TIN TỨCTin CSAGA

Thông cáo của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet)

13/03/2017 02:13:08 693
Hôm nay, ngày 12/3/2017 tại Hà Nội, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) bao gồm 15 tổ chức xã hội đang hoạt động trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam ra thông cáo này để bày tỏ sự bức xúc của mình trước hiện trạng xâm hại tình dục trẻ em gái, kêu gọi những hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn này.

Trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1544 vụ vào năm 2014. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Nạn nhân thậm chí bị giết chết để bịt đầu mối hoặc bị đe doạ để không dám tố cáo.

Hiến pháp Việt Nam khẳng định quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo vệ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của công dân. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước về Quyền Trẻ em năm 1990. Việt Nam cũng là một nước có riêng bộ luật về trẻ em và nhiều quy định luật pháp chính sách tiến bộ về bảo vệ trẻ em. Việt Nam còn có một bộ máy khá toàn diện về chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, dù đã có bằng chứng rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu hình sự, lại được xử lý theo cách ‘hòa giải’. Quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm gây thêm tổn thương và thiệt thòi cho nạn nhân và gia đình. Nhiều cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, thay vì thực hiện trách nhiệm của mình lại đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực. Thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm và củng cố, tăng cường các giải pháp bảo vệ và xử lý bạo lực và lạm dụng tình dục lại quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải tự bảo vệ mình. Đó là những rào cản về thể chế khiến cho bạo lực tình dục không những không giảm mà còn gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp trong thời gian qua.

Điển hình là vụ 9 cháu bé ở Vũng Tàu bị một người đàn ông cao tuổi xâm hại. Đã hơn một năm trôi qua mặc dù đã có đủ bằng chứng nhưng vụ án vẫn chưa được khởi tố. Thủ phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí còn đe doạ gia đình nạn nhân. Ngay sau tết Đinh Dậu, một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý dù gia đình đã báo cáo. Gần đây nhất là vụ cháu bé 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị xâm hại nhiều lần bởi một người đàn ông 34 tuổi. Hai tháng trôi qua, gia đình đã tố cáo với cơ quan pháp luật nhưng kẻ thủ ác vẫn không bị xử lý còn ngang nhiên thách thức dư luận. Hay vụ cháu bé 7 tuổi ở Thủ Đức, bị kẻ xấu ở trường xâm hại dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Thế nhưng kẻ xấu vẫn không bị vạch mặt, mà trái lại còn được che dấu.

Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) khẩn thiết kêu gọi:

1. Các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, giải quyết kịp thời và thấu đáo các vụ xâm hại tình dục đã được tố cáo để lấy lại danh dự, ổn định cuộc sống và tinh thần cho nạn nhân và gia đình, đáp ứng mong mỏi của dư luận xã hội.

2. Quốc hội và các cơ quan pháp luật rà soát hệ thống pháp luật, chính sách liên quan nhằm tăng cường quyền lực cho công cụ pháp lý bảo vệ tính mạng, nhân phẩm và quyền lợi của công dân, đặc biệt là trẻ em.

3. Quốc hội và các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật để đảm bảo tất cả các vụ xâm hại tình dục trẻ em phải được đưa ra ánh sáng và giải quyết thấu đáo.

4. Các tổ chức xã hội, các mạng lưới, các nhóm hoạt động vì phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực và phát triển xã hội hãy cùng liên kết hành động để bảo vệ con em của chúng ta và xây dựng một môi trường sống an toàn cho thế hệ tương lai.

5. Những cá nhân có uy tín trong cộng đồng, các nhà hoạt động xã hội, các nghệ sĩ, hãy bằng ảnh hưởng của mình, lên tiếng ủng hộ chúng tôi chống lại bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

6. Các nhà báo hãy cùng chúng tôi phanh phui các vụ việc, đưa thủ phạm ra trước sự phán xét của công luận, khuyến khích sự hỗ trợ của cộng đồng đối với nạn nhân và gia đình của họ đồng thời lại bảo vệ họ trước những hệ luỵ xã hội.

7. Tất cả mọi người trong xã hội, hãy cùng chung tay với GBVNet, phát hiện, tố cáo các vụ xâm hại tình dục trẻ em và cùng chúng tôi tìm ra các giải pháp hiệu quả ngăn chặn vấn nạn này.

 

Các tổ chức thành viên của GBVNet