TIN TỨCTuyển dụng

CSAGA TUYỂN CHUYÊN GIA VỀ GIỚI XÂY DỰNG BỘ CÔNG CỤ HƯỚNG DẪN

05/08/2021 11:01:13 150

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Dự án: “Hỗ trợ các tổ chức Xã hội ứng phó với COVID-19”
Vị trí ứng tuyển: Chuyên gia về giới xây dựng bộ công cụ hướng dẫn
Hoạt động: Xây dựng bộ công cụ hướng dẫn cho các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan ban hành chính sách, nhằm đảm bảo nhạy cảm giới và đáp ứng giới trong các chương trình tái thiết và cứu trợ của Chính phủ ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác
1. Bối cảnh chung
Năm 2020 là một năm đặc biệt với toàn thế giới bởi những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID - 19 trên mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Sự dịch chuyển và biến động không ngừng của thế giới đang ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống sinh hoạt của con người, từ cách tổ chức cuộc sống, thói quen di chuyển, cách giao tiếp và làm việc tới cách giải quyết các xung đột trong mối quan hệ gia đình và quan hệ giới.
Có thể nói, chưa khi nào các nguồn lực xã hội, đặc biệt là hệ thống y tế công cộng, các dịch vụ công và dịch vụ tư lại được huy động tối đa cho công tác phòng ngừa và ứng phó với những ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh như hiện nay. Với Việt Nam, chúng ta lại tiếp tục đối mặt với những hậu quả nặng nề do thiên tai, khó khăn trong ứng phó khẩn cấp và tái thiết cuộc sống của người dân vùng bão lũ.
Bối cảnh đặc biệt đó cũng có thể:

  • Gia tăng các căng thẳng, xung đột và các yếu tố nguy cơ bạo lực trong gia đình 
  • Tăng cường các nguy cơ bị quấy rối và xâm hại tình dục - vấn đề đang bị né tránh hoặc giữ im lặng tại môi trường làm việc, trường học hay tại các không gian công cộng
  • Gia tăng các rào cản cho việc tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và hỗ trợ người bị bạo lực giới xuất phát từ việc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và tập trung cho phòng dịch
  • Gián đoạn việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu hoặc phát sinh thêm các dịch vụ khẩn cấp hỗ trợ người bị bạo lực 

Tính tới ngày 2 tháng 8 năm 2021, Việt Nam đã có 157,507 ca nhiễm và 1,306 ca tử vong. Mặc dù Việt Nam kiếm soát dịch hiệu quả hơn nhiều quốc gia khác nhưng dịch vẫn tác động nghiêm trọng đến mọi khía cạnh đời sống của tất cả các nhóm xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (UN, 2020). Theo kết quả báo cáo “Đánh giá nhanh các chương trình tái thiết cứu trợ của nhà nước ứng phó với Đại dịch Covid-19 từ khía cạnh giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương” (CSAGA và OXFAM, 2021), các chương trình cứu trợ của Chính phủ được ban hành trong thời gian qua khá kịp thời, đa dạng và bao phủ được nhiều nhóm kể cả các nhóm vốn ít được hỗ trợ trước đây, tuy nhiên các chương trình này đã bộc lộ một số khoảng trống về giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như: (i) Không có các quy định hay hướng dẫn cụ thể về những biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng giới căn cứ vào những tác động khác biệt của đại dịch COVID-19 tới nam giới, phụ nữ và các giới khác. Do vậy, chưa có các chính sách/chương trình cụ thể giải quyết sự gia tăng của bạo lực giới, nhất là bạo lực gia đình trong thời kỳ COVID-19; (ii) Các chính sách chưa đề cập đến và chưa có các hướng dẫn nhằm đáp ứng một số nhu cầu đặc thù của phụ nữ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản; (iii) Các chính sách và hướng dẫn học trực tuyến giúp hạn chế gián đoạn học tập của trẻ em nhưng lại làm tăng gánh nặng chăm sóc cho phụ nữ; (iv) Một số nhóm dễ bị tổn thương khó tiếp cận với các chính sách cứu trợ của chính phủ một cách bình đẳng đó là các nhóm lao động bị hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, nhóm lao động trong khu vực phi chính thức và đặc biệt là các nhóm ngoài lề như nhóm lao động tình dục.
Trong bối cảnh đó, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và các đối tác thực hiện dự án “Hỗ trợ các tổ chức Xã hội ứng phó với COVID-19”. Nằm trong khuôn khổ của dự án này, CSAGA đang tìm kiếm 03 chuyên gia về giới để xây dựng bộ công cụ hướng dẫn cho các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan chính phủ nhằm đảm bảo nhạy cảm giới và đáp ứng giới trong các chương trình tái thiết và cứu trợ của Chính phủ ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác, với các thông tin cụ thể như dưới đây:
2. Mục đích

  • Làm nổi bật các vấn đề giới nổi bật và cách tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh;
  • Xác định vai trò của phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương trong khả năng chống chịu và phục hồi trong và sau đại dịch;
  • Đề xuất các chiến lược cốt lõi nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong quá trình chống chịu và phục hồi của cộng đồng trong và sau đại dịch.

3. Đầu ra dự kiến
01 bộ công cụ hướng dẫn dễ hiểu, dễ áp dụng cho các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan chính phủ nhằm đảm bảo nhạy cảm giới và đáp ứng giới trong các chương trình tái thiết và cứu trợ của Chính phủ ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp khác phù hợp trong bối cảnh tại Việt Nam.
Bộ công cụ được thực hiện và hoàn thành trước 30/10/2021.

4. Nhiệm vụ của Tư vấn và yêu cầu chất lượng
a, Yêu cầu với Tư vấn
Ứng viên đạt yêu cầu dự tuyển cần đảm bảo các tiêu chí sau:

  • Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Giới và Phát triển hoặc các ngành liên quan
  • Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực phát triển, đặc biệt là lĩnh vực về Giới, Bạo lực giới, Quyền phụ nữ và cộng đồng thiểu số tình dục LGBTIQ
  • Hiểu biết về quyền và các chính sách liên quan tới các nhóm dễ bị tổn thương
  • Hiểu biết về khối các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và vai trò của các tổ chức trong cung cấp dịch vụ cho các nhóm dễ bị tổn thương, phản biện và giám sát chính sách. 
  • Có kinh nghiệm và kỹ năng nghiên cứu chính sách và chính sách giới
  • Có kinh nghiệm trong xây dựng bộ công cụ hướng dẫn có tính nhạy cảm giới
  • Có kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm
  • Có kỹ năng viết tốt

b, Nhiệm vụ của Tư vấn

STT

Nhiệm vụ chính

Kết quả dự kiến

1

Rà soát các kinh nghiệm và quy chuẩn quốc tế

Các thông tin liên quan được thu thập

2

Xây dựng khung bộ công cụ hướng dẫn

01 Khung bộ công cụ hướng dẫn thể hiện rõ các chủ đề nhằm đạt được các mục tiêu đề cập ở mục 2

3

Hoàn thiện nội dung bộ công cụ hướng dẫn

01 Bộ công cụ hướng dẫn đầy đủ được hoàn thiện với sự góp ý của CSAGA và các bên liên quan

5. Định mức
Theo chất lượng CV và thỏa thuận giữa  hai bên

Những ứng viên quan tâm xin gửi hồ sơ năng lực về địa chỉ sau trước 13/08/2021
Đặng Minh Nguyệt – Cán bộ dự án CSAGA 
Địa chỉ: Nhà 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 
Email: nguyetdang@csaga.org.vn