TIN TỨCSự kiện mới nhất

Triển lãm nữ lao động tình dục - Và tôi mơ một giấc mơ…

15/10/2013 04:00:30 260
Dự án ảnh "Cuộc đời tôi - Ước mơ tôi" được khởi xướng bởi các tổ chức phi chính phủ trong lẫn ngoài nước là CSAGA và PLAN. Ngay khi nhận được lời đề nghị hợp tác tôi đã rất hứng thú, vì đó là câu chuyện đời thực của những chị em đã và đang hành nghề dịch vụ tình dục, mà ngôn ngữ thường ngày hay dùng là gái bán dâm.

Thú thực khi mới bắt đầu tôi rất hoang mang. Thời gian thì quá ít, trong khi đối tượng của mình hầu hết chưa từng cầm máy ảnh để chụp “có ý thức” bao giờ. Thật may là các em đều rất sẵn lòng chia sẻ những khúc mắc trong đời sống của mình cũng như ước mơ cho tương lai. Đấy mới chính là điều mang lại thành công của dự án.

Mỗi cô là một cuộc đời, hoàn cảnh chứa nhiều góc khuất mà nếu không phải họ rút những tâm sự từ đáy lòng thì ít ai hiểu được, cảm thông được. Có cô bố mẹ chết trong 1 tai nạn, bản thân bị bán sang Trung Quốc từ năm 14tuổi để làm gái. Tới khi về lại được quê hương cô phải nương tựa vào một cụ già. Nhưng giờ bà đã phát bệnh thần kinh, ăn uống, đại tiểu tiện đều không kiểm soát, cô phải bươn chải nuôi con nhỏ, bà mẹ nuôi mất trí và các em. Có cô thì bị chính người mình chung sống, gọi là chồng kỳ thị đánh đập, tra tấn tinh thần và cuỗm hết tiền bỏ đi để lại 2 đứa con nhỏ. Có cô bị xâm hại từ năm 14 tuổi, 17 tuổi nạo thai vì mối tình trẻ con của cô đã cao chạy xa bay.v.v..

Để thực hiện dự án, tôi đã nhờ các cô gái ghi ra giấy những thứ đáng nhớ, biến cố trong đời họ, cảm giác của họ trong thời gian hành nghề và ước mơ họ có cho tương lại. Từ những chất liệu ấy, mỗi ý là một vài tư vấn, hình ảnh “vẽ” trong tưởng tượng được đưa cho từng cô gái để họ chụp, tất nhiên sau khi đã huấn luyện họ một ít kỹ năng về khuôn hình, kỹ thuật.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn đặt một góc nhìn của người ngoài công tâm nhìn về các cô bằng cách tự tay bấm máy. Có những đêm đã hơn 2 giờ, một cô gọi "em vừa đi làm về, anh có muốn đến chụp cho chân thực không"? Và thế là tôi lại vùng dậy tức tốc chạy đến ghi lại hình ảnh.

Khi đặt hai góc nhìn ấy cạnh nhau trong triển lãm thì thực sự hiệu quả. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một triển lãm như thế - nơi những cô gái hành nghề chụp chính về cuộc sống của mình.

Đọc hàng trăm dòng ghi cảm nghĩ tại triển lãm, chắc rằng các cô sẽ thấy vui và ấm lòng hơn khi hầu hết đều bày tỏ sự xúc động của người xem với sự cảm thông, chia sẻ với các cô. Đấy chính là thành công của triển lãm này, vì đúng là các cô "nói ra đừng sợ" cũng chính là để cộng đồng hiểu hơn, thông cảm hơn với họ.

Về mặt kỹ, mỹ thuật, chính những đồng nghiệp lâu năm trong nghề ảnh của tôi cũng hết sức bất ngờ khi có vài khuôn hình xuất thần khiến cho chính một người cầm máy lâu năm như tôi phải ghen tị. Ví như tấm ảnh đứa bé 11 tháng đang bò lổm ngổm theo chân khi cô ấy đi làm vào buổi tối, với đầy đủ cảm xúc mạnh, bố cục, màu sắc, chuyển động đều đẹp hoàn hảo. Chính tôi đã gặp cảnh ấy hai hôm sau khi đến nhà nhân vật để chụp bà mẹ nuôi bị bệnh tật của cô. Tôi cũng chụp một loạt với tay nghề tất nhiên là chuyên nghiệp, thiết bị đắt hơn chiếc máy ảnh nhỏ mà dự án thuê cho cô gấp mấy chục lần, vậy mà không thể so sánh được.

Tất nhiên tôi xoá mấy cái ảnh đó đi ngay khi đổ vào máy tính. Chính là tình yêu thương của người mẹ, cảm xúc muốn nói lên tâm tư, ước vọng bị dồn nén bao năm của cô và cả những người bạn đã giúp cho cô có được cú bấm máy xuất thần ấy.

Thực sự, tôi tự hào vì đã đóng góp môt phần, tuy không lớn vào dự án nhưng quan trọng với nghề nghiệp của mình. Đó là sự chia sẻ, cảm thông, là thứ giúp người với người được gắn kết với nhau trong một xã hội văn minh, nhân ái.

 

Đôi chân mệt mỏi của tôi trên con đường đêm sau mỗi ngày đi làm về. Giá mà có ai đó bước cùng để bớt đi nỗi mệt nhọc… (L, 22 tuổi)

Đây là mẹ tôi. Bố mẹ đẻ tôi mất khi tôi 14 tuổi, tôi ở với mẹ nuôi tôi từ đó. Mấy năm nay, bà ốm và bị bệnh thần kinh, mất trí, không kiểm soát được hành vi, kể cả đại tiểu tiện (L, 23 tuổi)

Mẹ đẻ tôi dạy con trai tôi học bài. Lẽ ra, đó là việc hàng ngày của tôi. Ước gì, tôi có thể và có thời gian để làm việc đó (V, 26 tuổi)

 

Tôi sống trong một gia đình ham mê cờ bạc. Ai cũng chơi cờ bạc, mọi lúc, mọi nơi. Sống trong môi trường ấy, tôi thực sự cảm thấy bị áp lực (M, 17 tuổi)

Tôi ngồi duỗi chân với bạn tôi thật thoải mái. Cũng đôi chân này, vài năm trước đây, tôi đã từng tự dùng xích để xích chân mình vào đó để giúp mình cắt cơn nghiện ma tuý. Những chuyện ấy, bây giờ nghĩ lại thấy thật đáng sợ. (T.H, 21 tuổi)

Một khách đi đường dừng xe và hỏi (M, 23 tuổi)

Dù cái bóng này là của bạn trai tôi, nhưng nhìn thấy nó, tôi vẫn rùng mình. Nó khiến tôi nhớ lại hình ảnh gớm ghiếc và cái bóng to lớn của người đàn ông đã xâm hại tôi khi tôi mới 14 tuổi. (T.L, 21 tuổi)

Con ngõ nhỏ ban đêm nơi tôi ở. Về được đến nhà, tôi phải đi qua cái ngõ này cùng với nhiều tâm trạng. Cô đơn, mệt mỏi, chán chường… Không biết bao nhiêu ngày đã đi qua và sẽ đi qua ngõ ấy… (L, 22 tuổi)

Con trai tôi 11 tháng, rất nghịch. Nó bò rất nhanh. Nó rất hay bò bám theo chân mẹ và dì mỗi khi đi làm. (L, 23 tuổi)

Bạn tôi đang chuẩn bị cho một buổi truyền thông trong dự án xã hội. Những cô gái như chúng tôi đang bắt đầu được quan tâm và được nói lên tiếng nói của mình với cộng đồng. Chúng tôi cần lắm những hoạt động như thế. (H, 26 tuổi)

Tôi có 2 cậu con trai phải gửi mẹ ở quê trông giúp để đi làm. Hai đứa trẻ là động lực để tôi sống và thấy mình có ý nghĩa hơn trong cuộc đời này. (M, 23 tuổi)

Tình yêu và xe đạp… nhưng hai bạn ấy trông thật hạnh phúc. Người ta đâu phải cứ có nhà cao cửa rộng, xe hơi nhà lầu mới mãn nguyện đâu (H, 26 tuổi)

Tôi đi sau cặp vợ chồng và đứa con này như bị thôi miên. Chị có chồng để yêu thương và che chở, con có bố để được chăm sóc và dạy dỗ. Giá mà tôi, tôi chứ không phải ai khác, được ngồi sau xe ấy (L, 23 tuổi)

Một khu chung cư mới vừa mọc lên. Những dãy nhà cao ngất và thật đẹp. Tôi ước gì mình có đủ tiền để mua một căn hộ, dù chỉ bé xíu trong đó (H, 25 tuổi)

Bây giờ, tôi đã gặp được một người đàn ông tốt. Anh ấy chấp nhận quá khứ của tôi. Tôi mong được lấy anh ấy làm chồng (T.L, 21 tuổi)

Đoạn đường tàu này nằm chắn ngang trên đường về nhà tôi. Hôm nay tôi đi làm về muộn hơn mọi ngày, vì buổi chiều vừa tranh thủ lên thăm cô bạn đang ở trong trại 2 về. Tôi đã từng có thời gian ở đó. Tôi dõi theo đoàn tàu vun vút chạy qua trước mặt. Rồi tàu sẽ đi về một nơi xa lắm, chở đi những nỗi buồn phiền và mang theo những hi vọng về một cuộc sống mới. Vượt qua con tàu này, tôi sẽ về đến nhà của mình, đó là chỗ dừng chân, là bến bờ, điểm đỗ của tôi. Và thật may mắn, khi tấm hình chụp được trong khoảnh khắc này là màu xanh hi vọng của tôi… (V, 26 tuổi)

2h sáng, M (23 tuổi) vừa trở về nhà sau khi đi làm. Hôm nào cũng tầm giờ này cô mới về tới nhà.

M. (23 tuổi) trong căn phòng trọ, đang trang điểm để chuẩn bị đi làm. Trên tường là chiếc mũ cô vừa mới mua, định mang về quê cho con trai lớn đang học mẫu giáo.

Bà mẹ bị tâm thần và ốm đau của L. (23 tuổi). Bà không kiểm soát được hành vi, kể cả đại tiểu tiện đều tại chỗ.

 

 

Những đầu manequin có ghi tên mỗi học viên đang học nghề làm tóc và trang điểm của Trung tâm dạy nghề phụ nữ Hà Nội. Các học viên ở đây đã và đang là nữ lao động tình dục muốn học nghề nghiệp để bắt đầu một cuộc sống mới.

Nguồn: Depplus.vn