TIN TỨCTin CSAGA

CSAGA TÌM KIẾM CHUYÊN GIA CỨU TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI LIỆU

17/04/2023 02:52:27 48

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Vị trí ứng tuyển: Chuyên gia về lĩnh vực cứu trợ/xử lý khủng hoảng tham gia phát triển Tài liệu Hướng dẫn Lồng ghép giới trong xây dựng chính sách ứng phó đối với các đại dịch: Bài học kinh nghiệm từ COVID-19

1. Bối cảnh chung

Từ cuối năm 2019, đại dịch COVID xuất hiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Sự dịch chuyển và biến động không ngừng của thế giới đang ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống sinh hoạt của con người, từ cách tổ chức cuộc sống, thói quen di chuyển, cách giao tiếp và làm việc tới cách giải quyết các xung đột trong mối quan hệ gia đình và quan hệ giới.

Có thể nói, chưa khi nào các nguồn lực xã hội, đặc biệt là hệ thống y tế công cộng, các dịch vụ công và dịch vụ tư lại được huy động tối đa cho công tác phòng ngừa và ứng phó với những ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh như hiện nay. Với Việt Nam, chúng ta cũng luôn phải đối mặt với những rủi ro và hậu quả nặng nề do thiên tai, khó khăn trong ứng phó khẩn cấp và tái thiết cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, có những tình huống sẽ là nhiều dạng rủi ro và khủng hoảng cùng diễn ra đồng thời.

Bối cảnh đặc biệt đó cũng có thể:

  • Gia tăng các căng thẳng, xung đột và các yếu tố nguy cơ bạo lực trong gia đình
  • Tăng cường các nguy cơ bị quấy rối và xâm hại tình dục - vấn đề đang bị né tránh hoặc giữ im lặng tại môi trường làm việc, trường học hay tại các không gian công cộng
  • Gia tăng các rào cản cho việc tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và hỗ trợ người bị bạo lực giới xuất phát từ việc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và tập trung cho phòng dịch
  • Gián đoạn việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu hoặc phát sinh thêm các dịch vụ khẩn cấp hỗ trợ người bị bạo lực

Mặc dù Việt Nam kiếm soát dịch hiệu quả hơn nhiều quốc gia khác nhưng dịch vẫn tác động nghiêm trọng đến mọi khía cạnh đời sống của tất cả các nhóm xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (UN, 2020). Theo kết quả báo cáo “Đánh giá nhanh các chương trình tái thiết cứu trợ của nhà nước ứng phó với Đại dịch Covid-19 từ khía cạnh giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương” (CSAGA và OXFAM, 2021), các chương trình cứu trợ của Chính phủ được ban hành trong thời gian qua khá kịp thời, đa dạng và bao phủ được nhiều nhóm kể cả các nhóm vốn ít được hỗ trợ trước đây, tuy nhiên các chương trình này đã bộc lộ một số khoảng trống về giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như: (i) Không có các quy định hay hướng dẫn cụ thể về những biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng giới căn cứ vào những tác động khác biệt của đại dịch COVID-19 tới nam giới, phụ nữ và các giới khác. Do vậy, chưa có các chính sách/chương trình cụ thể giải quyết sự gia tăng của bạo lực giới, nhất là bạo lực gia đình trong thời kỳ COVID-19; (ii) Các chính sách chưa đề cập đến và chưa có các hướng dẫn nhằm đáp ứng một số nhu cầu đặc thù của phụ nữ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản; (iii) Các chính sách và hướng dẫn học trực tuyến giúp hạn chế gián đoạn học tập của trẻ em nhưng lại làm tăng gánh nặng chăm sóc cho phụ nữ; (iv) Một số nhóm dễ bị tổn thương khó tiếp cận với các chính sách cứu trợ của chính phủ một cách bình đẳng đó là các nhóm lao động bị hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, nhóm lao động trong khu vực phi chính thức và đặc biệt là các nhóm ngoài lề như nhóm lao động tình dục.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), tổ chức Oxfam tại Việt Nam và mạng lưới GBVNet đã xây dựng 01 bộ Tài liệu về Hướng dẫn Lồng ghép giới trong xây dựng chính sách ứng phó đối với các đại dịch: Bài học kinh nghiệm từ COVID-19 nhằm giới thiệu đến các tổ chức, cá nhân thuộc các cấp ngành có liên quan của nhà nước, khối tư nhân tham khảo và áp dụng kỹ thuật lồng ghép giới trong tiến trình xây dựng chính sách ứng phó với COVID- 19. Chính sách được nêu trong tài liệu này không nhất thiết phải là các chính sách của các cơ quan xây dựng chính sách của nhà nước từ trung ương mà có thể là chính sách của bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức ở bất kỳ cấp nào. Trong tương lai, Bộ tài liệu sẽ được CSAGA và Oxfam  trực tiếp giới thiệu  và  hướng dẫn thực hành lồng ghép giới trong xây dựng chính sách ứng phó với các khủng hoảng/tình huống khẩn cấp tương tự tại một số ngành, địa phương cụ thể nên CSAGA có nhu cầu nâng cấp, phát triển chi tiết nội dung Bộ tài liệu. Để thực hiện được hoạt động này, CSAGA đang tìm kiếm 01 chuyên gia về lĩnh vực ứng phó và cứu trợ khẩn cấp để phối hợp làm việc với CSAGA và các nhóm chuyên gia khác với những thông tin như dưới đây.

2. Mục đích

Nâng cấp, phát triển chi tiết Bộ tài liệu Hướng dẫn Lồng ghép giới trong xây dựng chính sách ứng phó với khủng hoảng/tình huống khẩn cấp tương tự (các dịch bệnh/đại dịch) đảm bảo các hướng dẫn có lồng ghép vấn đề giới trong các bước của quá trình xây dựng chính sách, tương ứng với 3 giai đoạn của quy trình ứng phó với khủng hoảng: chuẩn bị/phòng ngừa, ứng phó và phục hồi.

3. Đầu ra dự kiến

01 bộ Tài liệu về Hướng dẫn Lồng ghép giới trong xây dựng chính sách ứng phó đối với các đại dịch: Bài học kinh nghiệm từ COVID-19 được phát triển chi tiết với các  yêu cầu sau:

  • Có các hướng dẫn cụ thể về nội dung, công cụ phân tích giới và lồng ghép giới  trong từng bước của quy trình xây dựng chính sách ứng phó với đại dịch.
  • Xây dựng các công cụ cụ thể  hướng dẫn thu thập thông tin và phân tích giới,lồng ghép giới trong từng bước xây dựng chính sách  như Bảng kiểm thông tin, Mẫu thu thập thông tin, Mẫu báo cáo nhanh…..
  • Bộtài liệu được phát triển và hoàn thành trước 31/7/2023.

​​​4. Ngân sách

Theo chất lượng kiến thức và kinh nghiệm tương ứng của tư vấn liên quan đến mô tả công việc nêu trên và thỏa thuận giữa hai bên trên cơ sở khung định mức về phí tư vấn được Oxfam tại Việt Nam phê duyệt

5. Nhiệm vụ của Tư vấn và yêu cầu chuyên môn

  • Rà soát, nghiên cứu Bộ tài liệu Hướng dẫn Lồng ghép giới trong xây dựng chính sách ứng phó với đại dịch
  • Xây dựng quy trình cứu trợ chi tiết ứng phó với khủng hoảng:  chuẩn bị/ phòng ngừa, ứng phó, và phục hồi.
  • Phối hợp chặt chẽ với chuyên gia giới, Oxfam và CSAGA để xây dựng bộ công cụ hướng dẫn lồng ghép giới trong quy trình cứu trợ ứng phó với khủng hoảng.

6. Yêu cầu chất lượng

Ứng viên đạt yêu cầu dự tuyển cần đảm bảo các tiêu chí sau:

  • Có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành Phát triển, Cứu trợ nhân đạo… hoặc các ngành liên quan
  • Có tối thiểu 7 năm kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực phát triển, đặc biệt là lĩnh vực về ứng phó và cứu trợ khẩn cấp, về Giới, Bạo lực giới, Quyền phụ nữ…
  • Hiểu biết về quyền và các chính sách liên quan tới các nhóm dễ bị tổn thương
  • Hiểu biết về khối các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và vai trò của các tổ chức trong cung cấp dịch vụ cho các nhóm dễ bị tổn thương, phản biện và giám sát chính sách
  • Có kinh nghiệm trong  thực hành đánh giá  và báo cáo nhanh trong bối cảnh khẩn cấp
  • Có kinh nghiệm và kỹ năng nghiên cứu chính sách cứu trợ và đối phó với khủng hoảng/tình huống khẩn cấp do dịch bệnh, thiên tai.
  • Có kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm, phối hợp với CSAGA và các nhóm chuyên gia khác để nâng cấp tài liệu.
  • Có kỹ năng viết tốt

Những ứng viên quan tâm xin gửi CV về địa chỉ sau trước 20/5/2023

Trần Vũ Bảo Ngân - Trợ lý dự án CSAGA

Địa chỉ: Nhà 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: baongan@csaga.org.vn