TIN TỨCSự kiện mới nhất
TỌA ĐÀM “CHẤM DỨT BẠO LỰC VỚI PHỤ NỮ: LẮNG NGHE VÀ HÀNH ĐỘNG”
Vào năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên tiến hành Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ. 8 năm trôi qua kể từ cuộc điều tra thứ nhất, thực trạng vấn đề bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Những thiệt hại kinh tế của Việt Nam do bạo lực với phụ nữ có được tính toán không và đang ở mức nào? Những kết quả này đặt ra những vấn đề gì về mặt chính sách trong thời gian tới? Đây chính là những câu hỏi sẽ được các chuyên gia giải đáp trong buổi tọa đàm.
Chương trình có sự tham gia của bà Naomi Kitahara - đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), ông Cho Han-Deog - đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến và Sức khỏe (CCIHP).
Dàn khách mời chuyên gia tham dự tọa đàm: bà Naomi Kitahara, ông Cho Han-Deog,
bà Hoàng Tú Anh (từ trái qua phải)
Những điểm đáng chú ý trong vấn đề bạo lực giới
Trước kết quả của cuộc điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ, bà Hoàng Tú Anh chia sẻ: Mặc dù những con số đưa ra cho thấy tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn khá phổ biến trong xã hội, tuy nhiên “ánh sáng luôn tồn tại cuối đường hầm”. Điều này được thể hiện qua việc các hình thức bạo lực có xu hướng giảm, tỷ lệ báo cáo bạo lực tình dục (BLTD) đã tăng lên, đặc biệt là trong giới trẻ - đây có thể coi là những kết quả ban đầu của hàng loạt các chương trình truyền thông về phòng chống bạo lực.
Cũng theo bà Tú Anh, tỷ lệ báo cáo BLTD tăng lên lại là một dấu hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy xã hội đã cởi mở hơn với một vấn đề vốn được coi là “nhạy cảm”, khó nói, thêm vào đó là nhận thức và niềm tin của người dân đã được nâng cao để họ không còn ngần ngại khi lên tiếng.
Bà Hoàng Tú Anh chia sẻ về những tín hiệu tích cực trên hành trình chống bạo lực giới
Đồng quan điểm với bà Tú Anh, ông Cho Han - Deog nhấn mạnh: dù bạo lực giới vẫn tồn tại, song những tín hiệu tích cực là không thể phủ nhận. Chúng ta cần nhìn nhận một cách trực diện, nhìn nhận về những thành tựu đã đạt được, nhìn nhận những điểm cần cải thiện để giải quyết một cách tập trung hơn thông qua 4 bước: ngăn ngừa, bảo vệ, điều tra và xử lý.
Đại diện cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), ông Cho Han-Deog chia sẻ tại tọa đàm
Bạo lực giới và những thiệt hại về kinh tế
Quay trở lại với những vấn đề của thực trạng bạo lực với phụ nữ, rõ ràng những hệ lụy không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cá nhân nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của một xã hội. 1,81%GDP năm 2018 (hơn 100,000 tỷ) là con số được bà Naomi đưa ra khi đề cập đến những thiệt hại từ bạo lực giới mà nền kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu. Bà chia sẻ thêm: số lượng cuộc gọi báo cáo bạo lực tăng lên gấp đôi trong giai đoạn xảy ra dịch Covid. Điều này cho thấy hiện nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu nhiều thách thức, và một trong những cách chúng ta có thể giảm thiểu những thiệt hại đó chính là giảm những tác động từ vấn đề bạo lực giới.
Những con số về thiệt hại kinh tế do bạo lực giới gây ra được nêu lên bởi bà Naomi Kitahara
Đâu là nguyên nhân căn cốt và hướng đi của chúng ta là gì?
Theo bà Naomi, sự tồn tại về bất bình đẳng giới trong cách nghĩ của mọi người là nguyên nhân chính của vấn đề. Điều đáng mừng là Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc xử lý bất bình đẳng giới và bà tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có thêm những bước tiến trên hành trình này.
Cũng theo bà Naomi, để “công cuộc” chấm dứt bạo lực giới đạt được nhiều hiệu quả, có 3 vấn đề chính cần được quan tâm. Thứ nhất, đó là các hoạt động phòng ngừa thông qua các chương trình truyền thông, giáo dục hướng tới người trẻ. Thứ hai, tăng cường chất lượng các dịch vụ (tâm lý, y tế, hỗ trợ từ công an, công tác xã hội, tư vấn pháp lý..) và các trung tâm cung cấp dịch vụ cần cung cấp thông qua một điểm duy nhất; về phía địa phương, mỗi tỉnh cần có một trung tâm tích hợp dịch vụ nhằm tạo một môi trường an toàn cho nạn nhân. Thứ ba, thay đổi suy nghĩ của cộng đồng về bạo lực gia đình, về những tác động của bạo lực gia đình lên xã hội.
Thông điệp từ các chuyên gia
“Hãy lên tiếng và hành động” đó là những gì bà Hoàng Tú Anh muốn chia sẻ. Dù bạn là người chứng kiến hay là nạn nhân của bạo lực, đừng im lặng, đừng ngần ngại vì xung quanh có rất nhiều người sẽ cùng bạn giải quyết.
Đối với hoạt động hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới, ông Cho Han-Deog muốn nhấn mạnh đến việc xây dựng hệ thống các trung tâm một cửa trên cả nước nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.
Điều cuối cùng, hãy nhớ rằng “vấn đề bạo lực giới không phải của riêng phụ nữ, do phụ nữ giải quyết, mà cần cả xã hội chia sẻ cảm thông, cần mọi người ở mọi lứa tuổi tham gia chung tay đẩy lùi và xóa bỏ”
-
Link xem lại chương trình: https://www.youtube.com/watch?v=IQVkR0nlZCE&t=579s