TIN TỨCTin CSAGA

CSAGA TÌM KIẾM CHUYÊN GIA TẬP HUẤN KIẾN THỨC VÀ THỰC HÀNH VỀ GIỚI CHO CÁC NHÀ BÁO

20/04/2023 04:05:39 54

 

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Vị trí ứng tuyển: Chuyên gia xây dựng chương trình và điều hành tập huấn “Cung cấp kiến thức và thực hành về giới”cho các nhà báo.

Số lượng ứng tuyển: 02 Chuyên gia

1. Giới thiệu lý do

Thúc đẩy bình đẳng giới và hướng tới chấm dứt, xóa bỏ tất cả các hình thức bạo lực, kỳ thị đối với phụ nữ là một trong những mục tiêu được Việt Nam chú trọng trong nhiều năm qua nhằm đảm bảo đạt được các cam kết quốc tế cũng như các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này thể hiện qua các nỗ lực hoàn thiện chính sách, xây dựng và thực hiện các Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Chương trình quốc gia về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Dù đã có những bước tiến mạnh mẽ, việc đảm bảo quyền của phụ nữ và chấm dứt bất bình đẳng giới vẫn còn nhiều thách thức tại Việt Nam.

Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2020 (Global Gender Gap Report 2020), thế giới cần đến 257 năm để có thể hoàn toàn loại bỏ sự chênh lệch về mặt kinh tế giữa hai giới. Việt Nam đang đứng thứ 87 trên tổng số 153 quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới, hiện thu nhập của nữ giới ít hơn trung bình 3 triệu đồng so với nam giới mỗi năm. Tỉ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, trong khi nam giới nắm quyền ở vị trí cấp cao giữ một tỉ lệ vượt trội - 77,6%. Xếp hạng của Việt Nam theo báo cáo này đã tụt tới 45 hạng so với báo cáo năm 2007 (vị trí 42). Khoảng cách về giới tại Việt Nam vẫn còn tồn tại trong nhận thức văn hóa – xã hội như quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục cho nữ giới, vấn đề trả công bình đẳng hay việc tham gia và nắm giữ những vị trí chủ chốt, lãnh đạo trong các lĩnh vực.

Bên cạnh những nỗ lực của chính phủ đã nêu ở trên, sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ và hướng tới bình đẳng giới cũng mang lại những đóng góp vô cùng quan trọng. Để đạt được những mục tiêu chung này, sự nỗ lực đơn độc của một khối ngành, một tổ chức hay một đơn vị là không đủ. Việc này đòi hỏi sự kết nối, chung tay và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các tổ chức xã hội làm việc trong lĩnh vực giới nói riêng, với các đơn vị, khối ngành liên quan khác bao gồm khu vực nhà nước, các đơn vị truyền thông báo chí,… nói chung.

Để đảm bảo việc phối hợp hiệu quả, cần có sự hiểu đúng, hiểu đủ về các mục tiêu, sứ mệnh, hoạt động và các đóng góp của các tổ chức xã hội tới mục tiêu phát triển bền vững chung, không chỉ của các đơn vị, khối ngành phối hợp nói riêng mà còn của đông đảo công chúng, xã hội nói chung.

Từ bối cảnh thực tế nêu trên, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cùng với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện chuỗi hoạt động “Xây dựng năng lực cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực về giới (gender-focused organisations) tại Việt Nam”. Trong đó, mục tiêu tăng cường hiểu biết tích cực của cộng đồng và các bên liên quan về hoạt động và những đóng góp của các tổ chức xã hội làm về  bình đẳng giới tại Việt Nam sẽ được thực hiện thông qua các hoạt động thiết lập, làm việc, phối hợp trực tiếp với mạng lưới các nhà báo tại Việt Nam, thực hiện các khóa tập huấn  cung cấp kiến thức và kỹ năng viết về lĩnh vực giới ,  phân tích và nêu rõ vai trò  tham gia và đóng góp của các thành phần xã hội và cùng xây dựng kế hoạch tạo ảnh hưởng đến đông đảo công chúng cho các mục tiêu nêu trên.  Mạng lưới này sẽ gồm khoảng 30 nhà báo hiện đang là phóng viên, biên tập viên tại các báo, đài có chuyên mục về các vấn đề liên quan đến giới, phụ nữ. Nằm trong khuôn khổ của chuỗi hoạt động này và nhằm thực hiện mục tiêu nói trên, CSAGA đang tìm kiếm chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng năng lực cho các cơ quan báo chí/truyền thông và nhà báo để xây dựng chương trình và thực hiện tập huấn cho các nhà báo trong mạng lưới báo chí được nêu trên.

Để thực hiện được chương trình tập huấn này, CSAGA đang tìm kiếm chuyên gia xây dựng chương trình và điều hành thực hiện tập huấn này.

2. Mục đích

Chuyên gia sẽ phụ trách việc xây dựng chương trình và điều hành tập huấn/ hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nhà báo cụ thể như sau:

  • Xây dựng nội dung chương trình và phương pháp tập huấn chi tiết dựa trên kết quả đánh giá nhu cầu của các nhà báo.
  • Thảo luận xây dựng kế hoạch truyền thông chi tiết về chủ đề liên quan đến các tổ chức xã hội và bình đẳng giớ

3. Đầu ra dự kiến

  • Chương trình tập huấn 01 ngày chi tiết.
  • Bảng hỏi khảo sát đánh giá trước và sau tập huấn.
  • Thực hiện 01 ngày tập huấn cho 30 nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông, báo chí tại Việt Nam.
  • Sau khi được tập huấn, những người tham gia được củng cố các kiến thức, lý thuyết cơ bản về giới và nhạy cảm giới trong truyền thông.
  • Sau tập huấn, một kế hoạch truyền thông có sự tham gia của báo chí và các tổ chức làm về bình đẳng giới được xây dựng và thực hiện.

100% các nhà báo tham gia tập huấn có kế hoạch áp dụng vào thực tế hoạt động của cá nhân và tổ chức mình​

4. Thời gian và địa điểm thực hiện

  • Tập huấn 01 ngày: dự kiến ngày 9/6/2023
  • Địa điểm tại Hà Nội

5. Ngân sách

Theo chất lượng kiến thức và kinh nghiệm tương ứng của tư vấn liên quan đến mô tả công việc nêu trên và thỏa thuận giữa hai bên trên cơ sở khung định mức về phí tư vấn được tổ chức OXFAM tại Việt Nam phê duyệt.

6. Yêu cầu chất lượng

  • Có bằng thạc sĩ trở lên trong lĩnh vực/chuyên ngành liên quan (truyền thông, báo chí, giới, phát triển xã hội, …)
  • Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm ở vị trí quản lý/ chuyên gia truyền thông trong các tổ chức hoạt động ở lĩnh vực về phát triển xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giới và bình đẳng giới hoặc ở các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tư vấn  hoạt động ở lĩnh vực tương tự; và/ hoặc có kinh nghiệm trong quản lý/ hoạt động của báo chí, truyền thông ở lĩnh vực giới và bình đẳng giới.
  • Có kinh nghiệm làm việc, kết nối với các cơ quan báo chí, truyền thông và các bên liên quan trong lĩnh vực tư vấn được đề cập;
  • Có kinh nghiệm điều hành các tập huấn, đặc biệt là tập huấn ở chủ đề tư vấn và cho nhóm đối tượng là các nhà báo
  • Kỹ năng phối hợp, làm việc nhóm tốt

Những ứng viên quan tâm xin gửi CV và các tài liệu phù hợp chứng minh năng lực (ví dụ: dự thảo về chương trình tập huấn dự kiến; tài liệu về tiến trình và kết quả của các cuộc tập huấn tương tự đã được tư vấn thực hiện…)  về địa chỉ dưới đây trước ngày 15/5/2023

Trần Vũ Bảo Ngân - Trợ lý dự án CSAGA

Địa chỉ: Nhà 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: baongan@csaga.org.vn