LTS: Trên Báo GĐ&XH (số 46- 50, ra ngày16- 26/4/2010) chúng tôi đã có loạt bài viết: "Đồng tính nữ - nỗi niềm ai tỏ?" được nhiều độc giả đón nhận. Trong những ngày đầu tháng 6 này, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cùng một số trung tâm và tổ chức nghiên cứu liên quan đã tổ chức hội thảo "Đồng tính nữ - Thông tin cần chia sẻ", nhằm đưa đến những thông tin khách quan và cập nhật nhất về đồng tính nữ. GĐ&XH xin tiếp tục thông tin tới bạn đọc các vấn đề này. Những nỗi khổ tâm Tìm đến các chuyên gia tâm lý của CSAGA, được tư vấn, được đọc những tâm sự của những người đồng tính trong cuốn sách "Hạnh phúc là sống thật", chị Hòa đã khóc và lòng vợi đi rất nhiều. Đồng tính nữ, vấn đề của con gái chị không phải là "một thứ bệnh hoạn ghê gớm", không phải là lỗi của sự dạy dỗ. Chị Hòa đã nhẹ lòng đi ít nhiều, chị đã đọc và tìm hiểu nhiều hơn về thế giới của những người đồng tính nữ, nhằm giúp con có một cuộc sống tốt hơn.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều bậc cha mẹ tìm đến các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, chia sẻ và tìm biện pháp khắc phục khi biết con mình là đồng tính. Bà Nguyễn Vân Anh - Chủ tịch hội đồng sáng lập CSAGA cho biết, phần lớn các bậc cha mẹ đều bày tỏ sự đau khổ, thất vọng và "lên án" con mình. Họ coi việc các cô con gái đồng tính là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức, đua đòi, ăn chơi, bệnh hoạn. Có người cho rằng đây là một thứ bệnh, có thể tìm cách để chữa.
Không chỉ có các bậc phụ huynh mà những người trong cuộc cũng vô cùng căng thẳng, thất vọng và khổ tâm về cuộc sống của mình. Bích Phương, một lesbian (đồng tính nữ) tâm sự: "Nghĩ lại thời gian đấy mà thấy sợ. Bố mẹ em biết em và D. yêu nhau. Bố mẹ em lấy điện thoại di động, tháo pin, tháo sim. Điện thoại bàn thì cắt cả hai chiều. Cửa ban công hay cửa ra vào đều khóa kín. Khi em đi học thì bố đưa đi bằng xe máy, đưa vào tận cửa lớp, chiều thì bố hoặc mẹ lại đến đón. Quần áo của em bố mẹ em lục lọi xem có gì không, có gì D. gửi cho em không. Rồi bố mẹ em đánh em và nói nhiều câu xúc phạm". Bà Nguyễn Thu Nam - Viện nghiên cứu Kinh tế, xã hội và môi trường (ISEE) cho biết, trong một nghiên cứu của mình với các đồng nghiệp dựa trên phỏng vấn sâu 40 đồng tính nữ trên 18 tuổi và tiếp cận với gia đình họ (với sự đồng ý của người đồng tính), số người biết đến con mình là người đồng tính là 19 người. Số người chưa biết là do bản thân người đồng tính chưa nói và không dám nói với cha mẹ về chuyện này. Khi biết con mình là đồng tính, phản ứng đầu tiên của cha mẹ là ngăn cấm, cắt đứt liên lạc của con với "người yêu", phong tỏa sự tiếp xúc của con với bạn bè và có nhiều người dùng đến biện pháp… sỉ vả. Đa số họ cho rằng đồng tính là xấu xa, đua đòi, bệnh hoạn, thậm chí có người còn cho rằng mình vô phúc, động mồ động mả, phải tìm "thầy" để chữa. Điều họ thường nói với con cái là: "Từ trước đến nay làm gì có chuyện như thế. Bây giờ sung sướng quá chúng mày nảy nòi lắm chuyện"; "mày đừng sống lập dị, đừng sống khác người như thế". Có bậc phụ huynh còn cho rằng, có khi phải đưa con mình vào trại để cải tạo, giống như nghiện chích; cần đưa vào trại giáo dưỡng để chỉnh huấn lại thành người có hành vi đúng đắn... Phần lớn cha mẹ đều mong muốn cho con mình hạnh phúc. Chính vì vậy, khi thấy con gái đi trái với lẽ thường tình "trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng", trái với triết lý hòa hợp "âm - dương" giữa nam và nữ, trái với tam tòng tứ đức… đã vô cùng lo lắng. Họ lo gia đình bị mang tiếng, lo con mình không hạnh phúc, không được cả xã hội và pháp luật thừa nhận về hôn nhân đồng giới. "Không thể ngờ nó lại bị bệnh này. Làm sao để nó khỏi bệnh, đánh đổi gì thì tôi cũng chịu" - lời kêu cứu nghe đầy chua xót của một người cha tới chuyên gia tư vấn. (Còn nữa) * Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi. Hà Thư – Quỳnh An |
NEWSCSAGA news
Đồng tính nữ - Thông tin cần chia sẻ: "Nỗi kinh hoàng" của cha mẹ
10/07/2013 04:01:17
222