TIN TỨCTin CSAGA

CSAGA TÌM KIỂM CHUYÊN GIA XÂY DỰNG KỊCH TƯƠNG TÁC

26/03/2023 09:44:54 53

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Vị trí: Chuyên gia cung cấp dịch vụ truyền thông cho dự án về QRTD tại trường học và mong muốn xây dựng trường học Nói không với Quấy rối tình dục tại tọa đàm Thảo luận các khuyến nghị/góp ý xây dựng Giảng đường an toàn.

Dự án: “Chấm dứt tình trạng quấy rối tình dục/bạo lực tình dục đối với phụ nữ và người nữ yêu nữ”

Đơn vị tổ chức: Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)

1. Bối cảnh chung

Quấy rối tình dục (QRTD) là một vấn đề toàn cầu, là một hình thức Bạo lực giới và vi phạm quyền con người. QRTD diễn ra ở các không gian khác nhau như: nơi làm việc, địa điểm công cộng, và ở cả các trường Đại học… Trong đó phụ nữ và trẻ em (PN&TE) là nhóm phải trải qua nhiều hình thức và có nguy cơ bị QRTD cao nhất. Mặc dù còn thiếu số liệu thống kê quốc gia về vấn đề này, nhưng theo báo cáo tóm tắt chính sách năm 2014 của ActionAid Việt Nam, 87% phụ nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và nơi làm việc. Khảo sát năm 2018 của CSAGA tại 2 trường đại học Hà Nội cho thấy 27% sinh viên, chủ yếu là nữ và người nữ yêu nữ, đã từng chịu quấy rối/bạo lực tình dục. Còn theo báo cáo School Tour 2019 của CSAGA tại 10 trường đại học và dạy nghề tại các tỉnh/thành phố Hà Nội, Hà Tĩnh và Bắc Ninh, 900 trong số 1.200 sinh viên tham gia thảo luận cho biết họ đã trải qua ít nhất một hình thức Quấy rối/Bạo lực tình dục nhưng đã sợ hãi để nói ra do sợ bị trả thù, kỳ thị hay bị đổ lỗi ngược.

Một trong những nguyên nhân chính của quấy rối tình dục/bạo lực tình dục là do sự hạn chế về hiểu biết của cộng đồng trong vấn đề này. Định kiến ​​và khuôn mẫu ​​giới về quyền tình dục của phụ nữ vẫn còn tồn tại. Một số hình thức quấy rối tình dục/bạo lực tình dục, thậm chí còn được xã hội khoan dung và chấp nhận, dẫn đến việc đổ lỗi cho nạn nhân và khiến nạn nhân phải ‘im lặng. Quấy rối tình dục/bạo lực tình dục không chỉ gây ra những tổn thương về thể chất và hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ mà còn gây ra các vấn đề về tâm lý, chẳng hạn như lo âu, rối loạn cảm xúc, sợ hãi, trầm cảm và thậm chí là cố gắng tự tử. Với mong muốn góp phần hướng đến chấm dứt thực trạng quấy rối tình dục/bạo lực tình dục đối với phụ nữ và người nữ yêu nữ, với sự hỗ trợ tài chính bởi tổ chức Bánh Mỳ cho Thế giới, CSAGA triển khai Dự án “Ngừng quấy rối/bạo lực tình dục đối với phụ nữ và người nữ yêu nữ”.

Dự án gồm 2 hợp phần: (1) Phụ nữ và người nữ yêu nữ được bảo vệ tốt hơn khỏi tình trạng quấy rối/xâm hại tình dục. (2) Sinh viên đại học, đặc biệt là sinh viên nữ và người nữ yêu nữ, được học tập trong một môi trường không có quấy rối/bạo lực tình dục. Sau thành công từ Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Giảng đường An toàn” được tổ chức vào tháng 12 năm 2022 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, dự án tiếp tục kết hợp với 5 trường đại học tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Thảo luận các khuyến nghị/góp ý xây dựng Giảng đường an toàn”.

2. Mục đích tọa đàm:

  • Tổng kết dự án, chia sẻ và nhân rộng các hoạt động dự án đã thực hiện.
  • Hoàn thiện các khuyến nghị/góp ý xây dựng Giảng đường an toàn.

3. Đại biểu tham dự tọa đàm

  • Đại diện nhà quản lý, cán bộ điều phối chương trình của 8 trường đại học trong khuôn khổ 2 dự án: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Học Viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM; 
  • Đại diện Bộ giáo dục và Đào tạo; Ủy Ban Văn hóa GD Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc Hội;
  • Đại diện nhà tài trợ - Tổ chức Bánh Mỳ cho thế giới;
  • Trung tâm CSAGA;
  • Đại diện cán bộ, giảng viên, sinh viên của 18 trường đại học/cao đẳng quan tâm đến chương trình tại Hà Nội;
  • Đại diện các tổ chức có làm việc về lĩnh vực giới và phòng chống bạo lực giới

4. Nội dung chính của tọa đàm

  • Tổng kết dự án, chia sẻ và nhân rộng các hoạt động dự án đã thực hiện.
  • Hoàn thiện các khuyến nghị/góp ý xây dựng Giảng đường an toàn.
  • Giới thiệu về Art tour tháng 5/2023

5. Nội dung dự kiến của vở kịch tương tác:

  • Tình huống/vấn đề QRTD trong trường đại học
  • Mong muốn xây dựng trường học Nói không với Quấy rối tình dục

6. Thời gian diễn và Hình thức hội thảo

  • Hội thảo sẽ diễn ra trong vòng 1/2 ngày: 25/04/2023
  • Hội trường Venus 4 - Tầng 4, Khách sạn Adonis – Số 55, P. Quang Trung, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội

7. Công việc cụ thể và thời gian

7.1 Tiến trình công việc

  • Thống nhất kịch bản với CSAGA;
  • Diễn kịch tại tọa đàm.

7.2 Thời gian

  • Gửi khung kịch bản lần đầu cho Ban tổ chức:  10/04/2023
  • Gửi kịch bản cuối sau phản hồi của Ban tổ chức: 14/04/2023

8. Yêu cầu công việc

  • Có kiến thức, kỹ năng chuyên môn liên quan đến các vấn đề được nêu trong phần mục đích và nội dung yêu cầu của văn bản này 
  • Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm xây dựng/diễn kịch tương tác, xây dựng nội dung kịch bản phim, kịch, video,… Ưu tiên các ứng viên có kinh nghiệm xây dựng và truyền tải các nội dung về phòng chống quấy rối tình dục/bạo lực tình dục
  • Ưu tiên các tư vấn/nhóm tư vấn đã thực hiện các dự án phát triển cộng đồng và có tinh thần vì cộng đồng.

9. Quyền lợi

  • Các chi phí đối với tư vấn/nhóm tư vấn sẽ được chi trả theo định mức của Tổ chức và phạm vi của dự án, từ 30.000.000vnđ – 40.000.000vnđ.
  • Các nội dung được xây dựng trong phạm vi hoạt động này sẽ thuộc quyền sở hữu của CSAGA và CSAGA có toàn quyền sử dụng trong các hoạt động của mình.
  • Đối với các nội dung có bản quyền (nếu có) được tư vấn/nhóm tư vấn cung cấp có thể sử dụng trong phạm vi dự án với sự thống nhất của hai bên.
  • Tư vấn/nhóm tư vấn sẽ được cung cấp các tài liệu và thông tin cần thiết trong quá trình làm việc để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.