TIN TỨCSự kiện mới nhất
Cảm nhận về phiên tòa xét xử vụ án liên quan tới cái chết của chị Lại Thị Mai (TP Phủ Lý - Hà Nam)
Ngày 16/2/2009 vừa qua nhóm tình nguyện viên của chúng tôi bao gồm: Cán bộ của CSAGA, 3 luật sư: Ngân Giang, Văn Tú và Chu Vân; phóng viên của đài tiếng nói Việt Nam, đài truyền hình Việt Nam và một số phóng viên của các báo khác đã cùng về Tòa án Nhân dân thành phố Phủ Lý, Hà Nam tham dự phiên toà.
Khi đoàn xe của chúng tôi tiến vào khuôn viên Tòa án, điều ấn tượng ngay với chúng tôi đó là có rất nhiều người dân xã Châu Sơn đã có mặt tại Tòa. Căn phòng xử án với khoảng 100m2 đã chật ních bà con. Không có chỗ ngồi, họ sẵn lòng ngồi cả xuống đất. Với những bà con đến muộn không vào được phòng xử án, họ ngồi kín các cửa ra vào, ngồi cả ngoài sân. Họ đến với mong muốn được xem Tòa xử vụ này ra sao. Tất cả họ đều mong muốn có được công bằng thực sự cho chị Mai và hai đứa bé con chị. Họ bàn bạc về vụ việc, về kết quả của phiên tòa ngày hôm nay. Tất cả mọi sự chú ý không phải dành cho bị cáo- người trực tiếp gây ra cái chết của chị Mai mà vào người chồng- người cha vô lương tâm đang ngồi rất bình thản trong phòng xử án. Họ mong muốn con người đó phải chịu sự trừng phạt của pháp luật vì suy cho cùng, mọi chuyện đều từ phía người đàn ông đó mà ra.
Hình ảnh người dân tại phiên toà - - - - Không có chỗ phải đứng ở ngoài
Đại diện bảo vệ cho chị Mai và gia đình tại Tòa là 3 luật sư trong nhóm tình nguyện. Đó là Luật sư Lê Thị Ngân Giang- đoàn luật sư Hà Nội, Luật sư Nguyễn Văn Tú- Văn phòng Luật Khánh Hưng và Luật sư Chu Thị Vân- Văn phòng Luật Chu Vân. Họ hoàn toàn tự nguyện nhận hỗ trợ và bảo vệ cho quyền lợi của người bị hại và gia đình mà không yêu cầu bất cứ một khoản kinh phí nào từ phía gia đình nạn nhân. Ở họ chỉ có một tấm lòng và một điều mong mỏi khát khao là làm sao có thể hỗ trợ và giúp đỡ cho những người bị bạo lực một cách hiệu quả nhất.
Bắt đầu nhận vụ án từ tháng 12/2009 qua sự giới thiệu của CSAGA, các luật sư đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu những tình tiết xung quanh vụ án. CSAGA và đoàn luật sư cũng đã có một chuyến công tác về làm việc tại Phủ Lý vào tháng 1/2009 nhằm tìm hiểu thêm những thông tin về vụ án. Qua đó, các luật sư nhận ra rằng, các cơ quan điều tra đã bỏ lọt rất nhiều tình tiết trong vụ án này và việc truy cứu chị Hưng với tội danh “Cố ý gây thương” là chưa đủ. Các luật sư cũng nhận định rằng, trong vụ án này, không phải chỉ có Hưng mới bị trừng phạt mà Chu Thắng Huế- chồng nạn nhân và Chu Văn Thao- em chồng nạn nhân cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chính vì vậy, trước phiên tòa, các luật sư đã làm việc miệt mài, nghiên cứu tỉ mỉ từng hồ sơ, từng tình tiết, thảo luận và thông nhất nhiệm vụ của từng luật sư trong phiên tòa cũng như cáo buộc những tội danh cho những người liên quan. Cụ thể:
- Luật sư Chu Vân: Phân tích làm nổi bật hành vi gây rối trật tự công cộng của Huế và Thao đồng thời kiến nghị Tòa án khởi tố hai vị này về tội gây rối trật tự công cộng;
- Luật sư Ngân Giang phân tích làm nổi bật hành vi cưỡng đoạt tài sản của Huế và Thao và đề nghị Tòa án khởi tố hai người này về tội Cưỡng đoạt tài sản;
- Luật sư Nguyễn Văn Tú thực hiện việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chị Mai tại phiên tòa xét xử chị Hưng về hành vi cố ý gây thương tích.
Đoàn luật sư ( từ trái qua phải: Ls Ngân Giang, Văn Tú, Chu Vân)
Tại phiên tòa, các luật sư đã cùng nhau tranh luận với đại diện của viện kiểm sát, đưa ra những bằng chứng, những lý lẽ vô cùng thuyết phúc và đanh thép nhằm bảo vệ cho những luận cứ của mình. Các phần trình bày của các luật sư chốc chốc lại bị ngắt quãng bởi những tiếng hò reo, những lời đồng tình và những tràng pháo tay không ngớt của người dân trong và ngoài vòng xử án. Có thể nói, những gì mà các luật sư trình bày chính là những tiếng lòng của người nhà nạn nhân Lại Thị Mai và bà con chòm xóm.
Không chỉ có những luật sư tình nguyện viên, phiên tòa còn gây sự chú ý tới rất nhiều các phóng viên của các báo đài. Với những phóng viên của VOV, VTV là những người theo vụ này ngay từ đầu, chúng tôi còn nhận thấy rất nhiều phóng viên của các báo như Vietnamnet, Dân trí, Tuổi trẻ, Tiền phong, An ninh thủ đô, An ninh thế giới, Pháp luật và xã hội, Nông thôn ngày nay đến đưa tin bài về vụ việc. Các phóng viên tranh thủ tác nghiệp ở mọi nơi, không có chỗ ngồi họ cũng sẵn lòng ngồi xuống đất viết tin bài. Đoàn phóng viên của chuyên mục “Người xây tổ ấm”- VTV do nhà báo Kim Ngân dẫn đầu còn tranh thủ buổi trưa về ghi hình tại nhà nạn nhân, bỏ cả bữa cơm trưa. Một số phóng viên báo mạng tranh thủ viết bài ngay tại tòa để kịp đẩy thông tin lên mạng. Tất cả đều làm việc khẩn trương và đầy trách nhiệm.
Rất nhiều phóng viên cũng có mặt tại phiên toà
Phần được mong đợi nhiều nhất trong phiên tòa là phần tuyên án của Tòa án nhân dân thành phố Phủ Lý. Bản án dành cho bị cáo Chu Thị Hưng với mức án 5 năm 6 tháng tù giam, phải bồi thường 49triệu cho gia đình chị Mai và phải có trách nhiệm hàng tháng chu cấp cho hai cháu con chị Mai 600.000 cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Còn Huế và Thao do không có đủ chứng cứ sẽ không phải chịu trách nhiệm với những tội danh mà các luật sư cáo buộc. Bản án cũng như kết quả của phiên tòa đã không nhận được sự đồng tình từ phía gia đình chị Mai, đông đảo người dân tham dự phiên tòa cũng như những phóng viên báo chí. Họ đều cho rằng đó là một kết quả không công bằng và còn bỏ sót người sót tội. Theo anh Tiến, anh trai nạn nhân, gia đình sẽ tiếp tục theo kiện cho tới khi những kẻ có tội thật sự phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Tuy kết quả không được như mong đợi nhưng từ phía gia đình nạn nhân nói riêng và người dân nói chung, họ đã cảm thấy an ủi phần nào. Nhưng giờ đây, chứng kiến phiên tòa, chứng kiến sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía các luật sư tình nguyện, chứng kiến sự tham gia đông đảo của các phương tiện truyền thông và CSAGA, họ biết rằng từ nay họ đã có một địa chỉ tin cậy để có thể yêu cầu hỗ trợ.
Trở về Hà Nội, trong chúng tôi vẫn văng vẳng tiếng nói và hình ảnh của người dân, của gia đình người bị hại, của người cha già- người đã ra tận cửa xe tiễn chúng tôi, của người mẹ khóc ròng vì mất con và đặc biệt là của hai đứa trẻ ngây thơ tội nghiệp từ nay sống không có mẹ. Cả đoàn không ai bảo ai, ai nấy đều có suy nghĩ phải theo vụ này đến cùng. Phải tiếp tục hỗ trợ nhau nhằm đòi lại công bằng thật sự cho chị Mai và hai đứa trẻ. Và điều to lớn hơn cả, chúng tôi sẽ luôn tiếp tục cùng nhau đấu tranh đẩy lùi nạn bạo lực gia đình để những việc đau lòng như thế sẽ không tiếp tục diễn ra nữa.