TIN TỨCSự kiện mới nhất
Khó xác định hành vi mua bán người trong xuất khẩu lao động
Người lao động khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nên đến các trung tâm, doanh nghiệp có uy tín để bảo đảm tốt nhất
Đóng cửa thị trường?
Theo báo cáo khảo sát thực trạng và nhu cầu của người lao động trở về từ nước ngoài do tổ chức phi Chính phủ Csaga tiến hành trong vòng ba năm trở lại đây (2009-2012) tại ba huyện Phủ Cừ ( Hưng Yên); Kim Bảng (Hà Nam) và Vũ Thư (Thái Bình), nạn nhân mua bán người vì mục đích bóc lột lao động đang trở nên khá phổ biến, song lại chưa được công nhận theo quy định của Việt Nam.
Tỷ lệ lao động trở thành nạn nhân mua bán người tại Lybia là cao nhất 44%, Đài Loan-TQ ( 34,11%) và Nhật Bản là 31,58%. Tỷ lệ người lao động trở thành nạn nhân mua bán người khi xuất khẩu lao động, chủ yếu là nhóm trình độ học vấn thấp (chiếm 43,75%).
Cũng theo khảo sát này, nhiều người xuất khẩu lao động thông qua “cò” và môi giới tư nhân mà không giao dịch trực tiếp với công ty được phép hoạt động. Do đó họ phải trả chi phí cao hơn thực tế, chi phí bên ngoài (không có trong quy định), không có hóa đơn chứng từ. Tiền lương, công việc, điều kiện sống và làm việc khác với quy định trong hợp đồng. Hợp đồng dài, nội dung khó hiểu mà không được giải thích, thậm chí hợp đồng bằng tiếng nước ngoài, người lao động chỉ được ký trước lúc xuất phát hoặc một đến hai ngày trước chuyến bay. Có những lao động không được đào tạo nghề và các kiến thức di cư an toàn, thị thực không hợp pháp (thị thực du lịch), hay không có thị thực.
Bà Nguyễn Thị Văn (Csaga) cho rằng, “đã có hành vi có dấu hiệu mua bán người vì mục đích bóc lột lao động trong quá trình làm việc sinh sống ở nước ngoài như tịch thu hộ chiếu và giấy tờ tùy thân, bị ép làm việc quá thời gian, quá sức mà không được trả lương, bị phân biệt đối xử và bạo lực thể xác, tinh thần…”
Và khi người lao động trở về nước, nhiều người không được thanh lý hợp đồng, bồi thường, hoàn trả tiền đặt cọc…Nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, tình hình tài chính thậm chí còn tồi tệ hơn trước khi đi xuất khẩu lao động.
Một trong những khuyến nghị mà Csaga đưa ra là các cơ quan quản lý nhà nước cần xử lý nghiêm minh những cá nhân, công ty tuyển dụng, môi giới không đúng pháp luật quy định; vận động hành lang cho việc thừa nhận nạn nhân buôn bán người vì mục đích bóc lột lao động..
Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước- Bộ LĐTBXH cho rằng, nếu cứ theo báo cáo này, “có lẽ Việt Nam phải đóng cửa thị trường xuất khẩu lao động mất”.
Hiện Việt Nam có trên 500.000 người lao động đang làm việc trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với trên 35 ngành nghề khác nhau. Mỗi người lao động khi đi xuất khẩu đều có đến ba hợp đồng (một hợp đồng lao động và hai hợp đồng kinh tế). Khi người lao động gặp vấn đề khó khăn, có thể gửi khiếu nại đến Cục Quản lý lao động ngoài nước. Nếu không giải quyết được họ có thể khởi kiện ra Tòa Kinh tế hoặc Tòa Lao động, tùy từng trường hợp.
“Tôi cho rằng những con số thống kê trong bảng khảo sát chưa mang tính đại diện. Tôi nghĩ tình trạng sai phạm, nợ lương … có thể người trong trường hợp lao động của chúng ta đi dạng tự do mà thôi, vì bất cứ công ty, doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài đều phải đăng ký qua Cục Quản lý lao động ngoài nước”, ông Hải nói.
Theo đại diện UNIAP- một dự án phòng chống buôn bán người thuộc Liên hiệp quốc- mục đích của cuộc khảo sát này là làm trong sạch thị trường lao động chứ không phải là để đóng cửa. Có thể bắt đầu đi là người lao động tự nguyện nhưng đều qua công ty làm hợp đồng lao động. Hầu như người lao động trở về không còn giữ được giấy tờ gì cả, lấy gì gửi đến cơ quan quản lý nhà nước để cáo kiện.
Bà Nguyễn Thị Văn – (Csaga) cho rằng, gần 350 người được trả lời phỏng vấn đều là những người lao động nước ngoài trở về trong ba năm trở lại đây, 55 người được phỏng vấn sâu. Dù nếu có đi theo con đường tự do, cuối cùng cũng phải qua công ty vì họ lấy đâu ra hợp đồng, lấy đâu ra quota để mà đưa lao động đi?
“Luật xuất nhập cảnh cho phép mọi công dân có visa, hộ chiếu là có thể đi nước ngoài. Chính kẽ hở pháp luật này mà chúng tôi hiện không kiểm soát được lượng lao động di cư bất hợp pháp.” Trần Anh Thư – Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) khẳng định.
Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thành lập tám ban quản lý người Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm quyền lợi cho họ. Ngoài ra còn có đường dây nóng để tiếp nhận yêu cầu, khiếu nại của các cá nhân, tổ chức.
Tự ký, tự chịu
Ông Trần Huy Liệu - Quyền Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, Luật Phòng chống mua bán người đã gần như nội địa hóa hoàn toàn Nghị định thư về buôn bán người. Hiện Bộ Công an đang soạn thảo văn bản xác định “thế nào bị coi là nạn nhân của buôn bán người”
“Đi xuất khẩu lao động là hoàn toàn tự nguyện, nếu dùng visa du lịch mà ở lại, rõ ràng là bất hợp pháp. Họ tự nguyện đi, tự nguyện ký vào hợp đồng, mà bảo là không biết thì chịu (!)”, ông Liệu nói.
Cũng theo một số đại biểu, tình trạng các công ty môi giới đưa người lao động đi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không đủ cấu thành tội danh “buôn bán người”.Nếu không đặt khảo sát, nghiên cứu trên nền tảng của pháp luật Việt Nam ( Luật Phòng chống mua bán người, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) thì các khuyến nghị, vận động trở nên khập khiễng. Thực tế khảo sát mới chỉ ở phạm vi nhỏ hẹp, chưa mang tính tổng quát để có thể đưa ra những khuyến nghị hợp lý. Tuy nhiên đây cũng là một góc thực tế của hoạt động di cư lao động tại Việt Nam thời gian qua.
Ông Trần Danh Hữu - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cho rằng, dù là lừa đảo hay buôn bán người thì thực trạng người lao động đi xuất khẩu gặp nhiều cảnh khốn cùng đã xảy ra rồi. Điều mà chúng tôi cần là cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp xử lý.
Chủ tịch xã Minh Tân, huyện Phủ Cừ, Hưng Yên cũng lên tiếng khẳng định, đối với người lao động có thu nhập thấp, nghèo khổ, nếu được đi lao động nước ngoài họ sẽ đi bằng mọi cách. Dù là đi đúng hợp đồng, về đúng hợp đồng cũng gặp phải những vấn đề mà nhóm nghiên cứu đưa ra.
Theo đại diện Viện Khoa học xét xử (TANTC), người lao động đi nước ngoài chủ yếu là người có trình độ thấp. Đúng là họ tự nguyện đi lao động ở nước ngoài nhưng chủ yếu là do bị dụ dỗ bằng nhiều cách thức. Vấn đề là họ cần được tuyên truyền phố biến, trợ giúp pháp lý để hiểu và lựa chọn con đường lao động an toàn, hợp pháp.
HƯƠNG NGUYÊN
Theo www.baomoi.com