TIN TỨCTuyển dụng
Tuyển Chuyên gia Giới hỗ trợ kỹ thuật
ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
Dự án: “Hỗ trợ các tổ chức Xã hội ứng phó với COVID-19”
Vị trí ứng tuyển: Chuyên gia Giới hỗ trợ kỹ thuật cho mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại cộng đồng.
Hoạt động: Chuyên gia thực hiện tập huấn trong mô hình “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực giới tại cộng đồng trong và sau dịch bệnh Covid 19”
-
Bối cảnh chung
Năm 2020 thế giới chứng kiến một cuộc khủng hoảng trầm trọng về sức khoẻ và kinh tế do đại dịch Covid 19 gây ra trên toàn cầu. Những tổn thất về kinh tế của các quốc gia nói chung, từng gia đình và các cá nhân nói riêng rất lớn. Những tác động đa chiều của đại dịch tới đời sống của người dân ở Việt nam, đặc biệt là tới các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em là không nhỏ. Trong bối cảnh đại dịch Covid, giãn cách xã hội khiến kinh tế của nhiều gia đình gặp không ít khó khăn, nhiều người lao động bị mất việc làm dẫn tới kinh tế gia đình bị suy giảm, căng thẳng trong gia đình nảy sinh và gia tăng. Nghiên cứu về tình hình bạo lực trong thời kỳ Covid 19 cho thấy tình trạng quấy rối tình dục và xâm hại tình dục gia tăng (tuy nhiên vấn đề này do văn hoá, nạn nhân ít khi dám nói ra sự thật).
Trong khi đó việc tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa bạo lực cũng gặp nhiều khó khăn. Giãn cách xã hội đã hạn chế nạn nhân tìm kiếm các loại dịch vụ hỗ trợ, hoặc các dịch vụ hỗ trợ bị gián đoạn v.v…. Theo kết quả báo cáo đánh giá về tính sẵn có và khả năng tiếp cận dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới (CARE và CSAGA, 2020) người dân, đặc biệt là phụ nữ tại cộng đồng thiếu thông tin về các dịch vụ hỗ trợ và không biết cách đến tìm kiếm sự trợ giúp khi bị bạo lực: khoảng 10% người tham gia khảo sát biết tới Ngôi nhà Bình yên; 17% người trả lời khảo sát biết đến địa chỉ tư vấn tâm lý và 35% ý kiến cho rằng họ biết dịch vụ trợ giúp pháp lý và thông tin pháp luật khi bị bạo lực. Kết quả rà soát cũng chỉ ra: 3 dịch vụ mà đại diện phụ nữ trong cộng đồng cho rằng đó là các dịch vụ cần thiết nhất đối với phụ nữ khi bị bạo lực là (1) địa chỉ tin cậy để trình báo sự việc với tỉ lệ gần 72% ý kiến, chăm sóc y tế và nơi tạm lánh tại cộng đồng với tỉ lệ ý kiến khoảng 47%. Tiếp đến là dịch vụ tư vấn tâm lý với khoảng 42% ý kiến từ người tham gia. Báo cáo đã cho thấy tỷ lệ người dân hiểu biết về các dịch vụ này là quá thấp. Ở đây có thể lý giải rằng là thông tin về các loại hình dịch vụ chưa thực sự đến được với người dân do hoạt động truyền thông còn nhiều bất cập.
Hơn nữa thông tin về các dịch vụ hỗ trợ tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Người bị bạo lực thường sẽ tìm đến với người thân, người quen hoặc không tìm tới ai để trợ giúp. Việc không tìm kiếm trợ giúp có thể do chưa có thói quen tìm tới dịch vụ, do tác động của các khuôn mẫu và định kiến và do không có hoặc không biết sự có mặt của các dịch vụ này. Ngoài ra, cũng có một số nạn nhân tuy đã tiếp cận được dịch vụ trợ giúp, nhưng họ không muốn quay trở lại vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó đặc biệt có thể kể đến:
-
Chất lượng của các dịch vụ thiết yếu: Nhân viên thực hiện cung cấp dịch vụ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân, rất ít người được đào tạo cơ bản về lĩnh vực này, phần lớn họ phải làm việc kiêm nhiệm. Trong hầu hết các vụ việc, biện pháp hoà giải được đặt lên hàng đầu, cảnh cáo và nhắc nhở. Người cung cấp dịch vụ thiếu nhạy cảm, đôi khi còn thờ ơ, có thái độ định kiến và đổ lỗi cho nạn nhân. Cán bộ Hội PN xã, thôn, hoặc các thành viên trong tổ hoà giải không có kiến thức cơ bản về lĩnh vực này để xử lý các vụ việc có chất lượng hơn và trợ giúp nạn nhân tốt hơn.
-
Cơ chế phối hợp: Hiện nay cơ chế phối hợp liên ngành còn rất yếu, khá manh mún. Mặc dù Luật Bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình đã ban hành từ 2006 và 2007, nhưng cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng chống bạo lực gần như là bỏ ngỏ, hoặc có chăng chỉ là sự ký kết phối hợp giữa các ngành đơn lẻ về mặt hình thức.
Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và các đối tác thực hiện dự án “Hỗ trợ các tổ chức Xã hội ứng phó với COVID-19”. Nằm trong khuôn khổ dự án, mô hình “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực giới tại cộng đồng trong và sau dịch bệnh Covid 19” đã được thực hiện tại Sơn Tây, Hoà Bình và Hải Phòng với các hoạt động như sau: 03 khóa tập huấn cho đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ tại địa phương nhằm cung cấp kiến thức và ký năng về cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực giới; 03 tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm cung cấp dịch vụ và hỗ trợ các ca bạo lực giới tại cộng đồng, 06 buổi họp kỹ thuật hỗ trợ cán bộ địa phương nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại cộng đồng. Để triển khai hoạt động họp kỹ thuật cho cán bộ địa phương, dự án cần tuyển dụng 1 chuyên gia xây dựng chương trình và điều hành cuộc họp.
-
Mục đích
Chuyên gia xây dựng nội dung chương trình và thực hiện điều hành 06 buổi họp kỹ thuật trong mô hình “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực giới tại cộng đồng trong và sau dịch bệnh Covid 19”, cụ thể như sau:
-
06 cuộc họp kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực giới tại cộng đồng trong và sau dịch bệnh Covid 19 tại Hoà Bình, Sơn Tây và Hải Phòng
-
Đối tượng tham gia: cán bộ cung cấp dịch vụ hỗ trợ tại xã Xuân Sơn và Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây – Hà Nội), xã Đông Lai và xã Thanh Hối (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) và cán bộ tại nhà máy Maple, khu Công nghiệp VSIP, Hải Phòng.
-
Đầu ra dự kiến
-
Xây dựng nội dung chương trình đảm bảo việc ôn luyện kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo, huy động sự tham gia và tương tác của học viên
-
Điều hành tập huấn hiệu quả và đầy đủ các hoạt động trong chương trình đã chuẩn bị và kết nối được học viên, kết nối với các hoạt động của mô hình.
Sau khoá học, học viên có khả năng:
-
Hiểu về các khó khăn và thách thức trong quá trình hỗ trợ người bị bạo lực tại địa phương
-
Đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại địa phương
-
Kết nối và phối hợp với nhau khi hỗ trợ người bị bạo lực giới tại cộng đồng.
-
Thời gian thực hiện
Từ tháng 5/2022 đến tháng 8/2022.
-
Định mức
Theo chất lượng CV và thỏa thuận giữa hai bên
-
Yêu cầu chất lượng
Ứng viên đạt yêu cầu dự tuyển cần đảm bảo các tiêu chí sau:
-
Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Giới và Phát triển hoặc các ngành liên quan
-
Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực phát triển, đặc biệt là lĩnh vực về Giới, Bạo lực giới, Quyền phụ nữ và cộng đồng thiểu số tình dục LGBTIQ
-
Có kinh nghiệm trong điều hành các khoá tập huấn có nhạy cảm giới và lồng ghép giới
-
Có kinh nghiệm làm việc với người bị bạo lực và cán bộ cung cấp dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho người bị bạo lực
-
Hiểu biết về các dịch vụ thiết yếu dành cho người bị bạo lực giới
-
Có kỹ năng điều hành và tập huấn
-
Có kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm
Những ứng viên quan tâm xin gửi CV về địa chỉ sau trước ngày 25/06/2022
Đặng Minh Nguyệt – Cán bộ dự án CSAGA
Địa chỉ: Nhà 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: nguyetdang@csaga.org.vn