NEWSCSAGA news

Buôn bán người - Vấn đề không của riêng ai

02/07/2013 09:39:01 222
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1991 đến 2002, công an đã bắt giữ hơn 2.200 vụ với gần 3.800 đối tượng phạm tội buôn bán phụ nữ, trẻ em, trong đó khởi tố trên 1.800 vụ. Riêng bộ đội biên phòng, trong 7 năm (1996-2002) đã xử lý 330 vụ, làm rõ 69 đường dâ

Buôn bán người

Vấn đề không của riêng ai

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1991 đến 2002, công an đã bắt giữ hơn 2.200 vụ với gần 3.800 đối tượng phạm tội buôn bán phụ nữ, trẻ em, trong đó khởi tố trên 1.800 vụ. Riêng bộ đội biên phòng, trong 7 năm (1996-2002) đã xử lý 330 vụ, làm rõ 69 đường dây và điều ta khởi tố 120 vụ...Bọn buôn bán người thường sử dụng các thủ đoạn tinh vi như hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rủ đi làm ăn xa, núp dưới hình thức du lịch, cho con nuôi trá hình, lấy chồng nước ngoài giàu có...Theo kết quả nghiên cứu về thực trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài do Bộ công an hợp tác với tổ chức UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) thực hiện, thì trong số trên 1.750 nạn nhân của những vụ buôn người có hơn một nửa là những người mù chữ hoặc chỉ dừng lại ở cấp tiểu học. Nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán chủ yếu là làm ruộng và thất nghiệp.

Những con số trên đã cho chúng ta thấy một thực tế là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán phụ nữ ngày càng tăng là do đời sống kinh tế còn nghèo nàn, trình độ dân trí, sự hiểu biết còn thấp. Bên cạnh đó, sự nhẹ dạ cả tin và mong muốn có thu nhập, có cuộc sống vật chất khấm khá hơn đã khiến cho không ít phụ nữ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ buôn người. Hàng năm Hà nội phải tiếp nhận biết bao lao động ngoại tỉnh lên thành phố tìm kiếm việc làm.

Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì nặng nhọc vất vả, sẵn sàng sống trong những khu nhà trọ tồi tàn nhất ở các khu chợ Đồng Xuân, Long Biên, các bến xe, khu chợ lao động Kim Ngưu, Vĩnh Tuy, Cầu mới, chợ lao động Hoàng Quốc Việt... để mong tiết kiệm được tiền đem về cho gia đình.

Các Tình nguyện viên- Báo Sinh viên Việt nam sau khi khảo sát thực tế địa bàn và đời sống người lao động ngoại tỉnh đã cho biết: “các khu nhà trọ hết sức tồi tàn, có những ngôi nhà chỉ là mái bằng của tầng hai được lợp thêm mái tôn, che cót ép thêm cho 20 người ở, rộng khoảng 15m2, ban ngày nắng hoặc có mưa thì hầu như không có sự che chắn nào... Nhà trọ của lao động ngoại tỉnh do rẻ tiền nên thường ở những ngõ nghách rất sâu, tối tăm, dễ vướng vào các tệ nạn xã hội như gái mại dâm, nghiện ma tuý, cờ bạc...”

Công việc lao động phổ thông với mức thu nhập bình quân khoảng 15000 đến 20000/ ngày thì việc tiết kiệm tối đa trong chi tiêu, sinh hoạt ăn uống cũng là điều dễ hiểu. Trong điều kiện sống kham khổ túng thiếu, người lao động ngoại tỉnh luôn mong ước có được công việc có thu nhập cao hơn vì họ thấy dù khổ cực một chút nhưng dù sao mức thu nhập cũng khá hơn ở công việc đồng áng quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” của họ. Lí do kinh tế khiến cho lao động ngoại tỉnh dễ rơi vào bẫy của bọn buôn người và nguy cơ ấy càng trở nên cao hơn, nguy hiểm hơn khi họ không hề ý thức được nguy cơ ấy và không có hiểu biết về nạn buôn bán người cũng như những thủ đoạn của nó.

Trước thực tế đó Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã vào cuộc. Được sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ, từ đầu tháng 11/2004 CSAGA triển khai thực hiện dự án “Nâng cao nhận thức của người lao động ngoại tỉnh tại nội thành Hà nội về nạn buôn bán người và tăng cường sự hỗ trợ cho các nạn nhân”. Với mong muốn giúp lao động ngoại tỉnh có thể tự bảo vệ mình trước những kẻ buôn người và hỗ trợ tâm lý, thông tin cho nạn nhân của buôn bán để họ có thể tìm ra giải pháp tốt nhất cho hoàn cảnh của mình, CSAGA đã tiến hành tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là đối tượng lao động ngoại tỉnh các kiến thức, thông tin về nạn buôn bán người qua các phương tiện truyền thông như Đài tiếng nói Việt Nam, hệ thống hộp thư thoại, phát tờ rơi đến tận tay người lao động...Đặc biệt, CSAGA còn thiết lập 1 đường dây nóng hoạt động từ 8h đến 20h các ngày trong tuần; nếu cần giúp đỡ các lao động ngoại tỉnh chỉ cần bấm số 7540421, họ sẽ được tư vấn miễn phí.

Góp một tiếng nói, góp một hành động vào việc ngăn chặn nạn buôn người là việc làm vô cùng cần thiết vì bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là nạn nhân của nạn buôn bán người nếu thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết. Các hoạt động của các tổ chức xã hội như CSAGA sẽ có hiệu quả hơn nữa nếu được sự giúp đỡ, ủng hộ của các ban ngành chức năng.