TIN TỨCTuyển dụng

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIỀU TUYỂN DỤNG CHUYÊN GIA VỀ GIỚI VÀ TRUYỀN THÔNG

19/03/2021 02:11:28 129

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

 

Dự án: “Hỗ trợ các tổ chức Xã hội Dân sự ứng phó với COVID-19”

Vị trí ứng tuyển: Chuyên gia về Giới và Truyền thông

Hoạt động: Xây dựng mô hình can thiệp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực giới tại cộng đồng trong và sau đại dịch COVID-19

 

1. Bối cảnh chung

Năm 2020 là một năm đặc biệt với toàn thế giới bởi những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID - 19 trên mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Sự dịch chuyển và biến động không ngừng của thế giới đang ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống sinh hoạt của con người, từ cách tổ chức cuộc sống, thói quen di chuyển, cách giao tiếp và làm việc tới cách giải quyết các xung đột trong mối quan hệ gia đình và quan hệ giới.

Có thể nói, chưa khi nào các nguồn lực xã hội, đặc biệt là hệ thống y tế công cộng, các dịch vụ công và dịch vụ tư lại được huy động tối đa cho công tác phòng ngừa và ứng phó với những ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh như hiện nay. Với Việt Nam, chúng ta lại tiếp tục đối mặt với những hậu quả nặng nề do thiên tai, khó khăn trong ứng phó khẩn cấp và tái thiết cuộc sống của người dân vùng bão lũ.

Bối cảnh đặc biệt đó cũng có thể:0

  • Gia tăng các căng thẳng, xung đột và các yếu tố nguy cơ bạo lực trong gia đình
  • Tăng cường các nguy cơ bị quấy rối và xâm hại tình dục - vấn đề đang bị né tránh hoặc giữ im lặng tại môi trường làm việc, trường học hay tại các không gian công cộng
  • Gia tăng các rào cản cho việc tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và hỗ trợ người bị bạo lực giới xuất phát từ việc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và tập trung cho phòng dịch
  • Gián đoạn việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu hoặc phát sinh thêm các dịch vụ khẩn cấp hỗ trợ người bị bạo lực

Năm 2020 cũng được đánh giá là năm đặc biệt với các tình huống phát sinh chưa được dự đoán và chuẩn bị trước với con người nói chung và nhất là với những nhóm người dễ tổn thương trong xã hội như phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi bạo lực giới, các nhóm phụ nữ di cư, người khuyết tật hay các nhóm thiểu số tình dục. Kết quả điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ 2019 đã chỉ ra: gần 63% phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời, 32%phụ nữ đã bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục trong đời. Số lượng các cuộc tư vấn đề Bạo lực giới tới đường dây hotline của CSAGA quý 1 năm 2020 tăng gấp đôi quý 4 năm 2019. Theo báo cáo của Ngôi nhà Bình yên, số phụ nữ tiếp cận các dịch vụ của nhà tạm lánh trong năm 2020 cũng tăng gấp đôi so với 2019.

Theo kết quả báo cáo đánh giá về tính sẵn có và khả năng tiếp cận dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới (CARE và CSAGA, 2020) người dân, đặc biệt là phụ nữ tại cộng đồng thiếu thông tin về các dịch vụ hỗ trợ và không biết cách đến tìm kiếm sự trợ giúp khi bị bạo lực: khoảng 10% người tham gia khảo sát biết tới Ngôi nhà Bình yên; 17% người trả lời khảo sát biết đến địa chỉ tư vấn tâm lý và 35% ý kiến cho rằng họ biết dịch vụ trợ giúp pháp lý và thông tin pháp luật khi bị bạo lực. Kết quả rà soát cũng chỉ ra: 3 dịch vụ mà đại diện phụ nữ trong cộng đồng cho rằng đó là các dịch vụ cần thiết nhất đối với phụ nữ khi bị bạo lực là (1) địa chỉ tin cậy để trình báo sự viêc với tỉ lệ gần 72% ý kiến, chăm sóc y tế và nơi tạm lánh tại cộng đồng với tỉ lệ ý kiến khoảng 47%. Tiếp đến là dịch vụ tư vấn tâm lý với khoảng 42% ý kiến từ người tham gia.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và các đối tác thực hiện dự án “Hỗ trợ các tổ chức Xã hội Dân sự ứng phó với COVID-19”.

Hoạt động “Xây dựng mô hình can thiệp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực giới tại cộng đồng trong và sau đại dịch” nằm trong khuôn khổ dự án với mục đích: (i) Tăng cường sự sẵn có và khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực giới và các nhóm dễ bị tổn thương khác trong cộng đồng trong và sau đại dịch COVID-19; (ii) Tăng cường năng lực của các cán bộ cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng các dịch vụ thiết yếu. Để triển khai hoạt động này, dự án cần tuyển dụng 2 chuyên gia thực hiện xây dựng đề xuất mô hình với kế hoạch và ngân sách rõ ràng.

 

2. Mục đích

Xây dựng mô hình hiệu quả nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực giới tại cộng đồng trong và sau đại dịch. Mục đích của mô hình nhằm:

  • Nâng cao năng lực cho các cán bộ cung cấp dịch vụ là cán bộ y tế, công an, nhân viên xã hội, cán bộ hỗ trợ pháp lý và chính quyền địa phương trong việc xác định, hỗ trợ và theo dõi các trường hợp bạo lực giới trong bối cảnh dịch bệnh
  • Tăng cường cơ chế hợp tác giữa các dịch vụ thiết yếu từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn
  • Tăng cường sự tiếp cận thông tin và đối xử bình đẳng tới các nhóm dễ bị tổn thương trong cộng đồng.

 

3. Đầu ra dự kiến

01 bản kế hoạch đề xuất các hoạt động cụ thể cần triển khai kèm ngân sách dự kiến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực giới tại cộng đồng trong và sau dịch bệnh. Bản kế hoạch nên bao gồm các hợp phần nâng cao năng lực cho cán bộ cung cấp dịch vụ tại địa phương và hợp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khi bị bạo lực. Mỗi hợp phần cần thể hiện rõ các kỹ năng và kiến thức cụ thể cần được cải thiện của cán bộ cung cấp dịch vụ, các hoạt động truyền thông có tính tương tác và phù hợp với bối cảnh địa phương.

 

4. Thời gian thực hiện

3 ngày làm việc cho mỗi tư vấn từ 07/04/2021 đến 30/04/2021.

 

5. Định mức

Theo chất lượng CV và thỏa thuận giữa hai bên

 

6. Yêu cầu chất lượng

Ứng viên đạt yêu cầu dự tuyển cần đảm bảo các tiêu chí sau:

  • Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Giới và Phát triển hoặc các ngành liên quan
  • Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực phát triển, đặc biệt là lĩnh vực về Giới, Bạo lực giới, Quyền phụ nữ và cộng đồng thiểu số tình dục LGBTIQ
  • Hiểu biết về các dịch vụ thiết yếu tới nhóm dễ bị tổn thương
  • Có kinh nghiệm xây dựng các mô hình can thiệp tại cộng đồng và thực thi các mô hình có nhạy cảm giới và lồng ghép giới
  • Có kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm
  • Có kỹ năng viết, lập kế hoạch và đào tạo

 

7. Thủ tục chọn thầu

Đây là gói thầu tuyển dụng đánh giá độc lập, có tính cạnh tranh cao nên ứng viên có số điểm cao nhất sẽ được lựa chọn để thảo luận chi tiết kế hoạch thực hiện và thương thảo tài chính với ban quản lý dự án.

 

#

Nội dung

Thời gian

1

Thời hạn nộp thầu

Từ 20/03 đến 27/03/2021

2

Đánh giá và lựa chọn gói thầu

Từ 28/03 đến 5/04/2021

3

Thông báo kết quả

6/04/2021

4

Triển khai trên thực tế

Từ 7/4 đến 30/04/2021

 

Những ứng viên quan tâm xin gửi hồ sơ năng lực, kế hoạch khảo sát và ngân sách đề xuất trên cơ sở nhiệm vụ tham chiếu về địa chỉ sau:

Đặng Minh Nguyệt – Cán bộ dự án CSAGA      

Địa chỉ: Nhà 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: nguyetdang@csaga.org.vn