TIN TỨCTin CSAGA

GIẢI CHẠY CHẠY VÌ MỘT VIỆT NAM KHÔNG CÓ BẠO LỰC VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI 2023

04/12/2023 05:44:10 114

Hà Nội, ngày 3/12/2023: Gần 1700 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham Giải chạy “Vì một Việt Nam không có Bạo lực với Phụ nữ và Trẻ em gái” năm 2023 xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội để hưởng ứng thông điệp: KHÔNG CHẤP NHẬN tất cả các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, dù là bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục hay bạo lực xảy ra trên không gian mạng.

Đây là năm thứ hai giải chạy được đồng tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác với Chính phủ Australia. Giải chạy là một hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của Việt Nam, diễn ra từ ngày 15 tháng Mười Một đến ngày 15
tháng Mười Hai. Sự kiện này cũng nằm trong chiến dịch 16 ngày hoạt động chống bạo lực trên cơ sở giới hàng năm, diễn ra từ Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ vào ngày 25 tháng 11 kéo dài đến Ngày Quốc tế Nhân quyền vào ngày 10 tháng 12. Cùng với các cơ quan LHQ khác tại Việt Nam, UNFPA Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao nhận thức và vận động để thay đổi. Đã đến lúc chúng ta phải hành động để chấm dứt tất cả các hình thức bạo lực và thực hành có hại, chẳng hạn như tảo hôn, bạo lực trên không gian mạng, bạo lực bởi bạn tình và hiếp dâm trong hôn nhân.

Trong bài phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA cho biết: "Tôi và các bạn đều tin rằng, ánh sáng sẽ đẩy lùi bóng tối, niềm vui sẽ xoa dịu nỗi đau và nụ cười sẽ lau khô dòng nước mắt. Cùng với UNFPA Việt Nam đưa giải chạy này quay trở lại lần thứ 2 với quy mô rộng rãi hơn, chúng tôi mong muốn tình thương yêu được lan tỏa, không có phụ nữ và trẻ em nào đáng phải chịu bạo lực giới. Một xã hội nhiều tình thương yêu, sự tôn trọng là một xã hội có nhiều năng lượng tích cực để phát triển lành mạnh và bền vững";


Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể xảy ra ở khắp mọi nơi: trong nhà, trường học, nơi làm việc, công viên, phương tiện giao thông công cộng, nhà thi đấu thể thao và cả môi trường trực tuyến. Bạo lực trên cơ sở giới được coi là một vấn đề vi phạm quyền con người dai dẳng, có tính tàn phá nhưng lại vẫn còn bị xem nhẹ trên thế giới. Trên toàn cầu có gần 1 trong 5 phụ nữ đã trải qua bạo lực thể chất hoặc tình dục - bao gồm cả xâm hại trực tuyến, bởi chồng/ bạn tình hiện tại hoặc trong quá khứ trong vòng một năm trở lại. 85% phụ nữ trên toàn cầu đã chứng kiến bạo lực trên không gian mạng xảy ra đối với một phụ nữ khác, và 38% phụ nữ đã trải qua bạo lực trên không gian mạng.

Tại Việt Nam, kết quả của Điều tra quốc gia lần thứ 2 về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy 63% phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi 15-64 cho biết họ đã trải qua một số hình thức bạo lực ít nhất một lần trong đời bởi chồng hoặc bạn tình. Hơn nữa, một nửa số phụ nữ bị bạo lực giữ im lặng và hơn 90% người bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào. Phụ nữ khuyết tật, thanh thiếu niên, thành viên cộng đồng LGBTQI+ và người dân tộc thiểu số là những đối tượng có nhiều nguy cơ bị xâm hại hoặc quấy rối hoặc bị lạm dụng hình ảnh trực tuyến.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết "Giảichạy ngày hôm nay cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của chúng ta trong việc chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới, trong cả thế giới thực và trên không gian mạng. Hôm nay, chúng ta hãy cùng nói: KHÔNG! KHÔNG CHẤP NHẬN bất cứ lý do nào cho bạo lực! Mọi người đều có quyền tự chủ về cơ thể và quyền được tiếp cận bình đẳng với sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Vì mục tiêu chung của chúng ta là tất cả phụ nữ, trẻ em gái và thanh niên đều có thể có một cuộc sống không có bạo lực.”
Phó Đại sứ Australia Mark Tattersall nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc: "Sáng nay chúng tôi gửi một thông điệp từ trái tim Hà Nội đến tất cả người dân Việt Nam: bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là không bao giờ chấp nhận được. Chúng tôi ở đây để hỗ trợ những người bị bạo lực và những người chứng kiến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, những người chọn không giữ im lặng. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm của tất cả mọi người".

Với khẩu hiệu "Chấm dứt im lặng là chấm dứt bạo lực” (Break The Silence, Stop The Violence), các vận động viên đã chia sẻ hàng trăm thông điệp truyền cảm hứng đến những người bị bạo lực giới và thúc đẩy họ lên tiếng, chia sẻ câu chuyện của họ và kêu gọi thay đổi. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Chúng ta có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng này bằng cách đoàn kết và mạnh mẽ tuyên bố: “KHÔNG CHẤP NHẬN bất cứ lý do nào cho bạo lực”.

Hãy cùng nhìn lại một vài hình ảnh nổi bật của Giải chạy: