TIN TỨCTin CSAGA

CSAGA TÌM KIẾM CHUYÊN GIA XÂY DỰNG KỊCH BẢN VIDEO

14/04/2023 10:00:00 36

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Dự án: “Chấm dứt tình trạng quấy rối/xâm hại tình dục đối với phụ nữ.”

Hoạt động: Xây dựng kịch bản video về phương pháp ứng phó với quấy rối tình dục và bạo lực tình dục dành cho sinh viên tại các trường đại học.

Vị trí: 02 Chuyên gia xây dựng kịch bản video về phương pháp ứng phó với quấy rối tình dục và bạo lực tình dục dành cho sinh viên tại các trường đại học

1. Bối cảnh chung

Theo báo cáo khảo sát đầu kỳ dự án của CSAGA đối với 5 trường Đại học tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2020, có 47,6% sinh viên đã từng có trải nghiệm bạo lực/quấy rối tình dục. Tỷ lệ sinh viên nữ đã từng có trải nghiệm này là 51,9% cao hơn so với sinh viên nam là 38,7%. Ngoài ra, có 58% giảng viên đã từng bị quấy rối/bạo lực tình dục, trong đó tỷ lệ nam giảng viên bị quấy rối/bạo lực tình dục là 55,6% và tỷ lệ nữ giảng viên bị quấy rối/bạo lực tình dục là 59,5%.

Khảo sát cũng cho thấy nhận thức của nhóm sinh viên về những hành vi quấy rối/bạo lực tình dục còn một số hạn chế, chẳng hạn như: chỉ có 53,8% cho rằng “Gợi ý hẹn hò, hứa hẹn tặng quà/nâng điểm/tạo việc làm khi không đạt được thì đe dọa là quấy rối tình dục”; 63% sinh viên cho rằng “Cố tình bắt người yêu, bạn tình, vợ/chồng xem phim sex là bạo lực tình dục”.

So sánh giữa nam và nữ, tỷ lệ sinh viên nữ có nhận định đúng về hành vi quấy rối tình dục (QRTD) cao hơn nhiều so với tỷ lệ sinh viên nam. Đáng chú ý, mức chênh lệch giữa sinh viên nữ và nam có câu trả lời đúng với câu hỏi “Nhìn chằm chằm/ xoáy/có ánh nhìn gợi dục vào đối phương có phải là QRTD không” chưa cao.

Hiện nay, các trường đại học đều đang thực hiện các giải pháp/các dịch vụ vừa mang tính chất phòng ngừa quấy rối/bạo lực tình dục vừa mang tính ứng phó/xử lý khi xảy ra quấy rối/bạo lực tình dục. Nhưng hầu hết các biện pháp/dịch vụ này đều chưa đáp ứng nhu cầu của cả sinh viên và giảng viên, hoặc số sinh viên trong trường biết đến các dịch vụ hỗ trợ khi bị QRTD/BLTD còn chưa cao.

Qua kết quả đánh giá cuối kỳ của dự án, CSAGA nhận thấy nhu cầu của sinh viên về những phương pháp phòng ngừa, ứng phó với tình huống quấy rối tình dục, bạo lực tình dục cụ thể nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng thực tế cho sinh viên. Trong bối cảnh đó, CSAGA xây dựng một chuỗi video mô phỏng lại các phương pháp phòng ngừa, ứng phó với quấy rối/bạo lực tình dục dành cho sinh viên các trường đại học.

2. Mục đích chương trình

Xây dựng một chuỗi video mô phỏng lại các phương pháp phòng ngừa, ứng phó với quấy rối/bạo lực tình dục dành cho sinh viên các trường đại học.

3.  Thời gian làm việc của chuyên gia

12 ngày làm việc/chuyên gia (Dự kiến trong tháng 5 - tháng 6)

4.  Nhiệm vụ của chuyên gia

  • Tìm kiếm các phương pháp ứng phó về chủ đề quấy rối và bạo lực tình dục nhằm phục vụ cho việc xây dựng kịch bản video;
  • xây dựng kịch bản video và hỗ trợ đội kỹ thuật dựng video;
  • Chịu trách nhiệm đảm bảo nội dung chuyên môn trong quá trình xây dựng chuỗi video.

5. Yêu cầu năng lực của chuyên gia

  • Có kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm về Truyền thông, Giới, Bạo lực giới, Quấy rối tình dục.
  • Hiểu biết và kinh nghiệm về các chính sách, quy định pháp luật liên quan tới bạo lực giới, quấy rối tình dục;
  • Ưu tiên chuyên gia có kinh nghiệm làm việc liên quan đến môi trường học đường, đặc biệt tại các trường Đại học. 

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ

Nguyễn Lam Phương – Cán bộ dự án

Địa chỉ: Nhà 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: lamphuongnguyen@csaga.org.vn

Tel: 024.3791.0014 (máy lẻ 21)