TIN TỨCSự kiện mới nhất
Định kiến về giới - Nguyên nhân của bạo lực với phụ nữ
25/11 là ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Ở Việt Nam chiến dịch này sẽ được kéo dài gần một tháng để đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò và trách nhiệm của nam giới trong vấn đề này. Vấn đề đặt ra là tại sao đời sống ngày càng cao hơn nhưng việc bạo lực với phụ nữ và các trẻ em gái vẫn không giảm, chưa nói nhiều vụ việc xảy ra thương tâm hơn. Tại sao lại như vậy? Nguyên do nào dẫn tới bạo lực với phụ nữ và trẻ em?
Ông Phạm Ngọc Tiến và ông Arthur Erken tại Sự kiện & Bình luận sáng 23/11. (Ảnh: VTV Online)
Trả lời câu hỏi này trong chương trình Sự kiện & Bình luận sáng ngày 23/11, ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – nói: “Nguyên nhân sâu xa của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chính là những định kiến về giới. Với truyền thống Á Đông, người đàn ông được coi là trụ cột trong gia đình, phải làm ra kinh tế và chính điều này tạo ra áp lực cho bản thân của chính những người đàn ông. Áp lực này cũng ảnh hưởng tới hành vi của người người đàn ông”.
Trước câu hỏi tại sao khi dân trí ngày càng cao thì những vụ bạo lực lại có vẻ như ngày càng thương tâm hơn, ông Tiến cho rằng: “Nói về vấn đề dân trí thì chúng ta nên hiểu theo từng khu vực và từng vùng miền, không phải tất cả đều phát triển đồng đều như nhau. Ngay cả ở những khu vực cận thành thị vẫn có những vùng trũng về dân trí. Mức độ dân trí khác nhau dẫn tới mức độ về bạo lực khác nhau”.
Ông Phạm Ngọc Tiến cũng cho biết thêm rằng từ sau năm 2010 chưa có những đánh giá hay các cuộc khảo sát nào về vấn đề bạo lực nên không thể đưa ra con số chính xác về vấn đề bạo lực ở Việt Nam tăng hay giảm. Tuy nhiên, “do các phương tiện truyền thông ngày nay phát triển hơn, các vụ bạo lực được phản ánh nhiều hơn và mọi người được tiếp cận với thông tin nhiều hơn nên tạo ra cảm giác những vụ bạo lực tăng hơn trước”.
Mặc dù vậy, ông khẳng định: “Ở vị trí người quản lý chúng tôi luôn muốn cần phải có những cuộc khảo sát, đánh giá mang tính chất thường xuyên và tiến tới phải xây dựng một cơ sở dữ liệu để chúng ta có thể cập nhật được tất cả những vụ việc như thế này”.
Khách mời thứ hai của chương trình – ông Arthur Erken, Trưởng đại diện quỹ dân số liên hiệp quốc, UNFPA tại Việt Nam – cũng đồng quan điểm với ông Phạm Ngọc Tiến. Ông cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em chính là những bất công trong cách đối xử giữa nam giới và nữ giới.
“Nguyên nhân lớn nhất là những bất công về quyền lực giữa nam giới và nữ giới, có những bất công trong đối xử giữa nam giới và nữ giới” – ông Arthur nói – “Khi phụ nữ được giáo dục tốt hơn, khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong gia đình và xã hội khiến nam giới cảm thấy mình bị lép vế. Họ nghĩ họ phải hơn phụ nữ và từ suy nghĩ này đã dẫn tới tình trạng bạo lực và tình trạng này xảy ra ở nhiều quốc gia”.
Ông Arther cũng cho biết một con số đáng phải suy ngẫm về thực trạng bạo lực xảy ra với phụ nữ, đó là 1/3 phụ nữ đã từng kết hôn đều đã từng phải trải qua một hình thức bạo lực nào đó. Theo ông, tình trạng bạo lực ở Việt Nam có tỷ lệ khá cao, tuy nhiên, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất đang gặp phải vấn đề này.
Nói về chiến dịch Quỹ dân số liên hiệp quốc, UNFPA tại Việt Nam đang tiến hành để giảm thiểu tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, ông Arther nói: “Chủ đề chiến dịch của chúng tôi là nam giới phải tích cực nói không với bạo lực. Chúng ta phải để nam giới nhận thức ra một điều là bạo lực không phải cách giải quyết vấn đề. Bạo lực hay không là do sự lựa chọn của chúng ta”.
Theo vtv.vn