TIN TỨCCSAGA trên truyền thông

Bình phẩm công khai về phụ nữ: Giới hạn và đạo lý

19/06/2018 09:50:02 805
Theo bà Nguyễn Vân Anh, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), giới và nhạy cảm giới là một vấn đề mới tại Việt Nam.

Từ lý thuyết đến thực hành là một con đường rất dài. Chuyện thiếu nhạy cảm giới dẫn đến những vi phạm do vô tình có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là khi người phát ngôn có tầm ảnh hưởng nhất định với cộng đồng.

Trong thời đại internet và mạng xã hội ngày một phổ biến, những chuyện đùa tưởng như vô hại có thể bị cộng đồng mạng chỉ trích nặng nề, những lời nhận xét, so sánh có thể gây phản cảm. Vậy làm sao để có thể sống đẹp hơn, nói đẹp hơn, có nhạy cảm giới và thân thiện hơn trong thế giới phẳng mà mọi góc khuất đều có thể soi tỏ? Đó là những lí do CSAGA tổ chức một cuộc thảo luận nghiêm túc về lĩnh vực “Bình phẩm công khai về phụ nữ - Giới hạn và đạo lý?”

Bà Vân Anh phân tích, gần đây, trên mạng xã hội có chia sẻ một số những bình luận, so sánh về vẻ bề ngoài của phụ nữ của một số người có ảnh hưởng và đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đây là một chuyện bình thường hay là một thói quen cần thay đổi? Các quan điểm về phụ nữ của thế giới và chính Việt Nam đã tiến bộ trong khi thực tế người ta vẫn quen với việc bình phẩm về các bộ phận trên cơ thể phụ nữ như bình phẩm một món đồ.

binh pham cong khai ve phu nu gioi han va dao ly
Các diễn giả tại toạ đàm.

Nhiều người nghĩ rằng việc dùng hình ảnh cô gái đẹp như một biểu tượng để so sánh là cách tôn vinh phụ nữ. Một số nhà hoạt động xã hội cho rằng đó là ảnh hưởng của quan niệm coi phụ nữ như công cụ tình dục. Một số khác thì cho rằng không nên làm to chuyện, chỉ là lỡ lời. Câu chuyện lỡ lời hay quan niệm ăn sâu cần thay đổi đã trở nên ầm ĩ khi có mạng internet và facebook.

Phát ngôn thế nào về phụ nữ là văn minh? Văn minh cần được xây dựng từ thái độ ứng xử trong lời ăn tiếng nói, trong các status hay lâu dài hơn từ các giá trị sống? Có khi nào bạn đã từng thực hiện hành vi so sánh bình phẩm dè bỉu về người khác, nhất là phụ nữ. Bên cạnh đó, thiếu ý thức về phát ngôn công khai nhất là liên quan đến định kiến giới cũng bởi trong quy định luật pháp vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh (giảng viên trường ĐH Ngoại thương) cho biết, bản thân bà đã từng bị chê bai bình luận từ khi học cấp 1 về việc mình ít nữ tính, rồi sẽ ế chồng. “Sau này, tôi vượt qua được những lời bình phẩm có lẽ do tôi đi du học nước ngoài nên đã có sự tự tin hơn về một vẻ đẹp cá tính, giá trị của bản thân là do chúng ta tự tạo nên, những lời khen chê chỉ là tham khảo.

Hình như từ lâu chúng ta coi rằng phụ nữ có trách nhiệm làm vui cho xã hội. Chúng ta hay nghĩ rằng nhiều câu nói về phụ nữ là vô hại. Máy bay bà già may mà vớ được phi công trẻ mà không nhớ rằng, đời tư của người khác không phải là vấn đề chúng ta được phép bình luận.

Luật pháp không cấm thì phụ nữ lớn tuổi đâu có lỗi gì khi yêu và lấy một người đàn ông trẻ hơn mình. Và những lời bình phẩm của dư luận thậm chí có thể giết chết cuộc hôn nhân của những cặp đôi như vậy. Việc xúc phạm thì không từ một cá nhân nào. Bản thân tôi từng hai lần theo kiện về việc mình bị xâm hại bằng lời nói và lăng mạ. Phải đủ bản lĩnh để vượt qua và tìm những người đồng hoàn cảnh để giúp nhau vượt qua những trắc trở trong việc đấu tranh cho bản thân khi bị xúc phạm bằng lời nói”- bà Ánh phân tích.

Có mặt tại tọa đàm, MC Phan Anh bày tỏ quan điểm, có không ít người có địa vị xã hội bình luận về phụ nữ tại những diễn đàn công khai. Câu nói mà nhiều người đàn ông Việt Nam từng nói với phụ nữ (hàm ý như một câu khen): “Hôm nay trông em ngon quá” thì ở phương Tây đã có thể bị xử lý vì tội quấy rối tình dục.

Theo Phan Anh, ở Việt Nam, quyền bình phẩm là quyền của mọi người, đối với nguyên tắc tự đặt ra cho bản thân mình, Phan Anh chia sẻ, trước công chúng và ở diễn đàn công khai, tuyệt đối không bình phẩm về ngoại hình, mà đã ở diễn đàn công cộng thì nên bình phẩm theo hướng tích cực. Còn bình phẩm trong một phạm vi hẹp (ví dụ một nhóm bạn thân), mọi người sử dụng tùy hoàn cảnh và ngữ cảnh có lẽ là vẫn được phép.

Phan Anh cũng cho biết thêm: “Tôi từng nhận được nhiều lời bình luận sai về mình. Tôi và luật sư của mình đã rà soát những căn cứ pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình, lập vi bằng các bằng chứng của việc xúc phạm tôi. Nhưng nếu tôi chạy theo việc tìm lại công bằng cho mình thì sẽ rất mất thười gian. Trong cuộc sống quá nhiều sự ưu tiên, tôi đành gác lại để dành thời gian cho những ưu tiên quan trọng hơn đối với bản thân mình và gia đình”.

Theo nhà báo Mai Phan Lợi, những người giám sát gác cổng các phát ngôn trên các diễn đàn, mạng xã hội, các thông tin trên phương tiện truyền thông, đầu tiên chắc là phải là báo chí. Bên cạnh đó, nên đề xuất có một biện pháp mang tính dài hơi có tính kiểm soát chặt chẽ về các phát ngôn trên truyền thông về phụ nữ nói riêng và con người nói chung.

Nhiều người không thể đủ thời gian và kinh tế để theo đuổi những vụ kiện về việc mình bị xúc phạm, thậm chí là bị xâm hại tình dục. Mỗi chúng ta đều có quyền lên tiếng về một vấn đề xã hội. Bị xâm hại về tâm lý và cảm xúc, người bị xâm hại rất khó khăn trong việc “sống sót” sau khi bị xâm hai về tâm lý như sang chấn tâm lý. Tôi đánh giá cao hoa hậu H’ Hen Nie đã đủ bản lĩnh để vượt qua mà không sống với những tổn thương vì bị xâm hại về lời nói.

Các diễn giả cũng đồng quan điểm về việc Luật Bình đẳng giới của Việt Nam chưa cụ thể về vấn đề này và ít tính răn đe. Về vấn đề có một cơ quan độc lập kiểm soát phát ngôn trên mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng, các diễn giả khá đồng tình với dẫn chứng ví dụ của CSAGA, ở Hàn Quốc có UB Tiêu chuẩn Truyền thông, UB này hoạt động độc lập và có quyền phán quyết như trọng tài. Bất kì ai ở Hàn Quốc cảm thấy mình bị thổn thương vì những phát ngôn trên truyền thông, mạng xã hội, họ điền form tố giác và dẫn link dẫn chứng đầy đủ để UB này điều tra và ra quyết định xử phạt.

Vào năm 2015, rapper Song Mino đã phải chịu hình phạt cao nhất là phạt tiền vì những câu rap xúc phạm đến phụ nữ và Hội sản khoa. Trên chương trình Show Me The Money 4, Song Mino bị chỉ trích dữ dội về những lời rap khiếm nhã, động chạm tế nhị tới phụ nữ. Dù đã gửi thư xin lỗi nhưng nam ca sĩ vẫn bị UB Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc phạt ở mức cao nhất, phạt tiền tối đa 50 triệu won (gần 1 tỷ đồng).

Theo ông Đặng Ngọc Quang (Nghiên cứu viên Trung tâm dịch vụ phát triển nông thôn), thực trang cuộc sống xã hội Việt Nam hiện nay, diễn ra rất nhiều hành vi xâm hai nhau bằng lời, bằng cảm xúc, bằng tâm lý. Có nhiều nhóm người lập nhóm chat riêng, trong đó họ nói bậy và bình phẩm và nhiều người. Trong phạm vi nhóm riêng bí mật thì đó là việc của họ. Nhưng họ lại mang cả những điều đó lên trang mạng, ra xã hội thì không chấp nhận được. Ở môi trường nào thì nên có chuẩn mực ứng xử, chuẩn mực đạo đức, lời nói phù hợp.

Xuân Thanh

Nguồn: http://phapluatxahoi.vn/binh-pham-cong-khai-ve-phu-nu-gioi-han-va-dao-ly-110423.html