TIN TỨCTin CSAGA

LỄ TRAO GIẢI CUỘC THI VIẾT “VẺ ĐẸP CỦA SỰ ĐA DẠNG” VÀ GIỚI THIỆU TUYỂN TẬP TRUYỆN KÝ “MÀU CỦA GIÓ”

20/11/2023 09:04:39 69

LỄ TRAO GIẢI CUỘC THI VIẾT “VẺ ĐẸP CỦA SỰ ĐA DẠNG” VÀ GIỚI THIỆU TUYỂN TẬP TRUYỆN KÝ “MÀU CỦA GIÓ”

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2023. Tối ngày 18/11/2023, tại Hà Nội, Lễ trao giải cuộc thi viết “Vẻ đẹp của sự đa dạng” đã được tổ chức với sự hiện diện của các tác giả tham gia cuộc thi, các nhà văn, đại diện các tổ chức hoạt động với sứ mệnh thúc đẩy bình giới và hướng tới cuộc sống hạnh phúc cho cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam, đại diện cộng đồng và đông đảo người quan tâm. Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức, nhằm vinh danh các tác giả đãtham gia cuộc thi, đồng thời chính thức giới thiệu tuyển tập truyện ký Màu của gió – tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của cuộc thi. Đây là lần thứ 2 CSAGA tổ chức cuộc thi viết về chủ đề cuộc sống, câu chuyện của những người thuộc cộng đồng LGBT+ và xuất bản tuyển tập các tác phẩm xuất sắc để giới thiệu tới đông đảo công chúng.

Tiếp nối thành công của cuộc thi viết “Cầu vồng sáu sắc” được tổ chức năm 2013, tháng 6 năm 2023 vừa qua, CSAGA đã chính thức phát động cuộc thi viết “Vẻ đẹp của sự đa dạng”, kêu gọi và khuyến khích sự tham gia của cả nhóm người viết chuyên nghiệp và không chuyên viết về những câu chuyện có thật của cộng đồng LGBT+. Đây là lần thứ hai trung tâm CSAGA tổ chức cuộc thi viết về chủ đề cuộc sống, câu chuyện của cộng đồng LGBTIQ+. Cuộc thi kêu gọi các tác phẩm truyện ký viết về câu chuyện của những nhân vật có thật trong cộng đồng LGBTI+. Đó có thể là vẻ đẹp, thành công trong cuộc sống, khát vọng được yêu thương, được tôn trọng của cộng đồng LGBTI+. Đó cũng có thể là những câu chuyện chưa bao giờ được kể, những góc khuất chưa được thấu hiểu và sẻ chia. Đó cũng có thể những nỗi đau khổ khi trải qua kỳ thị, bạo lực, ngăn cấm. Sau gần 3 tháng phát động và kêu gọi các tác phẩm, cuộc thi đã nhận được gần 200 bài dự thi tới từ các tác giả chuyên và không chuyên trên khắp 35 tỉnh thành, và cả các tác giả là người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài. Trải qua 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo với toàn bộ quy trình chấm ẩn danh tác giả, 7 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi đã được lựa chọn và vinh danh trong buổi lễ trao giải. Bên cạnh các tác giả tham gia trực tiếptại sự kiện, buổi lễ cũng vinh dự chào đón sự góp mặt từ xa qua nền tảng Zoom của rất nhiều tác giả và cộng đồng quan tâm.

Buổi lễ không chỉ là dịp để vinh danh các tác phẩm, tác giải đạt giải trong cuộc thi, mà đồng thời cũng là cơ hội để tri ân đóng góp của những cây bút chuyên và không chuyên đã cùng góp chữ, góp những câu chuyện, những cảm xúc, sự quan tâm và tình yêu thương dành cho cộng đồng LGBTIQ+. Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA khẳng định: “CSAGA đã và vẫn đang tiếp tục sát cánh cùng tất cả những ai quan tâm tới quyền của cộng đồng LGBTIQ+, để thúc đẩy sự hiện diện, truyền cảm hứng yêu thương, tôn trọng và chia sẻ với mọi sắc màu đa dạng giới và tính dục… Sự tham gia tích cực của mọi thành viên trong cuộc thi này là một minh chứng cho mối quan tâm của chúng ta, sự nỗ lực của chúng ta vì một môi trường trong đó không có bạo lực và kỳ thị”.


Sau cuộc thi, tuyển tập truyện ký mang tên “Màu của gió” cũng chính thức được xuất bản và giới thiệu tới cộng đồng. Tuyển tập tập hợp 31 tác phẩm tiêu biểu của cuộc thi. “Ấm áp, xúc động, đôi khi bật khóc là những cảm xúc bạn sẽ gặp khi đọc cuốn sách này - tập hợp những truyện ký xuất sắc nhất cuộc thi Vẻ đẹp của sự đa dạng… Những tác phẩm tham dự cuộc thi lần này mang tới cho công chúng một góc nhìn khác, mới mẻ và ngập tràn nhân văn về cộng đồng LGBTI+ với một thông điệp xuyên suốt: Cuộc sống muôn màu, khi bạn tin vào hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ tới” – nhà văn Đỗ Bích Thuý – giám khảo vòng chung khảo của cuộc thi chia sẻ.

Mỗi câu chuyện là một lát cắt về đời sống của những người trong cộng đồng LGBTIQ+. Thành công của cuộc thi không chỉ dừng lại ở số lượng tác phẩm gửi về, mà hơn hết là những xúc động, là cảm giác ấm lòng, là sự xót xa hay cả những nguồn cảm hứng mới mà mỗi người khi đọc các tác phẩm sẽ chạm tới và lưu giữ lại cho mình. “Cuốn sách này không chỉ là cuốn sách dành cho cộng đồng LGBTI+, rộng hơn, đó là một cuốn sách dành cho những ai luôn đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như "Tôi là ai", "Liệu tôi có thể sống như chính mình không che giấu", "Liệu tôi có thể sống như chính mình và được yêu như chính mình", "Liệu thế giới có chỗ cho tôi?". Và như thế có nghĩa là, cuốn sách này là cuốn sách dành cho tất cả” – nhận định của nhà văn Nguyễn Hiền Trang – Giám khảo cuộc thi.
 

Một số trích đoạn hay và xúc động trong các tác phẩm
1. Lúc đó, người chưa hiểu đồng tính là gì như tôi thì liên tục hỏi nội.
“Sao hai người đó yêu nhau vậy nội? Đàn ông mà?”
“Đàn ông thì sao con, kệ người ta.”
“Nhưng mà nó kì cục.”
“Kì cục chỗ nào hả Quỳnh? Con muốn yêu ai cũng được, miễn là người đó làm con
hạnh phúc và vui vẻ thì không có gì kì cục hết”.

Con có bê đê không, -Nguyễn Hồng Thục-


2. Đúng lúc mọi người hối hả chuẩn bị lấy máu để tiếp cho bệnh nhân đang trong cơn
nguy kịch thì cậu sinh viên đột nhiên xin phép được gặp riêng bác sĩ điều trị và bố mẹ
bệnh nhân ít phút. Trong sự ngạc nhiên của mọi người, chúng tôi đi vào phòng.
Cậu sinh viên đợi tất cả ngồi vào ghế, hít một hơi thở sâu, cậu nói rất khẽ:

- Có điều này trước khi hiến máu cháu cần phải nói với bác sĩ và hai bác đây biết,
cháu là người đồng tính ạ.

Quyền lựa chọn, -Trần Thị Tú Ngọc-

3. Rồi tôi chở Hai xuống chùa Hang. Chiếc váy tung bay trong gió. Tôi biết Hai vui, vui
lắm. Vì Hai từng kể, sau lần mặc váy con Út bị cha đánh, Hai chưa từng dám chạm tới
thêm một lần nào. Hai phấn khích như đứa trẻ, mặc dù đeo khẩu trang che đi nhưng
đôi mắt cong cong hằn những nếp nhăn cho tôi biết Hai vui.

Dịu Dàng Cuối Đời -Phan Thúy Quỳnh-