TIN TỨCTuyển dụng
TUYỂN DỤNG NHÓM NGHIÊN CỨU
ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
Dự án: “Hỗ trợ các tổ chức xã hội ứng phó với COVID-19 ”
Tên gói thầu: Đánh giá nhanh về các chương trình tái thiết và cứu trợ của chính phủ ứng phó COVID-19 trong bối cảnh đại dịch nhằm nêu bật những điểm sáng và những khoảng trống liên quan đến nhạy cảm giới và bảo vệ quyền cho các nhóm thiệt thòi.
1. Bối cảnh chung
Năm 2020 là một năm đặc biệt với toàn thế giới bởi những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID - 19 trên mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Sự dịch chuyển và biến động không ngừng của thế giới đang ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống sinh hoạt của con người, từ cách tổ chức cuộc sống, thói quen di chuyển, cách giao tiếp và làm việc tới cách giải quyết các xung đột trong mối quan hệ gia đình và quan hệ giới.
Có thể nói, chưa khi nào các nguồn lực xã hội, đặc biệt là hệ thống y tế công cộng, các dịch vụ công và dịch vụ tư lại được huy động tối đa cho công tác phòng ngừa và ứng phó với những ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh như hiện nay. Với Việt Nam, chúng ta lại tiếp tục đối mặt với những hậu quả nặng nề do thiên tai, khó khăn trong ứng phó khẩn cấp và tái thiết cuộc sống của người dân vùng bão lũ.
Bối cảnh đặc biệt đó cũng có thể:
- Gia tăng các căng thẳng, xung đột và các yếu tố nguy cơ bạo lực trong gia đình
- Tăng cường các nguy cơ bị quấy rối và xâm hại tình dục - vấn đề đang bị né tránh hoặc giữ im lặng tại môi trường làm việc, trường học hay tại các không gian công cộng
- Gia tăng các rào cản cho việc tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và hỗ trợ người bị bạo lực giới xuất phát từ việc gián cách xã hội, hạn chế đi lại và tập trung cho phòng dịch
- Gián đoạn việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu hoặc phát sinh thêm các dịch vụ khẩn cấp hỗ trợ người bị bạo lực
Năm 2020 cũng được đánh giá là năm đặc biệt với các tình huống phát sinh chưa được dự đoán và chuẩn bị trước với con người nói chung và nhất là với những nhóm người dễ tổn thương trong xã hội như phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi bạo lực giới, các nhóm phụ nữ di cư, người khuyết tật hay các nhóm thiểu số tình dục. Kết quả điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ 2019 đã chỉ ra: gần 63% phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời, 32%phụ nữ đã bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục trong đời. Số lượng các cuộc tư vấn đề Bạo lực giới tới đường dây hotline của CSAGA quý 1 năm 2020 tăng gấp đôi quý 4 năm 2019. Theo báo cáo của Ngôi nhà Bình yên, số phụ nữ tiếp cận các dịch vụ của nhà tạm lánh trong năm 2020 cũng tăng gấp đôi so với 2019.
Bối cảnh đặc thù do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thiên tai đã đòi hỏi các ứng phó khẩn cấp và sự dịch chuyển trong hành động của Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế, các tổ chức phát triển, các gia đình và mọi cá nhân nhằm bảo vệ các Quyền con người cơ bản của các nhóm dễ tổn thương trong xã hội. Các nỗ lực trong phòng ngừa bạo lực giới và thúc đẩy cơ hội tiếp cận dịch vụ thiết yếu của người bị bạo lực cần tiếp tục được chung sức và cam kết bởi Chính phủ, các tổ chức trong nước, quốc tế và các cá nhân tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên và các đối tác cùng thực hiện dự án “Hỗ trợ các tổ chức xã hội ứng phó với COVID-19 ” trong thời gian 02 năm với sự hỗ trợ tài chính từ Oxfam.
Hoạt động đánh giá: “Đánh giá nhanh về các chương trình tái thiết và cứu trợ của chính phủ ứng phó COVID-19 trong bối cảnh đại dịch nhằm nêu bật những điểm sáng và những khoảng trống liên quan đến nhạy cảm giới và bảo vệ quyền cho các nhóm thiệt thòi” nằm trong khuôn khổ dự án với mục đích tổng quan một bức tranh chung về những điểm sáng và những khoảng cách liên quan đến nhạy cảm giới và thúc đẩy đảm bảo quyền của các nhóm thiệt thòi trong các chương trình ứng phó COVID-19 của chính phủ.
2. Mục tiêu cụ thể
- Phân tích những điểm sáng và những khoảng trống trong các chương trình ứng phó và tái thiết ảnh hưởng bởi COVID-19 của chính phủ liên quan đến nhạy cảm giới và bảo vệ quyền của các nhóm dễ tổn thương trong xã hội đặc biệt là phụ nữ và trẻ em
- Đề xuất các khuyến nghị cho việc cải thiện chính sách nhằm đảm bảo nhạy cảm giới và bảo vệ quyền của các nhóm dễ tổn thương trong xã hội trong các chương trình ứng phó và tái thiết ảnh hưởng bởi COVID-19 của chỉnh phủ
- Đề xuất các chiến lược cốt lõi nhằm thúc đẩy sự tham gia của CSOs và đại diện các nhóm dễ tổn thương trong xã hội trong các chương trình ứng phó và tái thiết ảnh hưởng bởi COVID-19 của chính phủ.
3. Đầu ra dự kiến
- 01 khung nghiên cứu thể hiện rõ phương pháp, đối tượng nghiên cứu, các chủ đề nghiên cứu nhằm đạt được các mục tiêu đề cập ở mục 2.
- 01 bộ công cụ nghiên cứu dựa trên các phương pháp nghiên cứu được đề xuất
- 01 báo cáo nghiên cứu đầy đủ (tiếng Anh và tiếng Việt);
- 01 báo cáo tóm tắt không quá 3 trang (cả tiếng Anh và tiếng Việt)
4. Phương pháp đánh giá
a. Phương pháp đánh giá
Các phương pháp nghiên cứu cụ thể sẽ do nhóm nghiên cứu đề xuất nhằm đạt được mục tiêu đánh giá. Gợi ý các phương pháp đánh giá như rà soát chính sách Ứng phó và Phục hồi ảnh hưởng bởi COVID-19 của chính phủ và các tài liệu/báo cáo có liên quan. Các phỏng vấn sâu với đại diện các nhà xây dựng chính sách, thực thi pháp luật, cơ quan quản lý và giám sát thực thi chính sách, các chuyên gia về giới và các nhà thực hành phát triển trong nước và quốc tế có thể được sử dụng trong đánh giá.
b. Địa bàn đánh giá:
Địa bàn đánh giá cụ thể sẽ do nhóm nghiên cứu đề xuất nhằm đạt được mục tiêu đánh giá.
c. Thời gian thực hiện:
Từ 24/12/2020 đến 30/2/2021. Kế hoạch triển khai cụ thể Chuyên gia tư vấn đề xuất. CSAGA điều phối thực hiện.
5. Nhiệm vụ của nhóm Nghiên cứu và yêu cầu chất lượng
a. Yêu cầu với nhóm tư vấn
Ứng viên đạt yêu cầu dự tuyển cần đảm bảo các tiêu chí sau:
- Nhóm tư vấn ít nhất 02 người, tốt nghiệp thạc sỹ trở lên chuyên ngành Giới và Phát triển, chính sách công.
- Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu các lĩnh vực phát triển, đặc biệt là nghiên cứu chính sách công, nghiên cứu các chủ đề về Giới, Bạo lực giới và quyền phụ nữ
- Có kinh nghiệm và kỹ năng nghiên cứu chính sách và chính sách giới
- Hiểu biết về quyền và các chính sách liên quan tới các nhóm dễ tổn thương
- Có hiểu biết về khối các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và vai trò của các tổ chức trong cung cấp dịch vụ cho các nhóm thiệt thòi, phản biện và giám sát chính sách.
- Trưởng nhóm nghiên cứu có kinh nghiệm triển khai các nghiên cứu độc lập về các vấn đề Giới, Chính sách công và các vấn đề xã hội.
- Có kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm
- Sử dụng thành thạo tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng viết và trình bày báo cáo nghiên cứu
b. Nhiệm vụ nhóm tư vấn
Stt |
Nhiệm vụ chính |
Kết quả dự kiến |
Thời gian dự kiến hoàn thành |
0 |
Nghiên cứu tài liệu, điểm luận tài liệu (Desk review) |
|
Tuần 4/tháng 12 |
1 |
Xây dựng Khung nghiên cứu (dựa trên kết quả từ bước trên)
|
01 khung nghiên cứu thể hiện rõ quy mô nghiên cứu, phương pháp, đối tượng nghiên cứu, các chủ đề nghiên cứu nhằm đạt được các mục tiêu đề cập ở mục 2 |
Tuần 4/tháng 12 |
2 |
Xây dựng, thử nghiệm và hoàn thiện công cụ nghiên cứu (Lưu ý: Bước thử nghiệm sẽ cần tham vấn góp ý từ các đối tác cùng thực hiện dự án khác như Oxfam, IPS, CEPEW, HRS về các chuẩn mực quyền riêng tư, quyền để đảm bảo tính liên kết trong các hoạt động dự án) |
01 bộ công cụ nghiên cứu dựa trên các phương pháp nghiên cứu được đề xuất
|
Tuần 1-2 tháng 1/2021 |
3 |
Thu thập thông tin bao gồm thông tin thứ cấp và thông tin thực địa nếu cần |
|
Tuần 3-4 tháng 1/2021 |
5 |
Phân tích dữ liệu |
01 bộ văn bản các chương trình chính sách ứng phó COVID-19 của chính phủ và các dữ liệu thứ cấp và/hoặc thực địa |
Tuần 1-2 tháng 2 |
6 |
Outline báo cáo với các kết quả chính với các bên liên quan, CSAGA và Oxfam |
Báo cáo phân tích sơ lược |
Tuần 3 tháng 2 |
7 |
Viết báo cáo chi tiết bằng tiếng Việt |
Các phát hiện chính được ghi nhận trong bản thảo báo cáo được gửi cho CSAGA và Oxfam góp ý
|
Tuần 3 tháng 2 |
8 |
Hoàn thiện báo cáo tiếng Việt và Anh và tóm tắt báo cáo |
01 Báo cáo đầy đủ được hoàn thiện với sự góp ý của CSAGA và các đối tác 01 báo cáo tóm tắt không quá 3 trang |
Tuần 4 tháng 2/2021 |
6. Thủ tục chọn thầu:
Đây là gói thầu tuyển dụng đánh giá độc lập, có tính cạnh tranh cao nên ứng viên có số điểm cao nhất sẽ được lựa chọn để thảo luận chi tiết kế hoạch thực hiện và thương thảo tài chính với ban quản lý dự án.
# |
Nội dung |
Thời gian |
1 |
Thời hạn nộp thầu |
Từ 11/12 đến 21/12/2020 |
2 |
Đánh giá và lựa chọn gói thầu |
Từ ngày 21/12 đến 23/12/2020 |
3 |
Thông báo kết quả |
Ngày 23/12/2020 |
4 |
Triển khai trên thực tế |
Từ ngày 24/12/2020 đến 30/2/2021 |
Những ứng viên quan tâm xin gửi hồ sơ năng lực, kế hoạch khảo sát và ngân sách đề xuất trên cơ sở nhiệm vụ tham chiếu về địa chỉ sau:
Trần Thanh Hà – Quản lý dự án CSAGA
Địa chỉ: Nhà 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: hatran@csaga.org.vn