Đó là một tia hy vọng lấp lánh để người đồng tính có được những tác phẩm sâu sắc, toàn diện hơn về thế giới của mình. Nhiều người đồng tính bày tỏ, họ thường có mong muốn là một ngày rất gần nào đó, sẽ có những nhà làm phim, làm được những bộ phim từ những cuốn tiểu thuyết về người đồng tính, như thế sẽ đầy đủ và sâu sắc hơn nhiều so với những gì hời hợt trên màn ảnh hiện nay.
Một cảnh trong vở kịch "Xiềng xích”. Ảnh: Hữu Việt
Khá nhiều nhà văn trẻ tại hội thảo cho biết, họ đã nghe thấy được tiếng nói khao khát sâu thẳm của những người đồng tính từ hội thảo, là ước vọng được viết về mình nhiều hơn, hay hơn, kỹ hơn. Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyễn Đình Tú thì nhà văn viết sách không theo trào lưu, không vì gây hot như phim ảnh mà thường xuất phát từ những ẩn ức xã hội mà họ cảm nhận thấy. Thế nên, nếu hiện nay còn thưa thớt các tác phẩm về đề tài đồng tính, là bởi những người cầm bút chưa thấy được những điều thực sự hấp dẫn để viết.
Nhà phê bình Chu Văn Sơn đã đề nghị không nên dùng từ “tình yêu nam - nữ” trong văn học nữa mà nên gọi chung là “tình yêu đôi lứa”, bởi thế giới cần chấp nhận tình yêu của những người đồng tính, và như thế thì không thể khu biệt tình yêu là của nam và nữ. Nhà phê bình cũng kêu gọi người đồng tính, các nhà văn, những người làm nghệ thuật khi nói về người đồng tính cần nói thêm tiếng nói tự hào. Họ cần tự hào vì họ có những điều mà người khác không thể có.
Được nói đúng, chân thật về mình trên phim ảnh và trong các tác phẩm văn học nghệ thuật chính là khát vọng của người đồng tính. Anh Nguyễn Văn Thuận thậm chí còn sẵn sàng làm người hỗ trợ tích cực nhất để nhà văn, nhà làm phim nào đó viết về người đồng tính một cách đúng đắn, sâu sắc. Người đồng tính không “dám” mong muốn sẽ thay đổi 100% suy nghĩ của mọi người qua các cuộc hội thảo, các khóa bồi dưỡng kiến thức nhưng chắc chắn những hoạt động này sẽ khiến cộng đồng nhìn… đúng hơn. Ít nhất cũng đã có nhà văn Sương Nguyệt Minh khi ông chia sẻ, đã thay đổi hẳn cách nhìn về người đồng tính sau khi dư trọn vẹn cả hội thảo này.
Phát biểu tại bà Camilla, đến từ Đại sứ quán Thụy Điển kể rằng, bà đã mua cuốn sách bán chạy nhất Thụy Điển hiện nay tại sân bay, trước khi bay sang Việt Nam. Đó là cuốn sách viết về người đồng tính. Thụy Điển đã trải qua 25 năm đấu tranh vô cùng quyết liệt để giành quyền bình đẳng cho người đồng tính. Bà cho rằng, văn học nghệ thuật là con đường chạm đến trái tim nhanh nhất và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất, đó cũng là một kinh nghiệm trên con đường tìm những chân trời rực rỡ hơn cho người đồng tính…
Nguồn: www.baophunuthudo.vn