TIN TỨCSự kiện mới nhất
Văn học đề tài đồng tính, chất và lượng chưa đủ
06/09/2013 10:10:26
515
Ngày càng cởi mở
Phải khẳng định, nhà văn Bùi Anh Tấn là người viết nhiều, viết sâu nhất về những người LGBT trong làng văn Việt Nam đương đại. Những năm qua, anh đã trình làng những tác phẩm được chú ý, như Một thế giới không có đàn bà, Les - Vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C Kinsey và gần đây nhất là Bí mật hậu cung. Để có thể viết được, anh phải tốn rất nhiều công sức tìm hiểu, nghiên cứu, nhất là từ hơn chục năm trước, cái nhìn về những người LGBT còn hà khắc, thì Bùi Anh Tấn từng phải “trả giá” để có vốn sống và sáng tác. Nhiều khi một số người lên án anh “ăn quẩn ăn quanh đồng tính”. Còn Bùi Anh Tấn thì chia sẻ ngược lại: “Có một thời gian tôi bị sức ép kinh khủng về điều này. Tôi viết lan man về các đề tài khác là vì vậy. Sau này khi bình tĩnh rồi, tôi nhận ra rằng, thôi thì đề tài đồng tính cũng là “cơ duyên” với mình, ngoài ra, tôi có nhiều bạn đọc chia sẻ thì tại sao tôi phải “chối bỏ” điều này?”.
Hội thảo về LGBT.
Sau Bùi Anh Tấn, tác giả Nguyễn Đình Tú cũng cho ra mắt một số tác phẩm, tuy không nói trực diện về đề tài LGBT nhưng có những chương, những đoạn đả động đến thế giới hoang hoải cùng với nỗi đau cần khẳng định của một cộng đồng người vẫn phải gồng mình sống trong bóng tối để tránh sự kỳ thị. Cùng với dòng chảy đó, văn học đương đại khoảng chục năm trở lại đây đã xuất hiện những tác phẩm về đề tài này của một số cây bút trẻ như Lạc giới của Thủy Ana, Song song của Vũ Đình Giang, Không lạc loài - tự truyện của Nguyễn Thành Trung do Lê Anh Hoài chấp bút, Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử của Trang Hạ, Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam... Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch, mới đây cũng thẳng thắn đề cập tới thân phận của những người đồng tính nam hành nghề mại dâm cùng những góc tối đáng sợ và nhiều tranh cãi trong truyện dài Đời Callboy. Sau đó, tháng 7/2013, Ngọc Thạch và Võ Chí Dũng đã cùng viết chung cuốn sách dạng tự truyện có tên Mẹ ơi, con đồng tính!. Đây là một cuốn sách cung cấp kiến thức về vấn đề mang hơi thở thời đại nhưng lại mở đầu bằng một câu chuyện thần thoại. Qua cuốn sách, độc giả sẽ tìm thấy những chương nói về các khái niệm cơ bản, thuật ngữ, tiếng lóng, biểu tượng, đồng tính từ góc nhìn xã hội, hay các tổ chức hoạt động vì quyền lợi của cộng đồng LGBT.
Rõ ràng, đề tài LGBT đã và đang phát triển từng ngày. Các nhà xuất bản, công ty phát hành, đặc biệt là các cây bút đã tích cực quan tâm đến đề tài này hơn. Nhưng theo đánh giá, vẫn còn rất dè dặt và số lượng sách xuất hiện quá khiêm tốn so với các loại đề tài khác.
Cần “kích” về chất lượng
Chất lượng sách về LGBT cũng chưa như mong muốn. Đó là ý kiến đánh giá của không ít nhà văn, nhà phê bình. Bởi, dù cộng đồng LGBT sống như bao cộng đồng người khác và trước hết, họ cũng là một con người có trái tim nhưng họ vẫn chưa được hiểu. Kiến thức, hiểu biết về họ vẫn còn là “khoảng trống” với gần như hầu hết các cây bút. Mà với văn chương, phải hiểu sâu viết mới hay. Nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ: “Về đề tài này, theo tôi đọc tự truyện của chính những người trong giới sẽ hay hơn. Bởi họ viết về họ, họ hiểu thế giới đó cùng những cảm xúc đó. Còn nhà văn hư cấu thì do chưa hiểu sâu nên đôi khi bị sượng. Tôi nghĩ, sau những thảo luận, đánh giá và có một cái nhìn thân thiện, hòa đồng hơn với những người trong cộng đồng LGBT, đặc biệt các nhà văn sống gần họ hơn, hiểu hơn, sẽ cho ra những tác phẩm thật sự có chiều sâu”.
Ý kiến của Sương Nguyệt Minh có lý, bởi một số nhà phê bình văn học cho rằng, không riêng gì văn học mà lĩnh vực phim ảnh người ta cũng mới chỉ cho ra đời những tác phẩm “gần giống với đề tài LGBT”. Có nghĩa là, văn học nghệ thuật vẫn chưa thật sự cất lên tiếng nói chân thật nhất về LGBT. Các bộ phim xuất hiện trên truyền hình vẫn hời hợt mô tả bên ngoài, câu khách, chưa đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm gợi mở: “Chúng ta nên có các cuộc thi sáng tác văn học về đề tài LGBT, có vậy mới “kích” được chất và lượng, giúp cho những người trong giới có cơ hội chia sẻ, tham gia viết tác phẩm”.
Ngày 14/8 vừa qua, Trung tâm CSAGA phối hợp với Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ quán Thụy Điển, Quỹ Urgent Action đã tổ chức hội thảo “Văn học - Nghệ thuật và LGBT”. Đây là hoạt động được đánh giá giúp cho cộng đồng LGBT có cơ hội thể hiện, các nhà văn, nhà biên kịch có điều kiện hiểu hơn về LGBT. Thêm nữa, cũng kỳ vọng những tác phẩm văn học, nghệ thuật, đặc biệt là văn học xứng tầm có thể chuyển tải được những thông điệp giúp xóa nhòa ranh giới bấy lâu nay.
Nguồn: www.suckhoedoisong.vn