TIN TỨCSự kiện mới nhất

Những thành công từ mô hình phòng chống trừng phạt thân thể trẻ

11/07/2013 11:30:37 263
Hiện tượng trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em đang là vấn đề gây nhức nhối cho dư luận xã hội.

Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản pháp luật bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức trừng phạt thân thể và tinh thần(TPTT&TT): Công ước quốc tế Quyền trẻ em, Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hình sự, Luật Giáo dục… song quyền được bảo vệ về TT&TT của trẻ em Việt Nam đã và đang bị vi phạm tại gia đình và nhà trường. Những nghiên cứu từ năm 1999 – năm 2003 do Viện nghiên cứu Thanh niên, Trung tâm nghiên cứu của Đoàn thanh niên, Trung tâm Tư liệu thực hiện đã chỉ ra rằng có tới 90% trẻ em bị TPTT&TT. Cũng theo khảo sát ban đầu tại 3 Trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội vào năm 2004 do trung tâm CSAGA phối hợp với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Thuỵ Điển tiến hành, cho thấy trên 90% các bậc cha mẹ, thầy cô giáo có sử dụng roi vọt, đe doạ trong việc dạy dỗ trẻ em. Các hình thức trừng phạt rất đa dạng, trong đó có các hình thức thường gặp: bắt úp mặt vào tường, mắng trên lớp, véo tai, cốc đầu, ném thước kẻ vào người…. Với lỗi nặng thì học sinh nam phải sang làm vệ sinh tại nhà vệ sinh nữ trong giờ các bạn khác đang học, phạt đứng ở sân trường, cả lớp đứng phạt dưới trời mưa.

Thực tế cho thấy để luật pháp có thể bảo vệ tốt các quyền cơ bản của trẻ em cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương, từ khâu tuyên truyền phổ biến pháp luật đến khâu thực hiện và giám sát đánh giá. Ở Việt nam và trên thế giới, các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em đã nỗ lực thực hiện các chương trình để chấm dứt các hành vi vi phạm quyền được bảo vệ TT&TT của trẻ em. Để góp phần vào trong nỗ lực chung đó CSAGA và Tổ chức cứu trợ trẻ em Thuỵ Điển cùng thiết kế và triển khai mô hình “Phòng, chống trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em tại gia đình và nhà trường”. Và trong 4 năm thực hiện từ năm 2004 – 2008, Mô hình này đã đem lại những tác động đồng bộ tới nhận thức, thái độ hành vi của các đối tượng hưởng lợi trong dự án từ trẻ em đến giáo viên, đến cha mẹ học sinh, cộng đồng dân cư và dư luận xã hội:

Đối với trẻ em:

Kết quả của cuộc nghiên cứu trước khi thực hiện chương trình về thực trạng TPTT&TTTE đã cho thấy, trẻ em - chủ thể mang quyền chưa hiểu rõ và thiếu các kỹ năng để tự bảo vệ mình khỏi hành vi trừng phạt thân thể và tinh thần, các em chấp nhận các hình thức trừng phạt thân thể và tinh thần như một hình thức giáo dục. Sau 4 năm thực hiện chương trình, trẻ em tại trường Bồ Đề và trường Tân Trào đã: Ý thức rõ về quyền không bị TPTT&TT của mình, không chấp nhận các hình thức trừng phạt thân thể và tinh thần từ người lớn. Các em đã hiểu người lớn và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tôn trọng và đảm bảo quyền được bảo vệ khỏi các hình thức trừng phạt TT&TT.

Bước đầu các em đã lên tiếng yêu cầu người lớn đảm bảo quyền cho trẻ em, và mong muốn tất cả mọi trẻ em đều không phải chịu các hình thức trừng phạt thân thể và tinh thần. Các em đã mạnh dạn bày tỏ với người lớn những suy nghĩ, những mong muốn, để từ đó quyền bảo vệ của các em được thực hiện. Các em cũng dần biết cách tự bảo vệ mình trước những hành vi TPTT&TT của người lớn. Trong phạm vi nhỏ hơn, các học sinh thuộc nhóm nòng cốt, bên cạnh ý thức tự bảo vệ mình đã có ý thức và biết cách tuyên truyền vấn đề phòng, chống TPTT&TTTE cho các bạn khác.Việc tăng cường sự tham gia của các em trong hầu hết các hoạt động của chương trình đã nâng cao hiểu biết về quyền và rèn luyện các kỹ năng cho các em.

Về phía nhà trường:

Ban giám hiệu của các Trường đã đưa ra quy định nghiêm cấm các hành vi TPTT&TT học sinh trong nhà trường ngay từ năm đầu tiên thực hiện dự án. Điều này thể hiện sự thay đổi trong nhận thức và cam kết của nhà trường về vấn đề chống TPTT&TT học sinh.

Các giáo viên sau 4 năm hoạt động của chương trình đã không còn e ngại, né tránh vấn đề TPTT&TT nữa mà đã tích cực thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực: Hầu hết các lớp đã xây dựng nội quy lớp học có sự tham gia của học sinh. Các giáo viên đã thực sự nhìn nhận cần phải có thái độ mới đối với trẻ. Thay vì tập trung vào những sai sót của học sinh thì lại tập trung vào những điểm mạnh, những tiến bộ dù nhỏ của các em. Điều này cải thiện đáng kể cách đánh giá của giáo viên đối với học sinh, là tiền đề để giáo viên và học sinh có thể gần gũi, trao đổi với nhau, hạn chế trừng phạt học sinh. Hộp thư Điều em muốn nói và Chúc mừng sinh nhật, làm báo tường về “Cảm nghĩ của em với các thầy, cô”,….

Một thay đổi cũng dễ nhận thấy đó là cách thức giao tiếp, phương pháp điều hành các hoạt động tập thể của giáo viên. Nếu như trước kia, các giáo viên không mấy khi tin tưởng học sinh của mình có thể điều hành được các hoạt động tập thể, sáng tác kịch, diễn kịch, hay có thể có ý kiến trong xây dựng nội quy lớp học…. Song qua các hoạt động của chương trình, với việc tăng cường sự tham gia của học sinh trong hầu hết các hoạt động đã làm thay đổi cách đánh giá đó của giáo viên. Các giáo viên đã cải thiện đáng kể phương pháp làm việc với trẻ theo hướng cởi mở, cùng tham gia.

Đối với cộng đồng dân cư phường Bồ Đề.

Việc thay đổi không thể chỉ ngày một ngày hai. Song những hoạt động của chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ phường, cán bộ tổ dân phố nói riêng và nhân dân phường Bồ Đề nói chung về vấn đề quyền không bị TPTT&TT của trẻ em, và những biện pháp giáo dục thay thế.

Đặc biệt, các tổ trưởng dân phố đã dần thừa nhận không được phép trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em và trở thành những tuyên truyền viên tích cực tại địa bàn dân cư. Một tổ trưởng dân phố phát biểu: “Cảm nhận đây là chương trình đi vào chiều sâu. Qua tiếp xúc tôi hiểu ra nhiều. Trước đây tôi vẫn nghĩ có thể phết mấy cái vào mông nhưng đến đây tôi đã thấy như vậy là sai. Mong muốn chương trình được mở rộng sang hai trường còn lại của Bồ Đề. Giáo dục trẻ em thì hưởng lợi chính là gia đình sau đó đến xã hội”.

Những chương trình truyền thông trên loa phát thanh phường, các phương tiện truyền thông đại chúng, đã mang đến nhưng kiến thức bổ ích cho người dân về phòng, chống trừng phạt TT&TT trẻ em, góp phần tạo tiếng nói lên án những hành vi bạo lực với trẻ em.