TIN TỨCTuyển dụng

CSAGA tìm kiếm Chuyên gia xây dựng bộ công cụ khảo sát và viết báo cáo khảo sát nhu cầu nhà máy

02/12/2024 11:36:43 3

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Dự án: Sáng kiến "Hành trình mới Vì bình đẳng giới tại nhà máy Maple"

Vị trí ứng tuyển: Chuyên gia xây dựng bộ công cụ khảo sát và viết báo cáo

Hoạt động: Khảo sát nhu cầu nhà máy

Bối cảnh chung

    Ngành dệt may hiện đang là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, đóng góp hơn 16% vào GDP quốc gia và sử dụng khoảng 2,7 triệu lao động, trong đó khoảng 80% là lao động nữ. Tuy nhiên, phụ nữ trong ngành này thường phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến bất bình đẳng giới, bao gồm phân biệt đối xử, ít triển vọng thăng tiến dễ bị quấy rối tình dục và các vấn đề về gánh nặng việc nhà, bạo lực gia đình. 

Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, trên thực tế, 77% số nhà máy được đánh giá không tuân thủ giới hạn tăng ca hàng tháng. Trung bình, nữ công nhân ngành may ở Việt Nam thu nhập ít hơn 17% so với nam làm cùng công việc. Bên cạnh đó, việc phân biệt đối xử trong việc thăng tiến và các cơ hội đào tạo đã dẫn đến tình trạng phụ nữ chủ yếu làm các công việc thấp cấp, ít có khả năng thăng tiến lên các vị trí quản lý. Đây là mối quan ngại của ngành, bởi phần nhiều hành vi phân biệt đối xử dạng này được che giấu và rất khó để nhận diện, hiểu biết của cả cấp quản lý lẫn người lao động về vấn đề này còn rất hạn chế, thêm nữa là những suy nghĩ mặc định và định kiến giới vẫn phổ biến.

Quấy rối tình dục và bạo lực giới tại nơi làm việc là vấn đề sức khỏe và an toàn không chỉ gây hại cho nạn nhân mà còn làm giảm sự hài lòng của người lao động và giảm hiệu quả kinh doanh của công ty. Ngoài các tác động về thể chất và tinh thần, nó cũng làm giảm thu nhập của nạn nhân và tổn thất tài chính cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặc dù không có dữ liệu cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền giám sát, bao gồm cả tổ chức Lao động Quốc tế - ILO và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho rằng vấn đề này có thể phổ biến hơn nhiều so với nhận thức hoặc thừa nhận hiện nay. Nhiều bằng chứng không chính thức cho thấy công nhân nữ bị sếp nam quấy rối tại nơi làm việc, nhưng không được nạn nhân báo cáo vì sợ hoặc thiếu kiến thức. Tuy nhiên, theo Luật Lao động hiện hành, định nghĩa về quấy rối tình dục vẫn còn mơ hồ và khó thực thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện.

Trong bối cảnh gia đình, phụ nữ đang dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà phục vụ cho gia đình mình, chẳng hạn như dọn dẹp, nấu nước, hoặc chăm sóc các thành viên trong gia đình và con cái. Tỷ trọng nam giới tham gia vào từng hoạt động này thấp hơn và có tới gần 20% cho biết họ không hề dành quỹ thời gian nào cho các hoạt động này. Vừa phải tích cực tham gia hoạt động kinh tế, vừa phải gánh vác trách nhiệm gia đình một cách không tương xứng chính là gánh nặng kép của phụ nữ Việt Nam, trực tiếp làm giảm năng suất lao động cũng như cơ hội phát triển của họ.

Về phía quản lý nhà máy, nhiều người vẫn thiếu kiến thức và kỹ năng để thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Việc thiếu sự nhạy cảm về giới và sự hỗ trợ từ quản lý đã làm cho vấn đề phân biệt đối xử, bất bình đẳng và quấy rối tình dục không được xử lý triệt để, khiến môi trường làm việc trở nên kém an toàn và công bằng.

Trong bối cảnh chung của ngành may mặc, nhà máy Maple tại khu công nghiệp VSIP, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng rất quan tâm và có nhiều nỗ lực để thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc thực hiện các chính sách của nhà máy hoặc phối hợp với các tổ chức thực hiện các dự án về giới tại nhà máy. Tuy vậy, các hoạt động cũng còn mỏng, chưa thể tiếp cận rộng tới công nhân trong nhà máy hoặc thiếu chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động bình đẳng giới cần sự chuyên sâu. Trong bối cảnh này, sáng kiến "Hành trình mới Vì bình đẳng giới tại nhà máy Maple" được xây dựng nhằm giải quyết những vấn đề nêu trên bằng cách nâng cao năng lực cho cả người lao động và quản lý tại nhà máy, hướng tới xây dựng một môi trường làm việc tôn trọng, an toàn và không bạo lực. Việc thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức và đào tạo chuyên sâu sẽ giúp người lao động và quản lý nhận thức rõ hơn về vai trò của bình đẳng giới, từ đó thúc đẩy sự thay đổi tích cực và bền vững trong ngành.

    Để thực hiện được hoạt động, CSAGA cần tuyển chuyên gia xây dựng bộ công cụ khảo sát và viết báo cáo với các thông tin cụ thể như sau:

Mục đích hoạt động

    Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người lao động và quản lý nhà máy về bình đẳng giới, hướng tới xây dựng một môi trường làm việc tôn trọng, an toàn và không bạo lực  và góp phần thúc đẩy sự thay đổi hệ thống trong chuỗi cung ứng dệt may.

Đầu ra dự kiến

    Khảo sát 70 công nhân, quản lý của nhà máy Maple

Thời gian thực hiện

Tháng 12 năm 2024.

Định mức

Theo chất lượng CV và thỏa thuận giữa hai bên

Yêu cầu chất lượng.

-Tốt nghiệp thạc sỹ trở lên chuyên ngành Giới và Phát triển hoặc các ngành liên quan

-Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực phát triển, đặc biệt là lĩnh vực về Giới, Bạo lực giới.

-Có kinh nghiệm làm việc với công nhân, quản lý tại các nhà máy

-Có kiến thức về các phương pháp khảo sát định tính và định lượng, bao gồm phỏng vấn sâu, khảo sát bảng hỏi, và thảo luận nhóm.

-Có kỹ năng xử lý số liệu, tổng hợp và chọn lọc thông tin, viết báo cáo

-Có kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng làm việc nhóm

 

Mọi thông tin cần làm rõ vui lòng liên hệ:

Hoàng Phan Thu Uyên  – Cán bộ dự án CSAGA    

Địa chỉ: Nhà 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Email: uyenhoang@csaga.org.vn