TIN TỨCTin CSAGA
Thông tin dành cho báo chí: Hội nghị quốc gia lần 3 về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội
THÔNG TIN DÀNH CHO BÁO CHÍ
Nạn nhân hay Tội nhân: Những rào cản thể chế và văn hoá
trong việc nhìn nhận và giải quyết bạo lực tình dục ở Việt Nam
-------------------
Hưởng ứng 16 Ngày quốc tế hành động chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, và Tháng Hành động Vì bình đẳng giới của Việt Nam, CSAGA cùng với các tổ chức phi chính phủ khác cùng tổ chức Hội nghị quốc gia về bạo lực tình dục. Dưới đây là thông tin báo chí của Hội nghị.
Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2016 – Hôm nay, Hội nghị Quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ Ba với tiêu đề “Nạn nhân hay Tội nhân:Những rào cản văn hoá và thể chế trong việc nhìn nhận và giải quyết bạo lực tình dục tại Việt Nam” đã khai mạc trọng thể tại khách sạn Crowne Plaza, Hà Nội. Đây là sáng kiến của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu, các bài học thực tiễn cũng như nâng cao vai trò của khu vực xã hội dân sự để giải quyết hiệu quả hơn nữa tình trạng bạo lực tình dục đang gia tăng đáng báo động và có những diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Hội nghị cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Hành động Vì Bình đẳng Giới và Phòng, Chống Bạo lực trên Cơ sở Giới. Hội nghị đã nhận được sự tài trợ của các cơ quan Liên Hiệp Quốc và một số nhà tài trợ khác.
Gần 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan chính phủ, các chuyên gia luật pháp, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý chương trình, đại diện lực lượng thực thi pháp luật, các nhà hoạt động xã hội, các nhà giáo dục, đại diện cộng đồng, học sinh, thanh niên và giới truyền thông đã tham dự Hội nghị. Đại diện của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, đại sứ quán nhiều nước và các tổ chức quốc tế cũng đến dự, thể hiện sự quan tâm đến vấn đề và sự hỗ trợ mạnh mẽ của họ đối với hoạt động có ý nghĩa này.
Mở đầu cho Hội nghị, bà Khuất Thu Hồng – đại diện cho các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và bà Astrid Bant, Đại diện cho Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, đã phát biểu khai mạc.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Khuất Thu Hồng đã nhấn mạnh: “Bạo lực tình dục là tội ác nghiêm trọng chống lại phụ nữ và trẻ em. Nó chà đạp quyền cơ bản nhất của con người là được sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm.”Bà Hồng cũng lưu ý: “Bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ và trẻ em nào chứ không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nhiều người vẫn lầm tưởng”.
Trái với quan điểm cho rằngphụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ, số liệu thống kê cho thấy 73% thủ phạm là người quen, trong đó10% là cha đẻ hoặc cha dượng. Thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng haycả những người trong hệ thống thực thi pháp luật. Ngoài ra, phần lớn các vụ bạo lực tình dục cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân.
Bạo lực tình dục dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ thể chất, tinh thần và cả tài chính cho nạn nhân.Nhiều nạn nhân và gia đình đã phải vật lộn với việcthay đổi sinh kế do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị. Thậm chí,không ítngười đã phải tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị bạo hành tình dục.
Đại diện cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNPFA tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Bạo lực tình dục không dễ xác định, đặc biệt bạo lực tình dục trong các mối quan hệ tình cảm gần gũi thậm chí còn khó được báo cáo hơn vì nó được che giấu bởi các khuôn mẫu giới và văn hóa. Nam giới thường nghĩ rằng họ có ‘quyền’ kiểm soát thân thể và tình dục của người phụ nữ”. Bà cũng khẳng định “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái không phải một căn bệnh mà chúng ta cần phải tìm cách chữa. Vấn nạn này xuất phát từ quan niệm của nam giới và trẻ em trai về phụ nữ và trẻ em gái. Đã đến lúc chúng ta phải làm việc cùng nhau, Chính phủ, xã hội dân sự và toàn thể xã hội, để tấn công lại các định kiến giới và các thái độ ưu ái nam giới phổ biến cho dù chúng đã được dung dưỡng qua nhiều thế hệ. Chúng ta phải thay đổi các cấu trúc quyền lực để đảm bảo rằng có sự bình đẳng thực sự giữa phụ nữ và nam giới. Đấu tranh cho bình đẳng giới phải trở thành một vấn đề của nam giới và trẻ em trai”.
Hội nghị có 3 phiên toàn thể và 9 phiên thảo luận song song đề cập tới chủ đề bạo lực tình dụctừ nhiều góc độ đa dạng. Cụ thể, 12 phiên thảo luận đã đi sâu vào nhiều nhóm chủ đề như nạn nhân của bạo lực tình dục (trẻ em, vị thành niên, người đồng tính, song tính và chuyển giới), địa điểm của bạo lực tình dục (trong gia đình, tại nơi làm việc, tại địa điểm công cộng), giáo dục giới tính và tình dục trong trường học, bạo lực tình dục và phòng chống HIV hay các sáng kiến và mô hình phòng ngừa bạo lực tình dục. Đặc biệt, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội đang bùng nổ, Hội nghị đã đặt ra hai vấn đề cần thiết "Bạo lực tình dục trong thời đại công nghệ" và "Thể hiện bạo lực tình dục trong truyền thông và ý nghĩa đối với việc thay đổi nhận thức xã hội".
Tại Hội nghị, các chuyên gia và các nhà quản lý đều đồng tình rằng thực trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam vẫn chưa được phản ánh đầy đủ và giải quyết hiệu quả. Các tham luận tại Hội nghị chỉ ra rằng tình trạng nói trên xuất phát từ những rào cản thể chế, văn hoá và xã hội.
Về mặt thể chế, quy trình tố tụng và thực thi pháp luật chưa bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội nên chưa thực sự giải quyết bạo lực tình dục một cách có hiệu quả. Mặt khác, mặc dù đã có nhiều quy định tiến bộ về pháp luật để phòng ngừa và trừng phạt bạo lực, nhưng trong nhiều trường hợp, sự chậm trễ của cơ quan hành pháp, thái độ bàng quan, dung túng của cán bộ công quyền đã khiến bạo lực và lạm dụng tình dục bị xem nhẹ hoặc rơi vào im lặng. Ngoài ra, quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm thậm chí còn khiến nhiều nạn nhân dường như bị bạo lực và lạm dụng thêm nhiều lần nữa. Bên cạnh đó, các quy định về thông tin và đạo đức nghề nghiệpchưa được thực hiện và giám sát nghiêm túc khiến không ít tờ báo phơi bày, soi mói và khai thác nhiều chi tiết riêng tư khiến nạn nhân trở thành tội nhân trong dư luận xã hội.
Từ góc độ văn hoá, tư tưởng lạc hậu của một bộ phận người dân khiến nỗi đau bạo lực tình dục vẫn còn nhức nhối. Chịu sức ép vô hình từ những quan niệm sai lầm về tình dục, về nam tính/nữ tính cùng với những định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng, cộng đồng, gia đình và bản thân các nạn nhân đôi khi cũng chấp nhận cam chịu. Nạn nhân phải tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó.
Về mặt xã hội, nhiều nhóm yếu thế vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi và dễ bị bạo hành tình dục nhưng lại ít nhận được sự hỗ trợ. Bất chấp những tiến bộ trong hệ thống chính sách và những thay đổi kinh tế to lớn, phụ nữ vẫn thuộc về nhóm yếu thế ở Việt Nam, vị thành niên và trẻ em, nhất là các em gái thậm chí còn yếu thế hơn. Sự yếu thế không nằm ở thể lực của họ mà chính là ở việc họ bị trói chặt bởi các quan niệm bất bình đẳng về giá trị giới, đặc biệt là các trói buộc về đạo đức. Là nạn nhân nhưng nhóm này bị đơn độc trong cuộc đấu tranh bảo vệ nhân phẩm, thân thể và chỗ đứng của mình trong xã hội. Yếu thế và dễ bị tổn thương nhất là các nhóm phụ nữ và trẻ em nghèo, các nhóm thiểu số về tình dục và giới, những người di cư hay các nhóm thiệt thòi như phụ nữ hành nghề mại dâm, phụ nữ nhiễm HIV và con gái của họ, vv.Bịgạt ra ngoài lề xã hội bởi sự kỳ thị và phân biệt đối xử, nhân phẩm và số phận của họ càng dễ bị chà đạp và cơ hội để họ lên tiếng đòi công bằng cho mình càng hiếm hoi hơn.
Các thảo luận trong Hội nghị mong muốn bạo lực tình dục phải được nhìn nhận đúng mức hơn và cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa từ tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng. Các tham luận tại Hội nghị cũng lên tiếng mạnh mẽ về các bất bình đẳng mang tính hệ thống trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là bất bình đẳng giới nằm sau các vấn đề bạo lực và lạm dụng. Hội nghị là cơ hội để các tổ chức, cá nhân chia sẻ kết quả nghiên cứu, bài học từ các mô hình can thiệp đã được thực hiện đồng thời thảo luận về chiến lược tăng cường sự hợp tác hiệu quả giữa nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nhằm giải quyết bạo lực tình dục ở Việt Nam.
Hội nghịbế mạc vào chiều ngày 30 tháng 11.Vai trò của xã hội dân sự trong việc thúc đẩy sự quan tâm của nhà nước và xã hội trong việc giải quyết vấn đề thách thức này được bà Shoko Ishikawa, trưởng đại diện Cơ quan Liên hiệp Quốc vì Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ tại Việt Nam khẳng định trong diễn văn bế mạc hội nghị: “Trong suốt quá trình lịch sử, các tổ chức xã hội dân sự đã luôn là trụ cột của các phong trào phụ nữ và bình đẳng giới. Rất nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới đã đạt được chính nhờ việc các cá nhân từ cộng đồng tập hợp với nhau và dịch chuyển các hạn định ra phía trước, lên trên và theo mọi chiều hướng. Từ phía Liên hiệp quốc, chúng tôi khuyến khích các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tiếp tục là tiên phong trong việc thay đổi các diễn ngôn xã hội và tác động đến chính sách”.
Trong kết luận về Hội nghị, bà Hoàng Tú Anh, đại diện Ban tổ chứcnhấn mạnh: “Chúng ta chỉ thường nghĩ đến bạo lực như là những hành vi sử dụng sức mạnh, gây ra các tổn thất về thể chất, kinh tế và tinh thần có thể nhìn thấy và đo lường. Cách nhìn hạn hẹp này vẫn còn được sử dụng trong luật pháp. Thực tế, một phần rất lớn các hành vi bạo lực và hậu quả là rất khó nhìn thấy, khó đo lường, thậm chí vô hình và vì thế không được thừa nhận. Sự vô hình và không được thừa nhận này càng nghiêm trọng trong bạo lực tình dục. Nhiều hành vi bạo lực bị ‘vô hình hóa’, nhiều nhómnạn nhân cũng trở nên ‘vô hình’ thậm chí trở thành ‘tội nhân’ do các định kiến mang tính bất bình đẳng giới, không thừa nhận sự đa dạng trong văn hóa, đạo đức và cả luật pháp”. Hưởng ứng thông điệp chung tay hành động của bà Astrid Bant, đại diện cơ quan Liên hợp quốc trong diễn văn khai mạc, bà Hoàng Tú Anh kêu gọi “Thay đổi các diễn ngôn về bạo lực bao gồm cả bạo lực tình dục phải là câu chuyện của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Các nhà giáo dục và những người làm truyền thông đóng vai trò then chốt trong thành công của sự thay đổi này. Các nạn nhân của bạo lực cần được trao cơ hội để được lên tiếng và được lắng nghe. Chính phủ cần xem xét lại các văn bản pháp luật và chính sách để đảm bảo sự thực thi công bằng xã hội trong đó có công bằng tình dục. Khẩu hiệu của chương trình mục tiêu phát triển bền vững ‘Không ai bị bỏ lại đằng sau’ chỉ có thể đạt được khi chúng ta thực hiện được sự công bằng này.”
THÔNG TIN CƠ BẢN:
Thông tin 1: Các phiên họp
Ngày 29/11/2016 |
||||
9:00 – 10:00 |
KHAI MẠC Bà Khuất Thu Hồng, Đại diện Ban Tổ chức Bà Astrid Bant, Đại diện UN tại Việt Nam |
|||
10:30 – 12:00 |
PHIÊN TOÀN THỂ 1 Những yếu tố văn hoá – xã hội nào đang nuôi dưỡng và củng cố bạo lực tình dục ở Việt Nam |
|||
13:30 – 15:00 |
PHIÊN TOÀN THỂ 2 Khung pháp lý và dịch vụ xã hội hiện nay đáp ứng như thế nào nhu cầu giải quyết bạo lực tình dục? |
|||
15:30 – 17:00 |
CÁC PHIÊN SONG SONG |
|||
|
Phiên song song 1: Xâm hại tình dục với trẻ em và vị thành niên |
Phiên song song 2: Bạo lực tình dục trong gia đình: vết nứt ngầm dưới nền nhà |
Phiên song song 3: Bạo lực tình dục và dự phòng, giảm hại trong phòng, chống HIV |
|
Ngày 30/11/2016 |
||||
8:30 – 10:00 |
Phiên song song 4: Bạo lực tình dục với người đồng tính, song tính, và chuyển giới |
Phiên song song 5: Giáo dục giới tính và tình dục trong trường học |
Phiên song song 6: Thể hiện bạo lực tình dục trong truyền thông và ý nghĩa đối với thay đổi nhận thức xã hội |
|
10:30 – 12:00 |
Phiên song song 7: Bạo lực tình dục trong thời đại công nghệ |
Phiên song song 8: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc và các địa điểm công cộng |
Phiên song song 9: Các sáng kiến và mô hình phòng ngừa bạo lực tình dục. |
|
13:30 – 15:00 |
PHIÊN TOÀN THỂ 3 Cần phải thúc đẩy những cơ chế hợp tác nào giữa Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà tài trợ nhằm giải quyết một cách có hiệu quả bạo lực tình dục ở Việt Nam? |
|||
15:00-15:30 |
Bế mạc Bà Shoko Ishikawa, Đại diện UN Women tại Việt Nam Bà Hoàng Tú Anh, Đại diện Ban tổ chức |
|||
15:30-15:45 |
Giải lao |
|||
15:45-16:30 |
Họp báo về kết quả của Hội nghị |
|||
Thông tin 2: Các hoạt động bên lề Hội nghị 27-30/11/2016
- Hội thảo thanh niên ‘Bạo lực tình dục: chuyện không của riêng ai’, 27-28/11/2016, tại khách sạn Crowne Plaza: chương trình tập huấn với 30 lãnh đạo trẻ về nhận diện và ứng phó với bạo lực tình dục
- Hội thảo ‘Thể hiện về bạo lực tình dục trên báo chí Việt Nam: Góc nhìn đa chiều’, 28/11/2016 tại khách sạn Crowne Plaza: hội thảo với gần 50 nhà báo về bạo lực tình dục trong một số nhóm thiểu số và dễ bị tổn thương, thông tin cơ bản về đa dạng và một số lưu ý khi đưa tin về bạo lực tình dục trên các phương tiện truyền thông
- Photobooth “Ngừng phán xét” và “Bạn là một phần của giải pháp”: thể hiện cam kết của bạn trong phòng chống bạo lực tình dục bằng việc tham gia hoạt động chụp ảnh tại góc chụp ảnh của Hội nghị.
- Câu chuyện chia sẻ về bạo lực tình dục: 16 câu chuyện về những hình thức khác nhau của bạo lực tình dục được chính những người đã trải nghiệm về bạo lực tình dục chia sẻ trên website www.nomore.org.vn
Thông tin 3: Ban tổ chức Hội nghị
- Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS)
- Trung tâm Sáng kiến và Sức khỏe dân số (CCIHP)
- Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)
- Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI)
- Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE)
Thông tin 4: Lịch sử hình thành Hội nghị tình dục quốc gia thường niên
Hội nghị tình dục quốc gia thường niên được Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) khởi xướng từ năm 2010 với mục đích tạo một diễn đàn trao đổi các bài học từ kinh nghiệm thực tế và thảo luận học thuật trong các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam về tình dục và các vấn đề liên quan trong mối quan hệ với văn hóa và xã hội. Các thảo luận này sẽ là nền tảng giúp gợi mở các chủ đề nghiên cứu, tăng cường hiệu quả các chương trình can thiệp cũng như tiếng nói của các tổ chức xã hội dân sự trong tư vấn và thương thuyết với nhà nước và đóng góp vào phát triển xã hội. Chủ đề mỗi kì hội nghị được chọn dựa theo bối cảnh thực tế các vấn đề đang nổi lên trong thời gian các năm trước hội nghị.
Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2010 với chủ đề 'Tình dục trong không gian chuyển động" với sự tham gia của 150 hội thảo viên. Hội nghị lần 2 được tổ chức vào năm 2012 với chủ đề “Giáo dục giới tính: Nhốt hươu, đuổi, hươu hay vẽ đường cho hươu chạy” với sự tham gia của 250 người. Trong hội nghị lần 2, hội thảo chuyên đề đầu tiên về quyền tình dục của người khuyết tật cũng được tổ chức.
Hai kì hội nghị đã tổ chức cũng chứng kiến sự tham gia sôi động của cộng đồng LGBT, thanh niên, người nhập cư, người khuyết tật, người có HIV khiến các thảo luận trong hội nghị thực sự mang tính đa dạng và hoà nhập.