TIN TỨCTin CSAGA

Thông điệp của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với Bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) nhân ngày Gia đình Việt Nam.

27/06/2018 04:47:22 350
Là tổ chức thành viên và là thành viên trong Ban điều hành GBVNet, CSAGA luôn đồng hành và tích cực tham gia các hoạt động của GBVNet. Dưới đây là thông điệp chính thức của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với Bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) nhân ngày Gia đình Việt Nam.

Ngày Gia đình Việt Nam năm nay đến trong không khí đang dần nóng lên của phong trào #MeToo chống lại nạn quấy rối tình dục (QRTD) ở nhiều lĩnh vực: truyền thông, giải trí, học đường, công sở ... QRTD là một trong những dạng bạo lực giới nghiêm trọng và phổ biến nhất hiện nay trên thế giới và cả ở Việt Nam. Trong nghiên cứu của Actionaid năm 2015, có tới 87% trong số 2.000 phụ nữ và trẻ em gái tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được phỏng vấn cho biết đã từng bị QRTD trên các phương tiện giao thông hoặc các địa điểm công cộng. Cho dù nạn nhân của tệ trạng này chủ yếu là phụ nữ nhưng nam giới cũng không phải là ngoại lệ. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Truyền thông FOJO cách đây vài tuần với 247 nhà báo Việt Nam, 27% phóng viên nữ và 3% phóng viên nam cho biết đã từng bị QRTD.

QRTD là sự vi phạm những quyền căn bản nhất của con người – quyền sống, quyền được tự do thể hiện bản sắc, quyền được an toàn về thân thể và tôn trọng về nhân phẩm. QRTD có thể là ánh mắt dâm đãng, là lời gạ tình thô bỉ, trơ tráo, là những cử chỉ, hành vi khiếm nhã hay hành động cưỡng ép thô bạo khiến nạn nhân cảm thấy nhục nhã, uất ức, bất lực và sợ hãi. QRTD dẫn đến sự tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, công việc, hôn nhân và gia đình của nạn nhân trong nhiều năm tháng, thậm chí cả cuộc đời. Phần lớn những kẻ quấy rối là người quen của nạn nhân. Đó có thể là thầy giáo, là chủ lao động, là lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp hay thậm chí là người yêu, bạn đời. QRTD khiến mọi người luôn phải sống trong sự cảnh giác, nghi ngờ lẫn nhau, tạo ra bầu không khí bất an, thậm chí thù địch tại trường học, công sở, gia đình, trên phương tiện giao thông và những nơi công cộng.

Điều trớ trêu nhất là nạn nhân của QRTD lại thường bị đổ lỗi, bị nghi ngờ về đạo đức, tư cách. Bạn bè, đồng nghiệp xì xào, bàn tán, chê trách, thậm chí tẩy chay. Gia đình lẽ ra phải là nơi cảm thông, che chở thì lại có thể là nơi khiến nạn nhân trở nên bất hạnh hơn. Nhiều nạn nhân trẻ em và người lớn, trong đó phần lớn là trẻ em gái và phụ nữ bị đổ lỗi và lên án. Họ bị mẹ cha, người yêu, bạn đời thậm chí cả một cộng đồng mạng la mắng, sỉ vả, bạo hành, ruồng bỏ, vv. Đó là những lý do chủ yếu khiến phần lớn nạn nhân của QRTD im lặng. Nhiều người phải đơn độc chịu đựng trong thời gian dài, có người đành chấp nhận để học cho xong hoặc để không bị mất nguồn sống, nhưng cũng không ít người phải chuyển trường, chuyển nơi làm việc hoặc phải từ bỏ công việc mà mình yêu thích …Sự im lặng khiến cho những kẻ quấy rối yên tâm rằng chúng được phép làm như vậy hay chí ít là có thể làm như vậy mà không sợ bị trả giá.

Để tệ trạng này không còn tiếp diễn, những kẻ quấy rối phải bị lên án mạnh mẽ bởi dư luận xã hội và phải bị đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Những điều này, nói dễ mà thực hiện không dễ. Gia đình có vai trò quan trọng trong tiến trình còn nhiều gian truân và thách thức này. Gia đình hãy là nguồn an ủi, động viên trước nhất cho nạn nhân của QRTD, hãy khuyến khích họ lên tiếng và đồng hành với họ trên con đường đi tìm công lý. Đó cũng là thông điệp mà Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới ở Việt Nam xin gửi tới các gia đình nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6 năm nay. Gia đình Việt Nam - Tiếp lửa cho phong trào #MeToo.

#MeToo, #GBVNet#GiadinhVietNam#Quayroitinhduc#QRTD