TIN TỨCTin CSAGA

Hội nghị quốc gia lần thứ Ba về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội Nạn nhân hay Tội nhân: Những Rào cản Thể chế và Văn hoá trong Giải quyết Bạo lực Tình dục ở Việt Nam

07/10/2016 02:18:16 432
Hội nghị quốc gia lần thứ Ba về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội Nạn nhân hay Tội nhân: Những Rào cản Thể chế và Văn hoá trong Giải quyết Bạo lực Tình dục ở Việt Nam

 

 

Địa điểm: Hà Nội

Thời gian: 29-30 tháng 11 năm 2016

Hội nghị hướng tới mục tiêu:

1. Rà soát vấn đề bạo lực tình dục trong bối cảnh văn hóa, xã hội và chính trị của Việt Nam qua các kết quả nghiên cứu xã hội, kinh nghiệm thực địa và các bài học từ can thiệp.

2. Chia sẻ kinh nghiệm và bài học từ các mô hình can thiệp và kinh nghiệm thực địa.

3. Xây dựng và cung cấp các khuyến nghị thiết thực cho cải thiện chính sách, xây dựng chương trình, tổ chức các hoạt động xã hội và truyền thông nhằm giải quyết bạo lực tình dục;

4. Thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà nước, các tổ chức dân sự xã hội và các cơ quan hỗ trợ kĩ thuật và tài chính quốc tế thông qua diễn đàn đối thoại về các ưu tiên và giải pháp đối với bạo lực tình dục.

Bối cảnh:

Bạo lực tình dục bao gồm hiếp dâm và các hình thức bạo hành tình dục khác trong và ngoài hôn nhân, gây ra bởi thành viên gia đình, bởi bạn tình dị tính và đồng tính, người quen hay khách hàng của những phụ nữ trong khu vực lao động giải trí. Cưỡng ép bán dâm và cưỡng ép kết hôn, xâm hại tình dục trẻ em, quấy rối tình dục ở trường, nơi làm việc hay các địa điểm công cộng, là những hình thức bạo lực tình dục đã được ghi nhận trong xã hội Việt Nam.Các số liệu thống kê chính xác về các hình thức bạo lực tình dục rất khó để thu thập nhưng trong cuộc nghiên cứu đầu tiên về bạo lực gia đình 10% phụ nữ đã từng kết hôn đã cho biết rằng họ đã bị bạo hành tình dục ít nhất một lần trong đời và 4% cho biết điều đó đã xảy ra với họ trong 12 tháng qua. Mối quan hệ bất bình đẳng giữa các giới và giữa các nhóm tình dục là nguyên nhân sâu xa cuả tình trạng này.

Bạo lực là một vấn đề giới điển hình nếu xem xét từ những khía cạnh ai là thủ phạm, ai là nạn nhân, nó được biện minh như thế nào và những người phải trải qua nó bị ảnh hưởng ra làm sao. Ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nơi khác, nam giới thường là người gây ra bạo lực. Nam giới bạo hành phụ nữ và cả những nam giới khác.Tuy nhiên, bạo lực không phải là bản chất của nam giới; đó không phải một đặc điểm sinh học bẩm sinh . Trong thực tế, các nghiên cứu ở Việt Nam và những nơi khác đã chỉ ra rằng bạo lực gắn liền với cách thể hiện các khuôn mẫu nam tính. Một nghiên cứu về nam giới bạo hành ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã phát hiện rằng ở tất cả mọi nơi, lý do mà hầu hết nam giới nêu lên để giải thích về hành vi hiếp dâm là sự thúc đẩy của bản năng tình dục – đó chính là cơ sở để nam giới tin rằng họ có quyền quan hệ tình dục mà không cần được sự đồng ý của đối tượng.

Mặc dù bạo lực tình dục không phải là hiện tượng mới ở Việt Nam nhưng gần đây, nó đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Đúng vậy, xã hội Việt Nam chưa bao giờ đối mặt với sự lo lắng về sự an toàn đối với phụ nữ và trẻ em đặc biệt là trẻ em gái như trong vài năm qua. Tin tức về bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Gần đây vấn đề lạm dụng tình dục với trẻ em trai cũng bắt đầu gây ra sự lo ngại cho xã hội.Trong số các thủ phạm (mà hầu hết lànam giới) có cả những người cao niên có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng và cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp mà nạn nhân không thể lên tiếng hoặc bị cho là không đáng được bênh vực vì thuộc các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người di cư, phụ nữ hành nghề mại dâm, người đồng tính và người chuyển giới. Đối với nhiều người trong số họ, bị bạo hành và lạm dụng tình dục là một thực tế ám ảnh họ mỗi ngày nhưng họ buộc phải chịu đựng trong câm lặng.

Pháp luật Việt Nam với nhiều quy định tiến bộ phải là một công cụ hữu hiệu để phòng ngừa và trừng phạt bạo lực. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự chậm trễ của cơ quan hành pháp, thái độ bàng quan, dung túng của cán bộ công quyền đã khiến bạo lực và lạm dụng bị xem nhẹ hoặc rơi vào im lặng. Qui trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm thậm chí còn khiến nhiều nạn nhân dường như bị bạo lực và lạm dụng thêm nhiều lần nữa. Báo chí và truyền thông xã hội còn phơi bày, soi mói và khai thác nhiều chi tiết riêng tư khiến nạn nhân trở thành tội nhân trong dư luận xã hội. Cộng đồng, gia đình và bản thân các nạn nhân đôi khi cũng chấp nhận cam chịu và tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó. Những giá trị cổ hủ, những quan niệm sai lầm về nam tính/nữ tính cùng với những định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này.

Bất chấp những tiến bộ trong hệ thống chính sách và những thay đổi kinh tế to lớn, phụ nữ vẫn thuộc về nhóm yếu thế ở Việt Nam, vị thành niên và trẻ em, nhất là các em gái thậm chí còn yếu thế hơn. Sự yếu thế không nằm ở thể lực của họ mà chính là ở việc họ bị trói chặt bởi các quan niệm bất bình đẳng về giá trị giới đặc biệt là các trói buộc về đạo đức và bị đơn độc trong cuộc đấu tranh bảo vệ nhân phẩm, thân thể và chỗ đứng của mình trong xã hội.

Đó là lý do vì sao trong khi bạo lực tình dục và các hình thức bạo lực giới tinh vi khác đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ với nhiều phụ nữ và trẻ em, vấn nạn này vẫn bị coi nhẹ hơn các vấn đề kinh tế xã hội khác. Chính phủ đã phát động ngày Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ nhưng dường như sau các cuộc tuần hành rầm rộ lên án bạo lực đối với phụ nữ vào ngày đó, sau những bó hoa và lời chúc tụng của ngày 8/3, ngày 20/10 nhiều trường hợp bạo lực và lạm dụng vẫn bị rơi vào sự im lặng đáng sợ hay được xử lý theo cách ‘hòa giải’ truyền thống ngay cả khi các vụ việc đã có dấu hiệu hình sự.

Trong nhận thức của xã hội nói chung và của những người thực thi pháp luật và những người có trách nhiệm khác, bạo lực và lạm dụng tình dục là vấn đề của cá nhân và chủ yếu là của những cá nhân không tuân thủ các chuẩn mực giới truyền thống. Do vậy xã hội và nhiều người trong các cơ quan, tổ chức làm việc để giải quyết bạo lực và lạm dụng đối với phụ nữ và trẻ em, thay vì nhận ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng ngừa và hành pháp lại đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em đã thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực. Thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm và củng cố, tăng cường các giải pháp bảo vệ và xử lý bạo lực và lạm dụng tình dục lại quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải tự bảo vệ mình. Đó chính là những rào cản văn hoá đối với những nỗ lực giải quyết bạo lực tình dục trong thời gian qua.

Cho đến nay, nhà nước, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức, các nhóm cộng đồng và mạng lưới xã hội dân sự đã có nhiều cố gắng để tăng cường sự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em cũng như cải thiện việc thực hiện công lý. Tuy nhiên, thành quả của các nỗ lực này vẫn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội dân sự vẫn chưa có một cơ chế chính thức để phản hồi và đối thoại bình đẳng với các cơ quan nhà nước. Do đó vận động cho các động thái tích cực hơn của nhà nước trong giải quyết các vấn đề này vẫn đang là một thách thức lớn.

Trong một bối cảnh các vấn đề bạo lực tình dục đang có những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng như vậy, việc tập hợp các tổ chức, cá nhân mong muốn tham gia giải quyết vấn nạn bạo lực giới, nhất là bạo tình dục để cùng nhau thảo luận các chiến lược và giải pháp hành động là rất cấp bách. Các đơn vị tổ chức Hội nghị quốc gia thường niên lần thứ 3 về giới, tình dục, văn hoá và xã hội với trọng tâm về bạo lực tình dục trông đợi rằng các thảo luận trong hội nghị sẽ giúp vấn đề này được nhìn nhận đúng mức hơn và do đó thu hút được nhiều sự quan tâm hơn nữa. Hội nghị cũng sẽ là diễn đàn lên tiếng mạnh mẽ về các bất bình đẳng mang tính hệ thống trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là bất bình đẳng giới nằm sau các vấn đề bạo lực và lạm dụng. Hội nghị sẽ là cơ hội để các tổ chức, cá nhân chia sẻ kết quả nghiên cứu, bài học từ các mô hình can thiệp đã được thực hiện đồng thời thảo luận về chiến lược tăng cường vai trò của các bên liên quan, nhất là các tổ chức xã hội dân sự để có thể tham gia hiệu quả hơn nữa vào nỗ lực chung nhằm giải quyết bạo lực tình dục ở Việt Nam.

Chương trình dự kiến:

3phiên họp toàn thể (90'/ phiên):

 

1. Những yếu tố văn hoá – xã hội nào đang nuôi dưỡng và củng cố bạo lực tình dục ở Việt Nam?

2. Khung pháp lý và dịch vụ xã hội hiện nay đáp ứng như thế nào nhu cầu giải quyết bạo lực tình dục?

3. Giải quyết bạo lực tình dục có liên quan như thế nào đến thực hiện mục tiêu phát triển bền vững?

Các phiên song song (90'/ phiên):

1. Xâm hại tình dục đối với trẻ em, vị thành niên và thanh niên

2. Bạo lực tình dục trong gia đình: vết nứt ngầm dưới nền nhà.

3. Bạo lực tình dục đối với các nhóm thiểu số (LGBT, dân tộc thiểu số, người di cư, …)

4. Bạo lực tình dục đối với người khuyết tật

5. Bạo lực tình dục đối với các nhóm dễ bị tổn thương (người hành nghề mại dâm, người sử dụng ma tuý, người sống chung với HIV/AIDS và bạn tình của họ)

6. Cơ chế bảo vệ quyền trẻ em trong trường hợp lạm dụng tình dục

7. Cách thể hiện bạo lực tình dục trong truyền thông và ý nghĩa đối với việc thay đổi nhận thức xã hội.

8. Bạo lực tình dục trong thời đại công nghệ;

9. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc và các địa điểm công cộng

 

Hội thảo thanh niên trước hội nghị chuyên đề: (2 ngày) Tình dục ở thanh niên, Truyền thống và hiện đại: Tính dễ tổn thương và khả năng ứng phó

Hội thảo khóa học truyền thông nhạy cảm trước hội nghị chuyên đề: (1 ngày: 0,5 ngày trước hội nghị chuyên đề và 0,5 ngày phản ánh sau hội nghị chuyên đề) Công bằng tình dục: những phương tiện truyền thông phải làm gì với nó?

Dự kiến đầu ra:

· Khuyến nghị chính sách và chương trình

· Cam kết phối hợp hành động

· Kỷ yếu hội nghị

· Thông tin báo chí

Khung thời gian dự kiến:

10/9: Hoàn thiện đề cương vắn tắt

12/9: Gửi lời kêu gọi nộp các tóm tắt

15/10: Hạn chót để gửi tóm tắt

30/10: Thông báo về các bài trình bày được lựa chọn

5/11: Xác nhận của các diễn giả và hoàn thiện các chương trình

29-30/11: Hội nghị

Ban tổ chức hội nghị:

Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP)

Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS)

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)

Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI)

Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội, Môi trường (iSEE)

Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (Light)

Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth)

Ban Hành động vì Sự phát triển Hòa nhập (IDEA)

Hội Y tế Công cộng

 

Các tổ chức và mạng lưới hỗ trợ:

Liên minh hành động vì công bằng sức khỏe (PAHE)

Mạng phòng chống bạo lực trên cơ sở giới Việt Nam (GBVNet)

Liên minh quyền tình dục Việt Nam (SRA)

 

Nhà tài trợ:

Rockefeller Foundation

Lịch sử:

Hội nghị tình dục quốc gia thường niên được Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) khởi xướng từ năm 2010 với mục đích tạo một diễn đàn trao đổi các bài học từ kinh nghiệm thực tế và thảo luận học thuật trong các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam về tình dục và các vấn đề liên quan trong mối quan hệ với văn hóa và xã hội. Các thảo luận này sẽ là nền tảng giúp gợi mở các chủ đề nghiên cứu, tăng cường hiệu quả các chương trình can thiệp cũng như tiếng nói của các tổ chức xã hội dân sự trong tư vấn và thương thuyết với nhà nước và đóng góp vào phát triển xã hội. Chủ đề mỗi kì hội nghị được chọn dựa theo bối cảnh thực tế các vấn đề đang nổi lên trong thời gian các năm trước hội nghị. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2010 với chủ đề 'Tình dục trong không gian chuyển động" với sự tham gia của 150 hội thảo viên. Hội nghị lần 2 được tổ chức vào năm 2012 với chủ đề “Giáo dục giới tính: Nhốt hươu, đuổi, hươu hay vẽ đường cho hươu chạy” với sự tham gia của 250 người. Trong hội nghị lần 2, hội thảo chuyên đề đầu tiên về quyền tình dục của người khuyết tật cũng được tổ chức. Hai kì hội nghị đã tổ chức cũng chứng kiến sự tham gia sôi động của cộng đồng LGBT, thanh niên, người nhập cư, người khuyết tật, người có HIV khiến các thảo luận trong hội nghị thực sự mang tính đa dạng và hoà nhập.