NEWSCSAGA news
Chân dung những tên "cò" buôn người.
12/07/2013 08:41:58
222
Chân dung những tên "cò" buôn người.
Chỉ một vài mánh lới của đám “cò con ăn quẩn cối xay” nhưng đã vô cùng tinh vi và phức tạp. Còn mánh lới của những tên trùm buôn người thì tinh vi và tàn nhẫn hơn nhiều Không thể ngờ được chính người thân, thầy giáo cũ lại là những tên “cò mồi” trong các vụ buôn bán phi nhân tính này
Do bị bệnh nên N.C.Thạnh nghỉ dạy chuyển sang làm xe ôm ở thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp. Trong những chuyến chở khách, Thạnh đã làm quen với một Việt kiều Campuchia. Tên này gợi ý nhờ Thạnh tìm giúp người bán hàng, bán nước ở Campuchia. Nếu đẹp và biết chiều khách sẽ cho sang nước thứ ba là Thái Lan hay Malaixia. Lời gợi ý đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Thạnh khi người khách đưa ra giá 1 triệu đồng nếu đưa được một người tới.
Thấy có điều kiện kiếm tiền dễ dàng, lại không mất nhiều công sức, vốn liếng, Thạnh đồng ý liền. Ngay sau đó Thạnh dụ dỗ học trò cũ Lê Thị B. 18 tuổi, nói là sẽ giới thiệu cho B một công việc nhàn nhã, lương cao, gia đình B sẽ được ứng trước một khoản tiền lớn Gia đình B tin tưởng Thạnh là thầy giáo cũ nên đồng ý cho B đi. “Con mồi” đã vào tròng, lúc này Thạnh chỉ việc gọi điện cho tên Việt kiều đến “lấy hàng” và nhận tiền hoa hồng. Chỉ cần nói vài lời dụ dỗ ngon ngọt là đã cầm trong tay món tiền lớn bằng cả tháng trời chạy xe ôm, Thạnh không nghĩ mình sẽ chấm dứt công việc này ở đây. Tiếp tục tìm kiếm “nguồn hàng”, chỉ trong hơn một tháng sau Thạnh đưa tiếp hai cô học trò giao cho tên trùm Việt kiều đang trú tại Capuchia. Thế nhưng không may cho ông thầy giáo bất lương ấy, gia đình B sau khi cho con đi làm không nhận được tin tức gì của con đã tố cáo hắn với chính quyền. N.C.Thạnh bị tuyên án 8 năm với tội danh “tổ chức người khác trốn ra nước ngoài trái phép”.
Trong thâm tâm chúng ta thường chỉ cảnh giác trước những lời dụ dỗ ngon ngọt của người lạ. Ít ai nghi ngờ người thân, đặc biệt đó lại là những người thầy mình từng kính trọng. Tuy vậy, càng ngày bọn buôn người càng có nhiều mánh khoé tinh vi và sảo quyệt hơn. Bọn chúng thường làm việc theo đường dây trong một tổ chức. Việc tìm kiếm “cò mồi” thích hợp cũng là một trong những chiêu thức được bọn chúng dày công nghiên cứu. Dưới sức nặng của đồng tiền, không ít người dân lương thiện đang lấn sâu vào việc tiếp tay cho tội ác, trở thành “cò mồi” cho những tên trùm của các đường dây buôn người.
Phan Thị Loan (Hải Phòng) đã tốt nghiệp đại học văn hoá, từng là hướng dẫn viên du lịch. Trong những lần đi tua cùng khách, Loan quen biết và móc ngoặt với Kiên – một mắt xích trong tổ chức buôn người. Nhờ sự khéo léo, lại có “mác” có học, thân thiện,đáng tin nên Loan đã lừa được không ít cô gái, mà chủ yếu là họ hàng, người quen bán sang biên giới.
Loan thường nói với các nạn nhân là được suất ưu tiên, rủ họ cùng đi du lịch vừa không mất tiền, vừa được biết đây, biết đó. Đến khi Loan bị công an túm gáy thì không biết đãcó bao nhiêu cô gái là nạn nhân của Loan phải chịu tủi nhục, đày đoạ trong nhà chứa ở Campuchia, Trung quốc.
Thêm một gương mặt “cò” buôn người nữa đó là Thái Thị Thu Hạnh, chủ một quán cà phê ở thị trấn Cái Vồn (Vĩnh Long). Hạnh ly dị với người chồng Việt Nam, sau đó lấy chồng Trung Quốc. Biết được chị N ở xã gần bên nhà nghèo, thiếu việc làm, Hạnh rủ chị N ra Hà Mội hái hoa trà, một ngày kiếm được 100 ngàn đồng. Chị N tạm ứng tiền trước, giao giấy tờ CMND và đồng ý đi cùng Hạnh. Tới Móng Cái, Hạnh dẫn chị N tới một nhà chứa ở Sà Kha, bán cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 6 triệu đồng. Hạnh đưa chị N 2 triệu, số còn lại nói trừ nợ chị. Cuộc buôn bán ngã ngũ. Hai ngày sau, chị N giả vờ đi vệ sinh rồi chạy vào rừng trốn thoát. Làm đơn tố cáo Hạnh nhưng bà ta đã cao chạy xa bay về Trung Quốc với một ông chồng mới.
Trên đây chỉ là một vài mánh lới của đám “cò con ăn quẩn cối xay” nhưng đã vô cùng tinh vi và phức tạp. Còn mánh lới của những tên trùm thì tinh vi và tàn nhẫn hơn nhiều Điều cần cảnh báo là mọi người nên cảnh giác với những mối quan hệ không rõ ràng, thận trọng khi được đối tượng mới quen rủ rê đi buôn, đi du lịch đến các địa phương ở sát biên giới. Một khi đã bị đưa sang biên giới, cơ hội trở về rất ít và nếu có trở về được thì các nạn nhân cũng bị tổn thương lớn về thể xác và tinh thần.
Thảo Vân