TIN TỨCTin CSAGA
MỜI GỬI TÓM TẮT TRÌNH BÀY - HỘI NGHỊ QUỐC GIA LẦN 4 VỀ TÌNH DỤC, SỨC KHỎE, XÃ HỘI
HỘI NGHỊ QUỐC GIA LẦN 4 VỀ TÌNH DỤC, SỨC KHỎE VÀ XÃ HỘI
VÌ MỘT VIỆT NAM BÌNH YÊN:
Kết nối để xoá đi những khoảng trống trong phòng chống bạo lực tình dục
4-5/12/2019 tại Hà Nội, Việt Nam
MỜI GỬI TÓM TẮT TRÌNH BÀY
I. Bối cảnh
Kết quả khảo sát năm 2015 tại Việt Nam cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng. Một khảo sát khác chỉ ra 11% nữ học sinh phổ thông, 27% nữ nhà báo, 31% nữ sinh viên bị quấy rối tình dục hoặc xâm hại tình dục. Dù không có số liệu chính thức, bạo lực tình dục (BLTD) ở những nhóm yếu thế như phụ nữ ở tầng lớp xã hội thấp, khuyết tật, những người làm nghề mại dâm, LGBT v.v. chắc chắn là cao hơn nhiều. Một nghiên cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội năm 2014 cho thấy trong số những người bị bạo lực tình dục được phỏng vấn, chỉ có 1,9% nói rằng họ đã tìm kiếm hỗ trợ từ cơ quan chức năng, còn trong số những người đã chứng kiến phụ nữ bị quấy rối ở khu vực công cộng, 65% chia sẻ đã không thực hiện bất kỳ hành động hỗ trợ nào giúp nạn nhân.
Thiếu sót trong phát triển luật và thực thi pháp luật, thiếu các dịch vụ hỗ trợ và thiếu những nhận thức đầy đủ về vấn nạn này là những khoảng trống hiện nay đang ngăn cản việc phòng và thực thi công lý trong trường hợp bạo lực tình dục một cách hiệu quả. Rõ ràng việc phòng chống bạo lực tình dục cần sự chung tay của nhiều cấp, nhiều nghành, nhiều thành phần, nhiều lĩnh vực trong xã hội. Đây chính là tiền đề để việc “KẾT NỐI” và “XÓA ĐI KHOẢNG TRỐNG” được đặt là trọng tâm của Hội nghị quốc gia lần thứ 4 về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội. Với 4 phiên toàn thể và 8 phiên song song, Hội nghị năm nay nhằm:
- Nhìn nhận những khoảng trống trong pháp luật, thực thi pháp luật và dịch vụ phòng chống bạo lực tình dục;
- Chia sẻ kiến thức, bài học kinh nghiệm về phòng chống bạo lực tình dục;
- Xây dựng và cung cấp các khuyến nghị thiết thực cho các nhà làm chính sách, nhà quản lý, người cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội và giới truyền thông;
- Tạo diễn đàn đối thoại và hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức xã hội và các cơ quan hỗ trợ kĩ thuật và tài chính trong nước và quốc tế nhằm thu hẹp các khoảng trống được xác định.
II. Thông tin mời gửi bài
Ban Tổ chức Hội nghị trân trọng kính mời các cá nhân và tổ chức quan tâm gửi bài tham gia trình bày tại hội nghị. Các bài trình bày mong đợi bao gồm kết quả các nghiên cứu và đánh giá mô hình can thiệp hoặc chính sách về BLTD và các khuyến nghị dựa trên bằng chứng. Các chủ đề BLTD ưu tiên bao gồm:
- Quấy rối tình dục
- BLTD trong trường học
- BLTD với một số nhóm đặc thù (người cao tuổi, người di cư, người dân tộc thiểu số, LGBT, người khuyết tật, vv )
- BLTD trong gia đình
- đối với các nhóm dễ bị tổn thương (người có HIV, người sử dụng ma tuý, người lao động tình dục)
- BLTD trên mạng xã hội và truyền thông đại chúng
Với mỗi chủ đề, các vấn đề ưu tiên bao gồm:
- Thực trạng vấn đề
- Những khoảng trống trong văn bản và công tác thực thi pháp luật Việt Nam về bạo lực tình dục
- Những khoảng trống trong dịch vụ (xã hội, tâm lý, y tế, tư pháp,…)
- Các mô hình hợp tác: mô hình, kết quả, khó khăn, bài học kinh nghiệm
- Nguồn lực: các nguồn lực đang có và mô hình tài chính cho phòng và ứng phó với BLTD
III. Mẫu gửi bài tóm tắt
Bài trình bày tóm tắt không quá 500 từ (không kể tiêu đề và tên tác giả).
Định dạng file word .doc hoặc .docx, Font chữ Times New Roman, cỡ chữ 12, tiếng Việt có dấu.
Cấu trúc theo mẫu sau:
- Tiêu đề
- Tên tác giả và đồng tác giả
- Thông tin liên hệ: cơ quan/tổ chức, email cá nhân , điện thoại di động của tác giả thứ nhất hoặc người dự kiến trình bày
- Tóm tắt (không quá 500 từ):
- Vấn đề/bối cảnh (70-100 từ)
- Phương pháp thực hiện (nghiên cứu, mô hình can thiệp): 70-100 từ
- Các kết quả chính: 150-200 từ
- Khuyến nghị: 70-100 từ
Địa chỉ gửi bài: hoinghitinhduc4@gmail.com
Hạn gửi bài: 20/10/2019
IV. Khung thời gian dự kiến
20/10: Hạn chót để gửi tóm tắt
10/11: Thông báo về các bài trình bày được lựa chọn
17/11: Xác nhận của các diễn giả và hoàn thiện các chương trình
25/11: Gửi bản tóm tắt cuối cùng và bài trình bày (powerpoint) cho ban tổ chức hội nghị để upload lên hệ thống và đưa vào Kỷ yếu hội nghị
4-5/12: Hội nghị
V. Các đơn vị tham gia tổ chức Hội nghị
Ban tổ chức
- Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP)
- Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS)
- Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)
- Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI)
- Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (Light)
- Trung tâm nghiên cứu phát triển Y tế cộng đồng (CCRD)
- Trung tâm Hành động vì Phát triển Cộng đồng (ACDC)
Mạng lưới hỗ trợ
- Mạng phòng chống bạo lực trên cơ sở giới Việt Nam (GBVNet)
- Liên minh hành động vì công bằng sức khỏe (PAHE)
- Mạng lưới người di cư (Mnet)
Đơn vị tài trợ
- Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI)
- Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (Light)
- Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng Giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women)
- Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam
- Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới
- Tổ chức COC Neitherland
- Trung tâm Châu Á – Thái Bình Dương về Nghiên cứu Phụ nữ (ARROW)
Lịch sử của Hội nghị quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội
Hội nghị quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội được khởi xướng từ năm 2010, là một sáng kiến chung giữa Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP).
Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 10/2010 với chủ đề “Tình dục trong không gian chuyển động” thu hút sự tham gia của 150 hội thảo viên. Hội nghị lần thứ hai được tổ chức vào tháng 8/2012 với chủ đề “Giáo dục giới tính: Nhốt hươu, đuổi, hươu hay vẽ đường cho hươu chạy” thu hút sự tham gia của 250 người. Hội nghị lần thứ ba được tổ chức tháng 11/2016 với chủ đề “Nạn nhân hay tội nhân: Những rào cản văn hoá và thể chế trong giải quyết bạo lực tình dục ở Việt Nam” thu hút sự tham gia của 260 người. Hội thảo chuyên đề đầu tiên về quyền tình dục của người khuyết tật được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị lần thứ hai. Trong cả ba kỳ hội nghị đều có sự tham gia sôi động của cộng đồng LGBTQ, thanh niên, người di cư, người có HIV.
UNODC (2015) Tọa đàm “Tiếp cận Công lý cho Phụ nữ bị bạo lực tình dục ở Việt Nam” https://www.unodc.org/southeastasiaandpacific/en/vietnam/2015/12/sexual-violence/story.html
Khảo sát của UNFPA tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
https://tuoitre.vn/27-nu-nha-bao-bi-quay-roi-tinh-duc-20181205112129489.htm
Bài phát biểu của Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phụ trách văn phòng UNFPA tại Tòa đàm về Bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái https://vietnam.unfpa.org/