NEWSCSAGA news

Nhạy cảm giới trong văn học

11/12/2013 02:36:25 222
Thầy cô giáo dạy Văn học có vai trò to lớn trong việc định hướng những giá trị tốt đẹp về bình đẳng giới cho tâm hồn thế hệ trẻ. Nhằm mục đích tìm ra giải pháp lồng ghép những giá trị mới về công bằng và bình đằng giới trong giáo dục, hôm nay (5/12), Tru

Nhạy cảm giới trong văn học

Thầy cô giáo dạy Văn học có vai trò to lớn trong việc định hướng những giá trị tốt đẹp về bình đẳng giới cho tâm hồn thế hệ trẻ.

Nhằm mục đích tìm ra giải pháp lồng ghép những giá trị mới về công bằng và bình đằng giới trong giáo dục, hôm nay (5/12), Trung tâm CSAGA cùng ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Oxfam và Đại sứ quán Canada phối hợp tổ chức hội thảo “Nhạy cảm giới trong văn học” tại Hà Nội.

Hội thảo “Nhạy cảm giới trong văn học” tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội


Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Vụ Gia đình, Vụ Bình đẳng giới, các giảng viên khoa Ngữ văn các trường đại học, cùng với giáo viên và học sinh các trường THPT.

Bình đẳng giới được Liên Hợp Quốc xem là một trong bốn vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển toàn cầu. Tầm quan trọng của bình đẳng giới được tái khẳng định khi nó là một trong 7 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Khái niệm “giới” hiện nay tuy không mới, nhưng chưa được đại bộ phận người dân hiểu đầy đủ, dẫn đến những đánh giá thiên lệch về năng lực, vai trò, vị trí của nam và nữ. Điều đó đã tạo ra mối quan hệ bất bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình, xã hội. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình.

Cùng với vai trò của các môn học Giáo dục công dân, Đạo đức, hay Pháp luật trong nhà trường, môn Văn học là một trong những kênh truyền thông hiệu quả, tác động không nhỏ tới giáo dục về bình đẳng giới. Bình đẳng giới lồng ghép trong văn học sẽ giúp các em học sinh hình thành những tư tưởng, tình cảm mang tính thời đại.

Tuy nhiên, theo TS. Chu Văn Sơn - trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thực tế hiện nay học sinh không còn nhiều hứng thú đối với môn văn học trong nhà trường. Ngoài những nguyên nhân khách quan từ thời đại, xã hội, còn có nguyên nhân từ chương trình chưa hay, hướng khai thác văn bản văn học chưa đáp ứng được nhu cầu của người học, phương pháp giảng dạy chưa hiệu quả, và việc đánh giá kết quả thi đối với môn văn không thực chất.

“Chúng ta đang tập trung cho việc dạy chữ trong văn, hơn là việc dạy người trong văn. Làm thế nào để học sinh được sống con người nhân văn, với những cảm xúc, tình cảm nhân văn trong mỗi giờ văn là vấn đề cấp thiết. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ, nâng cao hơn nữa chất lượng bộ môn Văn học trong nhà trường từ sách giáo khoa đến đánh giá thi cử. Đặc biệt, các thầy cô giáo nói chung và thầy cô giáo dạy Văn nói riêng có vai trò to lớn trong việc định hướng những giá trị tốt đẹp về bình đẳng giới cho tâm hồn thế hệ trẻ thông qua các tác phẩm mà họ truyền đạt”, TS Chu Văn Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với TS Chu Văn Sơn, thầy giáo Trịnh Minh Hương – Phó trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Quảng Nam cho biết thêm, lâu nay giáo viên đại học, giáo viên phổ thông thường lồng ghép bình đẳng giới trong văn học một cách tự phát, chưa tạo được hứng thú đối với học sinh. Thầy Hương nêu ý kiến: “Các tổ chức chuyên trách về giới cần trang bị thêm kiến thức, tư liệu cho các thầy cô giáo, học sinh để cảm nhận trên góc độ văn học tốt hơn. Sắp tới, trong nội dung đổi mới chương trình giáo dục, biên soạn lại chương trình cần lồng ghép nhiều hơn về vấn đề bình đẳng giới, cũng như việc đào tạo giáo viên…”./.

Theo VOV.VN