TIN TỨCSự kiện mới nhất

Những tiếng kêu từ nạn bạo hành trong gia đình

12/07/2013 08:30:45 255
Thực trạng ly hôn ngày càng gia tăng trong xã hội ta hiện nay có một phần không nhỏ xuất phát từ nguyên nhân bạo hành trong gia đình. Bạo hành xuất hiện ở nhiều khía cạnh, nhiều góc độ khác nhau nhưng dù ở phương diện nào, nó cũng để lại những hậu quả khôn lường mà sự đổ vỡ hạnh phúc là hệ lụy đau thương nhất.

Bạo hành thể xác

Ở các vùng nông thôn, dù điện đã vào tận nhà, đường sá đã được bê tông hóa đến tận ngõ, tivi, đầu VCD, DVD được trang bị tận phòng ngủ; internet cũng đã vào đến từng thị trấn nhưng kèm theo đó là nạn "nhà nhà nấu rượu, người người uống rượu". Từ rượu, hạnh phúc gia đình cũng bắt đầu lung lay.

Chiều 30 Tết, cả làng Đại Lợi, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam ai cũng nháo nhào khi "trận chiến" nhà anh Nguyễn K. xảy ra. Sau khi ăn tất niên ở nhà bà con về, như "lệ thường" anh K. lại kiếm chuyện với vợ. Chỉ cần vợ cãi lại một tiếng là "chiến tranh" nổ ra, anh thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chị. Các con uất ức, bênh mẹ ra can ngăn và đã xảy ra xô xát giữa con và cha. Tức giận vì con không bênh mình, anh K. càng làm tới, thế là nồi niêu, xoong chảo bay cả ra đường...

Chỉ sau một trận "gia đình chiến", cả nhà anh K. xem như tan hoang. Nhìn gia đình người ta chiều 30 Tết êm đềm, đầm ấm là thế còn nhà mình thì tan tành như một bãi chiến, chị H. vợ anh K. chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, bởi chị cũng chẳng còn nước mắt để khóc khi chuyện tương tự xảy ra hầu như hằng tuần.

Chị tâm sự: "Hễ có rượu vào là anh ấy như điên dại. Đêm nào có rượu vào thì xem như đêm đó ba mẹ con tôi phải ôm mền ra sau hè ngồi vì về nhà là anh ta đuổi mẹ con tôi đi. Đợi đến khi anh ấy ngủ say, mấy mẹ con mới lò dò vào nhà ngủ".

Cảnh tượng này ở gia đình anh K. xảy ra thường xuyên đến nỗi gia đình, bạn bè, chính quyền địa phương đã nhiều lần can thiệp nhưng rồi đâm ra chán chê. Chị H. tâm sự thêm: "Đã nhiều lần tôi nghĩ đến chuyện ly hôn, nhưng ở quê chuyện ly hôn không hề đơn giản. Tôi một thân một mình làm sao nuôi nổi 2 con? Tôi khổ đã đành, chỉ tội cho 2 đứa con. Chúng cứ nhìn cảnh này hoài rồi không biết lý tưởng cuộc sống của nó sẽ như thế nào, tương lai chúng sẽ về đâu".

Không chỉ trường hợp cá biệt như gia đình anh K., chuyện bạo hành trong gia đình mà nguyên nhân gián tiếp từ rượu đang ngày càng gia tăng ở các vùng nông thôn. Sau ngày làm việc, người vợ tất bật với công việc nội trợ cho gia đình thì các ông chồng lại tụm năm tụm ba để... lai rai bởi theo các ông, nếu không lai rai thì chẳng biết làm gì, chẳng có gì để tiêu khiển (!)

Cứ thế, rượu dần dần "thấm” vào, tàn phá dần thể xác và tâm hồn của những người nông dân chất phác, và những ai vốn sẵn thói bạo hành thì quay về hành hạ, đánh đập vợ con, kéo theo nó là những hậu quả tương tự như gia đình anh K...

Bạo hành tinh thần

So với nông thôn, người dân thành thị có văn minh hơn và chuyện bạo hành thể xác trong gia đình ngày một ít đi. Tuy nhiên, nó lại xuất hiện dưới dạng khác: bạo hành tinh thần.

Tại Trung tâm tư vấn, gương mặt chị Phạm Lâm Minh N. ( KP.1, P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP HCM) không còn chút thần sắc, chị thẫn thờ kể về thói bạo hành của chồng mình. Anh và chị cưới nhau được 3 năm và đã có 1 mặt con, đều là dân trí thức nên cả hai căn ke từng lời nói. Những ngày đầu cả hai rất hạnh phúc nhưng sau khi có con, chị mới biết tính anh hay trăng hoa. Chị càng ghen anh càng lấn tới, thậm chí thách thức cả chị.

Và đau đớn hơn, sau những lần chị ghen, anh ấy lại quay ra đòi hỏi chuyện chăn gối một cách thái quá kể cả những lúc chị không thích và không được khỏe trong người. Chỉ cần chị phản kháng là anh vịn vào đó, bảo rằng chị không thương chồng, chồng yêu thương, âu yếm lại không chiều chồng, vậy thì anh có quyền đi lại với người khác và chị không được quyền ghen tuông. Sự áp bức như thế của chồng khiến chị ngày càng héo hon, rơi vào trầm cảm, thậm chí lãnh cảm với cả chuyện chăn gối vợ chồng...

Cũng đau khổ không kém trường hợp chị N. là trường hợp mẹ con chị Trần Thị L. (Q.Tân Bình, TP HCM). Chị vốn là người phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ chờ chồng kiếm tiền về, vì thế hầu như mọi chuyện từ bé đến lớn chồng chị đều là người quyết định. Mỗi khi chị tự ý quyết định một chuyện gì là anh cho rằng chị bắt đầu "qua mặt" chồng... Cứ thế, chị chẳng tự quyết định bất cứ việc gì trong gia đình từ bé đến lớn, phần vì sợ sai phạm, phần vì ngại chồng.

Thời gian gần đây, đứa con gái đầu lòng chuẩn bị thi tuyển sinh đại học, vốn gần con, chị hiểu tâm tư tình cảm của con và biết con rất thích thi vào ngành thiết kế thời trang. Tuy nhiên, chồng chị thì một mực bắt cháu phải thi vào y khoa, nếu thi trượt thì xách đồ ra khỏi nhà vì đã phụ công lao cha mẹ bao năm khó nhọc nuôi khôn lớn mà không làm được trò trống gì...

Từ sự áp đặt đó, cháu gần như rơi vào khủng hoảng khi phải vắt sức học để thi vào trường y trong khi niềm đam mê của cháu lại là ngành thiết kế thời trang. Nhìn vẻ mặt đau khổ của mẹ con chị N. tại trung tâm tư vấn, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Bạo hành trong gia đình xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, có thể từ tính gia trưởng của người chồng, sự nhu nhược của người vợ người mẹ, thói bạo lực... Bạo hành xuất hiện dưới nhiều cung bậc khác nhau, có khi người chồng rơi vào thói quen bạo hành nhưng không hề hay biết, đến khi tỉnh ra thì mọi sự đã muộn. Bạo hành là cơn sóng ngầm có sức tàn phá rất lớn hạnh phúc của mỗi gia đình, nó để lại rất nhiều hậu quả mà hậu quả dễ thấy nhất là hạnh phúc gia đình đổ vỡ, con cái lạc đường, sa vào những tệ nạn...

Tự nhìn lại mình để tầm soát thói bạo hành và luôn giữ gìn hạnh phúc của gia đình, tạo nên một gia đình bền vững là việc mà các ông bố, bà mẹ luôn nên cân nhắc, nhất là khi con trẻ đang ngày càng nhạy cảm với cuộc sống như hiện nay.

(Nguồn: Thanh Niên)